Chỉ dẫn cho báo chí trong môi trường mới đầy hỗ loạn

Người xem: 168

Xin giới thiệu bài viết của Anders Hofseth, vốn được xuất bản bằng tiếng Na Uy trên trang NRKbeta vào tháng 2/2017, sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Anh cho Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters.

***

Truyền thông thế giới có lẽ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn một nền kinh tế truyền thông đang rơi tự do, một cuộc khủng hoảng liên quan đến chính những nền tảng của nó: Niềm tin.


Không chỉ là niềm tin đối với một bản tin hay một ấn phẩm báo chí, mà là toàn bộ ý tưởng về truyền thông đại chúng trong đó quy trình biên tập tin tức được kiểm soát chặt chẽ.

Tin tức giả thực tế đã có mặt từ rất lâu. Và bản thân chúng chẳng tạo ra mối đe dọa ghê gớm nếu mọi người ngày càng nhận thức tỉnh táo. Nhưng tin tức giả đang tấn công hệ thống chia sẻ thông tin của xã hội. Nó đang phủ bóng đen ngờ vực về độ tin cậy của truyền thông, tạo ấn tượng rằng truyền thông chỉ đang cung cấp một phần sự thật, vì thế người ta có thể quay sang các nguồn khác và tìm kiếm những sự thật liên quan tới mình.

Nếu bạn có thể thuyết phục mọi người rằng tin thật là giả mạo, thì việc thuyết phục họ rằng tin giả là thật còn dễ dàng hơn (Garry Kasparov, Twitter)

Khi độc giả được đào tạo để nghi ngờ mọi thứ họ đọc được từ tin tức, điều đó có thể dẫn đến tình trạng giảm giá trị và mất ổn định của hệ thống thông tin xã hội, và một khoảng trống có thể xuất hiện.

Điều này đặt ra một mối đe dọa không chỉ với phương tiện truyền thông. Nó đang thách thức cả cơ cấu xã hội.

Tập đoàn truyền hình Na Uy (NRK) đang quản lý một số nền tảng truyền thông quyền lực nhất ở đất nước này, và điều lệ của chúng tôi bắt buộc chúng tôi phải tôn trọng và củng cố nền dân chủ.

Xét cả những cân nhắc cho công chúng lẫn niềm tin cùng tính chính thống lâu năm của chúng tôi, điều vô cùng quan trọng là hiểu rõ những gì chúng tôi sẽ để lại cho mai sau, và bằng cách nào.

NRK cần bảo vệ tính toàn vẹn và niềm tin để có thể hành động một cách tự do và không phụ thuộc vào cá nhân hay tổ chức nào vì mục đích chính trị, tư tưởng, kinh tế hay lý do khác muốn gây ảnh hưởng lên nội dung báo chí.

Điều này đòi hỏi: Kiểm soát chất lượng mạnh mẽ ở cấp độ từng bản tin; Gia tăng nhận thức về những vấn đề tiềm ẩn; Đánh giá lại các điều khoản cấp quyền truy cập vào lĩnh vực công cộng; Một đánh giá không chỉ về cách chúng ta có thể tránh phạm phải sai lầm, mà còn tích cực giúp cho mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn.

Phân tích này sẽ đề cập ngắn gọn đến cách chúng tôi đạt kế quả ngày hôm nay, nhưng mục đích chính sẽ là những gì chúng tôi nghĩ cần phải làm ngay lúc này.


Tin tức giả là gì

“Tin tức giả” không còn là điều gì mới. Thứ gọi là Báo chí màu vàng đã có lịch sử hơn trăm năm: Ở Anh, tờ Sunday Sport từng giật những dòng tít như “Phát hiện xe bus London đông cứng trong lớp băng Bắc cực” từ những năm 1980.

Nhưng tháng 10/2016 vừa qua, cụm từ “tin tức giả” mới trở thành ngôn ngữ thường ngày của cả thế giới khi được kết nối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Có nhiều thứ được dán nhãn này:

Tuyên truyền chính trị? 
  • Tin giả 
  • Công tác kém cỏi của nhà báo 
  • Tin giả 
  • Những thứ bạn không thích 
  • Tin giả 
Thuật ngữ này không chính xác và phần nào đã mất giá trị. Tuy nhiên, sự phổ biến của nó là lý do chúng tôi dùng cụm từ này để chỉ những điều khác.

Về lý thuyết, tin tức giả có thể chia làm hai nhóm: Tin tức được tạo ra vì lợi nhuận và hoạt động tuyên truyền nhằm mục đích gây ảnh hưởng

Chúng ta cũng có thể phân biệt giữa: Những người lan truyền không cố ý và Những người lan truyền với một ý định rõ ràng

Tất cả những thứ này đang tấn công hệ thống thông tin của xã hội, làm giảm niềm tin của dư luận với truyền thông, và phần nào có thể được xử lý tương tự nhau. Do đó, chúng tôi sẽ chủ yếu xem chúng là một.

Một định nghĩa: Tin tức giả là những mẩu tin được tạo ra hay bóp méo có chủ ý

Một trong những điều quan trọng nhất chúng ta làm, là chú ý vào ý định chứ không phải “tin tức.”

Tin tức giả thường được đăng trên các trang web có vẻ đáng tin, và lợi dụng truyền thông xã hội để lan truyền.

Chúng tay hãy cùng xem video dưới đây, với tên gọi “Video này sẽ khiến bạn thấy vô cùng giận dữ,” mô tả những cơ chế về tâm lý đằng sau việc lan truyền tin tức giả.


Vấn đề sâu xa hơn là gì?

Nền kinh tế nhấp chuột và hạn chót kéo dài vĩnh viễn của truyền thông kỹ thuật số đã cho chúng ta một kiểu lan truyền sự thực dựa trên sự kiện: Các câu chuyện tin tức được khơi dậy vì một điều gì đó đã xảy ra, một ai đó đã nói điều gì đó, một ai đó đã đưa điều gì đó lên truyền thông. Rốt cục, nó được định nghĩa bởi những điều xảy ra, và sau đó là được đưa tin.

Nếu bạn muốn gây ảnh hưởng lên quan điểm của xã hội về một vấn đề, tất cả những gì bạn cần làm là một vụ khuấy đảo thân thiện với truyền thông, và bùm: bạn sẽ tiếp cận trực tiếp với công chúng.

Cách mà truyền thông kỹ thuật số đã phát triển, ranh giới giữa điều gì quan trọng và điều gì chỉ đơn thuần thu hút sự chú ý (hoặc chỉ có tính giải trí) đã trở nên lu mờ.

Điều dễ thấy nhất không cần phải là điều quan trọng nhất

Không thể không thảo luận chủ đề này mà không động chạm tới tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ.

Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu Donald Trump đang làm theo một kế hoạch gian xảo, hay đó chính là con người ông ấy. Trong bối cảnh này, điều đó dù sao cũng không thú vị lắm. Điều thú vị là kết quả thực tế của những gì đang diễn ra và những cơ chế khác biệt đang hoạt động.

Cựu biên tập viên của Politiken Bo Lidegaard nhắc chúng ta rằng mánh quan trọng nhất của ảo thuật gia là vẫy một tay để thu hút sự chú ý, trong khi tay còn lại, bí mật và không bị để ý, đang tạo ra ma thuật. “Không ai làm chủ nghệ thuật này giỏi hơn Donald Trump. Và ít ai làm chuyện này tồi hơn giới truyền thông, những người sẵn sàng để bị dắt mũi quanh vòng tròn rạp xiếc bởi những trò rẻ tiền của ông ta,” ông viết về Donald Trump.

Cách mà Donald Trump đang khai thác truyền thông vì lợi ích của mình; và những cuộc tấn công bền bỉ vào cơ chế kiểm soát trung tâm trong xã hội rất nghiêm trọng vì nhiều lý do. Những mánh khóe được dùng cũng có thể được nhận ra ở những nơi khác, cả ở Na Uy.

Sự chú ý

Có phỏng đoán rằng chưa có ai thống trị truyền thông trọn vẹn như Donald Trump đang làm hiện nay. Chiến lược này đã đưa Trump đến với vị trí mà ông ta đang nắm giữ, và đem lại cho ông tầm ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ.

Hỏa mù

Donald Trump có một đầu ra ổn định và rất lớn cho những câu chuyện mà truyền thông phải có sức mạnh ý chí rất nghiêm túc mới cưỡng lại được. Sự cộng sinh giữa Donald Trump và truyền thông thúc đẩy bởi những cú kích chuột đang tạo ra một màn hỏa mù, giúp ông ta có thể điều hướng sự chú ý của dư luận.

Đó là lý do mà truyền thông rốt cục luôn phải viết thêm một bài mới về việc có phải Trump có chênh lệch phiếu đại cử tri cao nhất từ thời Reagan hay không, trong khi quên không nhắc tới chuyện ông ta luôn tránh nói về những liên lạc với Nga trong chiến dịch tranh cử.

Những sự đánh lạc hướng không có giới hạn này đang làm yếu đi khả năng đưa tin chính trị thực chất và thiết lập chương trình nghị sự của giới truyền thông. Quá thường xuyên, việc đưa tin được quản lý bởi những gì được nói ra, thay vì bằng cách quan sát những gì đang thực sự xảy ra, kết hợp với việc xem xét xem điều gì là quan trọng bởi nó sẽ gây quan ngại với nhiều người, hoặc hàm ý về những thay đổi lớn.


Tính tương đối

Chiến thuật được gọi là “Thuyết tương đối được vũ khí hóa” đã được tổ chức tình báo Nga KGB phát triển trong thập niên 70: Nếu bạn đưa ra đủ lựa chọn thay thế cho sự thật, sự thật sẽ trở nên mờ nhạt. Đối với một số bộ phận dư luận, tổng thống có thể được phép phủ nhận một điều gì đó bằng cách nói rằng đó là Tin tức giả.

Tính không chắc chắn

Môi trường truyền thông của chúng ta đang ngày càng hỗn loạn, đầy những phiên bản thay thế, khiến việc phân biệt cái gì thật và không thật trở nên không rõ ràng.

“Nếu tất cả mọi người luôn luôn nói dối bạn, hậu quả không phải là bạn tin vào những lời nói dối, mà là chẳng ai còn tin vào điều gì nữa” (Hannah Arendt)

Hannah Arendt từng nói: “Nếu tất cả mọi người luôn luôn nói dối bạn, hậu quả không phải là bạn tin vào những lời nói dối, mà là chẳng ai còn tin vào điều gì nữa.[…] Và một dân tộc không còn khả năng tin vào bất cứ thứ gì cũng không thể cân nhắc được điều gì. Dân tộc đó không chỉ bị tước đoạt khả năng hành động mà cả khả năng suy nghĩ và phán đoán. Và với những người đó, bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn thích.”

Kỹ thuật thao túng Gaslighting (thắp sáng đèn ga – một hình thức thao túng tinh thần bằng những thông tin bị bóp méo) được những kẻ ái kỷ sử dụng để khiến nạn nhân nghi ngờ cảm giác của chính mình. Bạn cần phải biết nó hoạt động thế nào

Sự suy yếu của tầng lớp trung lưu

Cơ sở cử tri của Donald Trump không phải là đa số người Mỹ: khoảng 27% cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu cho ông, khoảng 27% bỏ phiếu cho bà Clinton, số 43,1% còn lại không bỏ phiếu.

Để giữ được quan điểm của công chúng, nỗi lo lớn nhất của ông Trump không phải là các cử tri dân chủ – dù sao thì họ cũng chẳng bầu cho ông. Ông cũng không cần phải lo lắng về nền tảng người ủng hộ trung thành. Cái cần quan tâm là tầng lớp trung lưu chiếm đa số rất dễ chao đảo. Chừng nào nhóm người này vẫn còn bị bủa vây bởi những ồn ào, bất ổn và cảm giác bất lực, thì không gian hoạt động của ông vẫn sẽ còn rộng lớn.

Trò chơi của nạn nhân

Nếu bạn muốn làm yếu đi độ tin cậy của truyền thông, bạn có thể gây nghi ngờ về động cơ và tính khách quan của họ, rồi tích cực nhử họ hành động một cách chủ quan. Như vậy sẽ dễ chơi trò “truyền thông là phe đối lập” hơn, như cố vấn của ông Trump là Steve Bannon đang làm khi nói rằng truyền thông cần phải ngậm miệng lại. “Phương tiện truyền thông ở đây chính là đảng đối lập. Họ không hiểu đất nước này.”

89% người theo đảng Cộng hòa hiện đồng ý rằng các hãng truyền thông tin tức đang “phóng đại các vấn đề với chính quyền Trump vì họ đang khó chịu và bị đe dọa bởi những thay đổi mà ông Trump đại diện.”

Phản ứng với tin tức giả, kế hoạch tuyên truyền và những lời nói dối bằng việc kiểm tra thực tế và lật tẩy sự giả dối có thể làm tăng mức độ ồn ào, khiến sự thật trở nên tương đối, tăng sự phân cực, tạo ra hình ảnh truyền thông thiên vị – và cuối cùng lại thành ra là phương tiện chạy việc cho công tác tuyên truyền.

Trong bức tranh lớn hơn, điều này có thể dẫn đến việc hủy hoại truyền thông với tư cách hệ sinh thái hình thành thông tin và ý kiến của xã hội.

Hơn cả việc kiểm tra thực tế, xã hội cần mọi thứ được giải thích, và một tổng quan về những vấn đề thực sự lớn hơn.


Chúng ta có thể làm gì?

Dưới đây là một danh sách những cách bảo vệ độ tin cậy của truyền thông.

1. Bạn sẽ đi được rất xa bằng cách dùng các phương thức báo chí truyền thống

Đoạn 3.2 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp của báo chí Na Uy có viết: “Hãy cẩn trọng khi chọn nguồn tin, và bảo đảm rằng thông tin được cung cấp là chính xác.”

Hãy nhìn mỗi mục tin tức bạn gặp như một nguồn tin giấu tên, và dùng các kỹ thuật phân tích nguồn tin cổ điển.

Bạn luôn có thời gian để kiểm tra nguồn gốc.

2. Bạn phải tự hỏi “Tại sao tin này xuất hiện chính xác tại thời điểm này?”

Nếu có một điều gì đó có thể ảnh hưởng từ chương trình nghị sự của xã hội theo một hướng cụ thể, và nó tỏ ra tiện lợi đến mức xuất hiện ngay lúc này, hãy tìm hiểu theo hướng tiền bạc. Vậy người nào được hưởng lợi? “Tại sao bây giờ anh nói chuyện này với tôi?”
  • Điều đó có làm chương trình nghị sự của một chủ thể cụ thể nào đó mạnh lên không?
  • Nó có tác động đến quan điểm về một vấn đề hay không?
  • Nó có tiện thể hướng sự chú ý của chúng ta sang một điều gì khác và quan trọng hơn không?

Tất cả những cân nhắc này là lý do để kiểm tra mọi thứ một cách kỹ lưỡng hơn. Đừng cho đi niềm tin và độ tin cậy của cơ quan truyền thông của bạn mà không có lý do chính đáng. Điều đúng đắn có thể làm là cứ để yên mọi việc đó và tập trung vào bức tranh lớn hơn.

3. Tin tức giả mạo có thể chứa dấu vết của những sự kiện có thực

Những sự kiện đơn lẻ có thể chính xác nhưng khi đưa ra bức tranh tươi đẹp về những vấn đề to tát hơn thì có thể nó lại đang dẫn dắt quan điểm của dư luận.

Thông cáo báo chí của một tổ chức nhân đạo nói rằng “Tám người sở hữu khối tài sản bằng 3,6 tỷ người nghèo nhất thế giới” không phải là tin tức giả theo nghĩa cổ điển. Nhưng nó minh họa được rằng những thực tế đơn lẻ có thể chính xác, và khiến chúng ta lạc lối trong bức tranh lớn hơn.

Biết rằng những thực tế đơn lẻ là chính xác vẫn chưa đủ. Chúng cũng cần có sự liên quan với bối cảnh xung quanh và góc độ của bài báo.

4. Hãy coi chừng những con số

Các con số thường có xu hướng đáng tin cậy hơn thực tế. Đưa một con số vào một báo cáo hay thông cáo báo chí là một mánh phổ biến để tạo tính khoa học và tin cậy. Nhưng những con số có thể không liên quan đến thế.

Một số câu hỏi bạn nên đặt ra như sau:
  • Những con số này có làm bạn cảm thấy gì không? Điều này thường là một dấu hiệu nguy hiểm 
  • Con số lớn hay nhỏ? 
  • Nó đi lên, đi xuống hay đi lên rồi đi xuống? 
  • Số liệu có đo lường những thứ mà bạn nghĩ nó đo không? 
  • Nếu bạn không chắc chắn nó có nghĩa gì, hay thấy khó giải thích, tốt hơn nên cảnh giác. 
Đừng bao giờ chấp nhận những con số như những bằng chứng mà không hiểu gì về chúng.

5. Hãy cẩn trọng với những lời hay

Đừng chấp nhận câu chuyện của một ai đó mà không phê phán. Việc người nào đó đã nói điều gì đó phù hợp để giật tít đưa tin không phải là lý do đủ sức nặng để dễ dàng đưa lên tiêu đề hay triển khai một góc nhìn cho bài báo. Thay vào đó, nó là lý do để cảnh giác hơn.

Chúng ta có thuật ngữ lên khung: xác định giới hạn của cuộc thảo luận. Đây có thể là điểm khởi đầu để gây ảnh hưởng lên chương trình nghị sự xã hội và đưa ra một số “cách xử lý” cuộc hội thoại, hướng dẫn cách nó phát triển. Nếu một người thành công trong việc thiết lập những khái niệm như “mang lại việc làm”, “những em bé bị dùng làm mỏ neo”, “vùng cấm đi”, những thuật ngữ sẽ được đặt ra và ảnh hưởng lên cách chúng ta xem xét nghiêm túc một điều gì đó.

Tương tự như vậy, một cuộc tranh luận chính trị về quản lý động vật hoang dã (hay một chiến dịch quân sự) sẽ có tác động khác nhau tùy vào việc bạn chọn cách dùng từ là “loại ra” hay “tàn sát” một bầy sói.

Hãy suy xét việc dùng lại thuật ngữ, ngôn từ, ẩn dụ và tường thuật trong báo chí, tiêu đề và tiêu đề phụ.

6. Hãy đề phòng sự quyến rũ

Sau cuộc họp báo độc diễn đầu tiên của Donald Trump với tư cách tổng thống, một số hãng truyền thông đã viết bài và vạch trần các khẳng định của ông về việc có số phiếu cử tri đoàn lớn nhất tính từ thời Ronald Reagan, và những công kích của ông với truyền thông. Chỉ có một số rất ít viết rằng ông dường như không lo lắng về việc cố vấn an ninh vừa thôi việc Michael Flynn từng thảo luận về các lệnh trừng phạt với Nga trong thời gian bầu cử.

Tổng thống Hoa Kỳ cung cấp nhiều lựa chọn dễ dàng cho giới truyền thông vốn tập trung vào các sự kiện đơn lẻ. Điều này lấn át những câu hỏi phức tạp hơn và quan trọng hơn.

Nó cũng vẽ lên một bức tranh về truyền thông mang tính tự ám ảnh và thiên vị, thiên lệch theo hướng “bắt được rồi nhé” về chi tiết mà cuối cùng sẽ làm xói mòn niềm tin.

Đừng đi con đường dễ dàng. Có thể ai đó đã xây sẵn nó cho bạn. Cũng đừng làm tồn hại đến niềm tin của chúng tôi bằng sự nhỏ nhen.




7. Đưa ra tổng quan và bối cảnh

Công chúng đang nhìn thấy một môi trường tin tức ngày càng rối ren và phân mảnh. Đồng thời, các vấn đề lại bị chia thành những góc nhìn câu chuyện khác nhau chẳng mang dấu vết gì của bức tranh lớn hơn.

Sự pha trộn độc đáo giữa tin tức, chương trình quái dị về chính trị và giải trí đã khiến truyền thông Na Uy đăng 472 bài viết về Donald Trump mỗi ngày. Mức độ phủ sóng gần gũi này là một sự tai hại với công chúng, khiến những vấn đề quan trọng hơn trở nên vô hình và sự chú ý được bán với giá rẻ.

Chúng ta có thể đăng một bài về cuộc họp báo, và một bài khác chỉ ra những sai lầm trong đó. Khi việc đưa tin bị xẻ ra như vậy, những luận điểm sâu sắc hơn và cách mọi thứ được kết nối với nhau bị nhấn chìm bởi nhiều góc nhìn đơn lẻ về câu chuyện lớn hơn.

Mọi người có thể chỉ nhận thấy một mặt của câu chuyện, và trừ những người đặc biệt có hứng thú (như chúng tôi, những người được trả tiền để đọc tin trong giờ làm việc), những người khác thấy khó có có được một tổng quan hay hiểu biết về bối cảnh lớn hơn.

Filter Nyheter đang thử nghiệm một định dạng mà ở đó họ cung cấp một tổng hợp hàng ngày về những ý chính trong phần mềm tán gẫu tự động (chatbot) Donald Trump của họ. Cách này làm giảm nhiễu và không cung cấp nhiều không gian hơn mức xứng đáng cho bối cảnh chương trình nghị sự của một chủ thể.

Hãy chắc chắn rằng những ý chính và những điểm quan trọng nhất có thể được thấy rõ trong từng tin tức.

8. Đánh giá việc xuất bản của bạn một cách khách quan

Biên tập viên đạo đức nghề nghiệp của NRK Per Arne Kalbakk đã nói: “Xuất bản không phải là điều bắt buộc. Chúng ta là người quyết định mình xuất bản cái gì, khi nào và như thế nào.

Jay Rosen khuyên: “Hãy học cách cẩn thận hơn với những dòng tít của bạn! Đó có thể là tất cả những gì họ muốn: dòng tiêu đề lười biếng của bạn.”

Đánh giá nguồn tin và chất lượng phải được thực hiện trước khi xuất bản. Luôn luôn là như vậy. Một nguồn tin hay hãng tin đáng tin cậy vừa xuất bản thứ gì đó không thể thay thế công việc này của chúng ta.

Cũng cần phải lưu ý rằng sự chú ý là oxy của chính trị. Chúng ta phải cân nhắc hoạt động cân bằng giữa đưa tin về những gì đang xảy ra, mà không đưa ra sự giúp đỡ quá mức cho những chủ thể đã tìm được cách xâm nhập vào những quyết định biên tập của chúng ta.

Một gợi ý tốt đã được đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà báo và lập trình viên MisinfoCon, hình dung cách các tổ chức tin tức đang phân bổ sự chú ý của họ, nhân danh sự cởi mở, và hỗ trợ các tòa soạn có tính phê phán hơn với những tin tức được đăng tải, cũng như số lượng tin tức.

Nếu một tin tức tồn tại chủ yếu chỉ để gây ảnh hưởng, cần phải bỏ công sức hơn để tìm những lý do thực sự có sức nặng cho việc xuất bản.

9. Các hệ thống thông minh có thể đem lại sự an toàn giả tạo

Tin tức giả đôi khi tìm được đường lẩn vào những hãng truyền thông và tin tức uy tín. Ngược lại, tin tức thực sự có thể tồn tại trên các trang tin tức lan truyền tin tức giả mạo. Do đó, việc duy trì danh sách các trang tin tức giả mạo có thể dẫn đến một sự an toàn giả tạo, thậm chí trở thành một nguồn lỗi.

Có những công cụ có thể đơn giản hóa việc xác minh. Cũng có thể tưởng tượng ra những giải pháp tự động hóa sử dụng trí thông minh nhân tạo, cơ sở dữ liệu và internet để kiểm tra các câu chuyện và trang web. Trong bài viết “Tin tức giả và kiểm tra thực tế: Trump đang mô tả cách qua mặt một trí tuệ nhân tạo”, nhà báo khoa học Martin Robbins đã viết: “Vấn đề với tin tức là, chúng lúc nào cũng mới. Theo định nghĩa, nếu một nhà báo đưa một thông tin mới, vậy thì nó sẽ không tồn tại trong một cơ sở dữ liệu được quản lý chặt chẽ để được kiểm chứng. “

Phương pháp duy nhất được chứng minh là làm công tác báo chí mạnh mẽ trên từng mục tin chúng ta chọn để đầu tư độ tin cậy của NRK vào đó.

10. Sửa lỗi công khai

Nếu lúc đầu bạn chưa làm hoàn chỉnh, hay nếu có thông tin mới xuất hiện, điều tối quan trọng – cho cả uy tín của chúng ta cũng như tránh đưa tin sai lệch cho công chúng – là những lỗi sai phải được sửa rõ ràng.

Nội dung sẽ vẫn còn mãi trên trang web, và những nội dung cũ sẽ được chia sẻ để phục vụ các chương trình nghị sự. Chẳng hạn, những ngày này, một bài viết về “Vùng cấm đi” tại Thụy Điển từ tháng 5/2016 đã có hơn 30.000 lượt xem trang trong 10 ngày – quá nhiều cho một bản tin đã có cách đây 9 tháng tại một quốc gia có dân số chỉ khoảng 5 triệu người.

Có những nguyên tắc hợp lý để sửa các lỗi sai một cách công khai là một điều cần thiết.

11. Tránh chỉ trích

Một số vấn đề về niềm tin của giới truyền thông được gây ra bởi chính những sai lầm của chúng ta. Chúng ta, những nhà báo, là những người tốt và có ý tốt, nhưng chúng ta không thể không mắc sai lầm.
  • Chúng ta không thường xuyên dành thời gian cần thiết để thực hiện công việc một cách thấu đáo. 
  • Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi một câu chuyện hay trong một thông cáo báo chí hoặc một câu trích dẫn thân thiện. 
  • Chúng ta không biết hết về mọi thứ và chúng ta đơn giản hóa đi. 
  • Chúng ta muốn kể những câu chuyện thú vị nhằm thu hút sự chú ý. 
Và, ngay cả khi chúng ta đang dùng những phương thức giúp bản thân nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ – chúng ta vẫn được phản ánh bởi chính bản thân chúng ta, những điều ta biết, những người ta trò chuyện cùng, và những gì ta thấy xung quanh mình.

Càng có khả năng đảm bảo mình sẽ không hành động một cách tồi tệ hơn cần thiết, với mọi thứ chúng ta cho phép đi qua tay mình, chúng ta càng bảo vệ tốt hơn sự tự tin chúng ta cần để tiếp tục làm một công việc quan trọng cho xã hội./.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *