Tản mạn về Sài Gòn xưa và Sầm Sơn hôm nay

Người xem: 211

 
Ngày 30/4 cách đây 42 năm, xe tăng MTDTGPMN húc đổ cổng Dinh Độc Lập, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, 11 lính Mỹ cuối cùng di tản khỏi Đại Sứ Quán bằng đường không, đánh dấu sự kết thúc của kháng chiến chống Mỹ, hay chiến tranh Việt Nam tuỳ theo cách gọi của mỗi phe.
 
Khi những chiếc T59 tiến vào cửa ngõ thành đô, một cuộc tháo chạy của cả các nhóm quân và dân sự đã diễn ra khá hỗn loạn. Người ta truyền tai nhau rằng nếu ở lại sẽ bị trả thù, tàn sát, ngay cả truyền thông phương Tây cũng ngóng cổ trông chờ một cuộc tắm máu ở Sài Gòn. Nhưng như đã biết, ngoài mấy tai nạn giao thông do uống diệu quá chén ăn mừng, không hề có máu đổ ở bất kỳ đâu trên toàn thành phố. Một ngày vui đúng nghĩa của toàn dân không phân biệt già trẻ gái trai í thức hệ.
 
Mổ xẻ về cuộc chiến hay ngày giải phóng Sài Gòn này thì báo chí, các học giả khoai lang lẫn trí thức kính cận cổ cồn đã làm suốt mấy chục năm, vì không có mặt trong thời khắc lịch sử ấy nên Phú không dám múa rìu qua mắt Hà Đen, hôm nay chỉ nói về những điều tai nghe mắt thấy.
 
Cách đây hơn chục năm, Phú lần đầu vào Sài Gòn cùng một người bạn nối khố, đi taxi thăm phố phường, nghe người lái taxi vốn là binh sĩ chế độ cũ kể về cuộc sống đầy bất ổn của nhân dân vùng ngoại vi Sài Gòn thời chiến tranh tương phản với cuộc sống dư giả của thị dân thời đó. Khi đi qua xa lộ Đại Hàn, được giới thiệu rằng đây là con đường to và đẹp nhất Sài Gòn trước năm 75, 4 làn, do Hàn Quốc xây dựng để bảo vệ sân bay. Giờ nhìn nó nhỏ như đường liên thôn của Đông Anh, Thanh Trì, cũng đủ hiểu rằng đất nước đã đi xa thế nào so với cách đây 42 năm về trước. Tương tự toà nhà cao nhất Sài Gòn khi đó, khách sạn Caravelle với 10 tầng, thấp và nhỏ hơn mấy nhà ở xã hội giờ vẫn xây cho bần nông ở ngoại thành.
 
Cơ sở vật chất của một đô thị là minh chứng rõ nhất cho sự phát triển, cho dù có bao nhiêu chuyên gia ăn mì tôm úp chửi bất động sản là nỗi đau kinh tế, thì mọi hoạt động sản xuất, thương mại vẫn phải dựa trên một nền tảng hạ tầng tốt. Không ai muốn đầu tư vào một đô thị toàn túp lều, chòi rách, khi người dân có nơi ăn chốn ở tốt, thì người ta mới có nhu cầu tiêu thụ hàng hoá, dịch vụ. Có ai mua TV plasma 60 inch để đặt trong nhà trọ công nhân 9 m2 không, kể cả là có tiền? Hỏi tức là trả lời.
 
Chính quyền VNCH khi xưa đã thất bại trong việc mở rộng vùng đô thị của Sài Gòn, mà chỉ tranh thủ tô son trát phấn cho vài km2 đất trung tâm. Khi chênh lệch giữa 2 khu vực là quá rõ rệt, phần đa người dân đứng ở rìa của sự phát triển, rồi đêm xuống, từ trong những căn ổ chuột mái tôn nhìn về ánh đèn phía xa xa nơi có Duy Khánh đang cất tiếng ca, họ sẽ tự hỏi, những kẻ đang sung sướng trong nội đô kia có đáng được chúng ta hy sinh để bảo vệ?
 
Khi người Pháp đến Việt Nam với tàu thuỷ và súng trường, việc đầu tiên họ làm là đập hết những vùng dân cư rách nát mà người Việt gọi là đô thị, để xây những thành phố theo chuẩn phương Tây. Sài Gòn hôm nay được xây trên những đầm lầy và rừng nhiệt đới, mà chỉ cần đào xuống 10 mét đất ở bất kỳ nơi nào trong nội thành đều thấy trầm tích rừng bông, thậm chí cả xương khủng long. Trong suốt thời kỳ tồn tại của mình, VNCH không xây thêm được một công trình tầm cỡ nào ngoài vài căn nhà tập thể quy mô nhỏ dành cho các đối tượng iu tiên trung thành với chế độ. An cư mới lạc nghiệp, khi dân không có nơi ở để ổn định cuộc sống, họ sẽ kéo nhau vào rừng Sác hoặc ra ngoại thành đào địa đạo Củ Chi. Đó cũng là một nguyên nhân chế độ cũ bị sụp đổ.
 
Một lý do để ngành bất động sản của VNCH khi xưa không phát triển, đó là giá VLXD quá đắt. Toàn miền Nam trước giải phóng sản xuất được chỉ vài trăm MW điện (so với Việt Nam hiện nay khoảng 15.000MW), điện chỉ vừa đủ thắp sáng, dẫn đến không hề có một nhà máy xi măng, sắt thép, mà nhập khẩu thì phải phụ thuộc vào nguồn đô la viện trợ của Mỹ.
 
Trái ngược với Việt Nam ngày nay, theo thống kê năm 2016 Việt Nam sản xuất 60,3 triệu tấn xi măng, nhiều tới mức dư thừa phải xuất bớt, cùng với hơn 8 triệu tấn thép, đủ vật liệu để xây những thành phố, những khu nghỉ dưỡng hiện đại nhất khắp mọi miền đất nước, đóng góp tới 6% GDP chỉ riêng trong hoạt động xây dựng.
 
Các tập đoàn bất động sản đã thay đổi bộ mặt các đô thị Việt Nam. Từ một vùng hoang vu toàn phi lao với rau muống biển, FLC đã biến Sầm Sơn thành một đô thị phát triển bậc nhất miền Trung. Trung tâm Sầm Sơn và Thanh Hoá ngày nay sầm uất hơn trung tâm Sài Gòn trước 75, với nhà cao tầng san sát ngã ba Voi, siêu xe đua nhau drift dọc quảng trường Lê Lợi, đến mức phó chủ tịch tỉnh này phải thốt lên, không có FLC thì Sầm Sơn không thể lên được thành phố.
 
Cái gì đã qua rồi thì hãy để cứ để nó qua đi, những ngày nghỉ này khi cả nước đang tìm chỗ để ăn chơi, các khách sạn được đặt kín phòng từ trước đây cả tháng, thì nhiều bạn vẫn ê a những luận điệu lạc tông về quá khứ, thật là vô cùng đáng thương. Hãy xách đít lên như Phú, thuê một phòng suite tại resort của anh Quyết nhìn ra biển Quảng Cư, nhâm nhi li sinh tố rau má organic đặc sản xứ Thanh tận hưởng kỳ nghỉ dài ngày, thế mới là một cuộc đời đáng sống.
 
P/s: Ảnh Sài Gòn điêu tàn ngày nay sau 42 năm giải phóng dưới sự cai trị của cộng sản, dành cho các bác già chế độ cũ không biết dùng google hình ảnh hay mua được vé máy bay giá rẻ về thăm lại quê hương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *