MÓC ĐÍT – VĂN HÓA & VĂN HÓA ĐỌC

Người xem: 202

Móc Đít – Văn Hóa & Văn Hóa Đọc

Thật, nói ra thì ngại, nhưng không thể không nói bởi nó có liên quan. Thẳng là tính tôi vốn dâm dê các anh chị ạ, vì dâm dê nên tôi hay nhìn gái. Gái trẻ càng hay bị tôi nhìn. Vì gái trẻ xinh đẹp mà. Cũng liu ý luôn với các gái trẻ rằng, các nàng xinh vì trẻ chứ bản thân các nàng chưa hẳn đã xinh. Tuổi trẻ, tự thân nó là một vẻ đẹp rồi.

Sáng qua ngồi cafe thấy một gái trẻ vào quán nhưng chưa vào ngay mà vẫn đứng cửa như chờ ai đó. Kể luôn, kế quán cafe là quán phở, và có vẻ như gái trẻ vừa dùng phở. Như tất cả mọi người, gái móc xì mát phôn ra lướt trong lúc chờ đợi. Trong khi chăm chú lướt phôn, gái cho tay vào mồm móc răng, sau một hồi ngoác mồm cho bàn tay khua khoắng, gái lôi bàn tay ra, dùng móng ngón cái check móng các ngón còn lại, rồi gái búng búng, rồi gái đưa lên mũi hít hít, khúc coda huy hoàng là gái chùi chùi lau lau mấy ngón tay của mình xuống mông. Mông gái, dĩ nhiên được che phủ bằng chiếc váy cùng họa tiết rất đẹp.

Một loạt thao tác đáng yêu của gái được thực hiện trong khi chăm chú dán mắt vào phôn. Sự hồn nhiên duyên dáng đến kinh ngạc.

Sáng thì ngắm gái ở cafe, trưa về, trong thang máy, đứng ngay trước mặt cũng là gái. Gái trẻ nên cũng xinh, dĩ nhiên. Gái này không móc răng nhưng liên tục gãi đầu. Gãi rồi cũng dùng móng ngón cái check ngón giữa và ngón áp út, là những ngón vừa gãi. Check, rồi búng búng, rồi cũng duyên dáng đưa lên mũi hít hà…

Thích mùi khắm, thối, hôi của bản thân không phải là cái gì xấu xí, mà nó là một niềm vui nguyên thủy bản năng, nhưng niềm vui ấy không nên hồn nhiên trình diễn nơi công cộng. Nếu ỉa đái phải chui vào toilet thì móc bựa răng, móc đít móc nách ngửi cũng nên kín đáo. Đó là văn hóa tối thiểu vậy. 

Văn hóa, như đã từng biên, là một hệ thống thói quen. Thói quen của cả cộng đồng được hình thành qua hàng ngàn năm, trở thành thứ mà hàn lâm gọi là “kí ức cộng đồng”. Thông thường, những thói quen tốt thì phải tập luyện, tuyên truyền, kỉ luật, trong khi thói quen xấu thì hình thành cách vô thức. Tóm lại, thói quen (văn hóa) tốt thì khó hình thành, trong khi hình thành thói quen xấu lại rất dễ.

Văn hóa không hình thành trong thời gian ngắn, như vài năm hay thậm chí, là một đời người, mà văn hóa hình thành bởi, ít nhất, vài thế hệ. Gustave le bon cho rằng, cá tính dân tộc quyết định số phận dân tộc, còn tôi cho rằng cá tính dân tộc làm nên văn hóa dân tộc ấy.

“Văn hóa đọc” là câu chuyện chúng ta nghe rát tai trong chừng hai chục năm đổ về đây. Chung qui, người ta đang than vãn về cái “văn hóa lười đọc” của tông dật. Người ta than thở, lo lắng cho thế hệ trẻ lười đọc. Thế rồi người ta phát động “sách hóa nông thôn” (chương trình này dĩ nhiên nhắm tới trẻ em), rồi vừa qua, người ta phát động phong trào lì xì (mừng tuổi) bằng sách…

Là kẻ biên khá nhiều về chủ đề văn hóa đọc, nên để cho khỏi lạc đàn, xin có nhời góp thêm.

Cần khẳng định ngay, không phải lớp trẻ của chúng ta lười đọc, mà toàn dân tộc chúng ta cùng đéo đọc (dĩ nhiên, nếu “đọc” loại trừ việc đọc status fb). Gọi là “văn hóa đọc” bởi việc đọc phải là một thói quen hình thành qua nhiều thế hệ. Các bậc phụ huynh đừng có tham vọng con mình ham đọc trong khi bản thân mình đéo đọc.


Ngày nay, cùng với đời sống vật chất khấm khá, các bậc phụ huynh đã chú ý mua sắm sách báo cho con, nhưng chắc chắn con các vị sẽ không có hứng thú gì với sách nếu bản thân các vị không có niềm hứng thú đó. Cảm hứng với sách vở cũng hệt như mọi cảm hứng khác, nó phải được lan truyền, thẩm thấu, nhưng khác với vài cảm hứng khác, truyền cảm hứng đọc không thể tức thời, mà nó cần rất nhiều thời gian.

Nếu muốn trẻ con hứng thú với sách, các bậc phụ huynh phải tạo ra một kỉ luật cho chính mình trong việc đọc. Phải dành chút thời gian để đọc cùng, chém gió với chúng về những cuốn sách mua về…, ít nhất là như vậy. 

Tạo ra thói quen đọc cho bản thân rồi truyền sang con trẻ, chỉ như thế, qua vài thế hệ, may ra dân tộc này mới trở thành một tông dật không mù chữ.

Cổ vũ việc đọc bằng những phong trào mang tính bề nổi như “sách hóa nông thôn”, “mừng tuổi bằng sách” cũng tốt, và dĩ nhiên cũng nên làm, nhưng nó sẽ không thể thay đổi cái “văn hóa lười đọc”, cùng lắm, phong trào ấy sẽ trở thành một cái gì đó vui vẻ, kiểu tấu hài hạng sang.

Thành thị đầy sách cũng có ai đọc đâu, vậy nông thôn được “sách hóa” không lẽ nông thôn sẽ chăm đọc? Bọn trẻ con, được/bị mừng tuổi lì xì bằng sách, chúng nó sẽ chửi thầm, sure! “Sách hóa nông thôn” sẽ mang lại niềm vui cho người thực hiện chương trình ấy cũng như mừng tuổi lì xì cho trẻ con sách sẽ mang lại niềm vui cho người lớn mà thôi.

Trở lại với hehe mệnh đề ở đầu bài “Gái xinh vì trẻ chứ tự thân gái chưa hẳn đã xinh”. Tuổi trẻ là một thế mạnh, nhưng thế mạnh ấy sẽ chẳng là gì nếu các gái (zai) vứt bỏ đi thế mạnh ấy bằng những biểu hiện xấu xí, dị mọ, bẩn bựa, vô văn hóa (hay nói chính xác là văn hóa mõm vuông). 

Để hoàn thiện vẻ đẹp của mình, dĩ nhiên là “tự nhận thức”, trong đó không thể không có việc quan sát, học hỏi, và quan trọng, kỉ luật đọc.

Chép về từ Bác Văn Vương lừng danh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *