Vụ cướp bánh mỳ vì đói: LÒNG VỊ THA CỦA QUẦN CHÚNG BỊ PHẢN BỘI HAY MỘT XÃ HỘI CÓ VẤN ĐỀ

Người xem: 134

Vụ cướp bánh mỳ vì đói: Lòng vị tha của quần chúng bị phản bội hay một XH có vấn đề!

Chung Nguyên

2 thanh niên cướp bánh mì tại tòa. Ảnh: Zing.vn.

Khi hai thiếu niên “cướp bánh mỳ vì đói” ở Sài Gòn bị kết án, dư luận đã lên cơn xót thương tập thể. Nhưng vài ngày trước, khi biết chính thiếu niên này cầm đầu băng nhóm gây ra vụ cướp thì những người đã từng xót thương tập thể ấy lại trở nên im lặng tập thể.

Người phương Tây tin vào lý thuyết cửa sổ vỡ, nếu một cửa kính bị đập vỡ và không ai phản ứng, ngày mai sẽ có thêm một cửa sổ vỡ và tuần sau cửa kính cả khu phố sẽ tan tành. Cách triệt để nhất để chống tội phạm đó là tạo ra một môi trường nơi không một mầm mống tội ác nào được dung dưỡng, sinh sôi.

Thời tái thiết lại Paris, các kiến trúc sư đã được Napoleon III trao một nhiệm vụ khó tin, đó là hãy xây dựng một thành phố không thể có bạo loạn. Nghe thì hoang đường, vì dường như đây không phải là công việc liên quan gì đến ngành kiến trúc.

Nhưng mọi thứ đều có lý do, vì muốn đảm bảo an ninh, thì cảnh sát cần phải có tầm nhìn tốt. Và ngay sau đó, những đường ngang ngõ tắt, hẻm nhỏ, xó xỉnh đều bị đập bỏ. Vì đây chính là những môi trường để tội phạm phát sinh.

Khi cảnh sát xoá bỏ những hình vẽ graffiti ở ga tàu điện ngầm New York đồng thời bắt giữ những kẻ trốn vé lậu – biểu tượng của sự vô luật pháp, sau một năm, số lượng những vụ án mạng ở thành phố này giảm tới gần một nửa.

Tội phạm nghiêm trọng là hệ quả tất yếu của sự thờ ơ từ khi nó còn chưa nghiêm trọng, một xã hội đồng lòng chấp nhận những vi phạm nhỏ thì không có tư cách kêu than khi bản thân trở thành nạn nhân của tội ác lớn, vì tội ác chỉ là hạt giống, nó nảy mầm theo bản năng và được tưới bón chính bởi sự uỷ mị của đám đông.

Vài tháng trước, khi cảnh sát bắt giữ và khởi tố 2 đối tượng cướp giật bánh mỳ ở Sài Gòn, chúng ta đã chứng kiến một làn sóng phản đối chưa từng thấy đến mức Viện Kiểm Sát phải nới tay, tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm.

Vài tháng sau, những “cậu bé đáng thương” cướp bánh vì đói khát kia, những Jean Valjean (nhân vật chính trong Những người khốn khổ) thế kỷ 21 đã lộ rõ nguyên hình. Chúng là những thành viên của một băng đảng trộm cắp, cướp giật chuyên nghiệp.

Lòng vị tha của quần chúng đã bị phản bội, nhiều người than thở như vậy. Nhưng điều này không hề làm tôi bất ngờ, ít nhất, nó phù hợp với những gì các chuyên gia tâm lý học tội phạm vẫn cố truyền tải đến đám đông một cách vô vọng.

Khoảng cách từ việc cướp giật chiếc bánh mỳ, đến cướp giật chiếc iPhone, xe máy hay thậm chí cướp đi sinh mạng, không hề lớn như các bạn tưởng.

Nhưng nó là một khoảng cách khổng lồ từ việc một người bình thường, bỏ đi sự thiện lương, để cướp thứ thuộc về người khác, nói không ngoa, những kẻ cướp giật bất kể giá trị của món đồ lớn hay nhỏ, có sự sai khác nhất định với phần còn lại của nhân loại. Họ không thuộc về xã hội tử tế của chúng ta.

Tất cả các đại bàng đại ca khét tiếng giang hồ, đều bắt đầu sự nghiệp từ những phi vụ vô cùng nhỏ. Cướp giật là tội phạm cấu thành bởi hành vi, và nó ở mức độ nguy hiểm hơn ăn cắp khi thách thức cả nạn nhân lẫn luật pháp một cách công khai. Kẻ ăn cắp ít ra biết sợ cả hai.

Không bao giờ nên có ngoại lệ cho tội phạm. Một xã hội bênh kẻ cướp giật bánh mỳ nhưng lại kêu than khi bị giật túi xách, điện thoại, là một xã hội có vấn đề.

Và nếu Jean Valjean hay thậm chí là Robin Hood sinh ra ở thời đại ngày nay, họ cũng xứng đáng bị tống vào tù.

theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *