Một góc nhìn về từ thiện

Người xem: 209

Lưu ý: Chống chỉ định những người không thích dài
 
Sau cơn lũ quét ở Mù Cang Chải ngày 3 tháng 8 năm 2017 làm 15 người chết và mất tích; 39 nhà bị lũ cuốn trôi và sập đổ hoàn toàn, người ta thống kê được có gần 1000 đoàn từ thiện ( xin nói rõ là gần một nghìn đoàn ) đã đổ xô đến đây để hỗ trợ tiền, lương thực, hàng hóa. Giả sử đem toàn bộ số tiền và hàng ấy chia hết cho những hộ bị mất người, mất nhà, thì mỗi hộ gia đình sẽ được khoảng 600 triệu tiền mặt 6.400 gói mì tôm và vài xe ô tô các hàng hóa, đồ dùng khác. ( chưa kể đến 10 tỷ đồng đã cam kết nhưng chưa chuyển tiền ). Những con số ấy lớn đến mức bất hợp lý nếu biết rằng, ngay tại Mù Cang Chải ít ngày trước đó, cũng có những người bị chết hoặc mất nhà do thiên tai. họ chỉ được hỗ trợ 5,4 triệu cho 1 người chết và 20 triệu đồng cho những hộ bị mất nhà.
 
Nguyên nhân của sự chênh lệch đến mức bất hợp lý ấy chỉ đơn giản vì các vụ trước đó, số người chết ít hơn và ….không có clip nào được share trên FB, còn đa số các đoàn từ thiện thỉ chỉ căn cứ vào các hình ảnh trên Ti vi và FB là chính. Họ không lấy thông tin, không hỏi nhu cầu của người bị thiệt hại, thậm chí không liên hệ trước và ùn ùn kéo nhau đi. Đấy là một điển hình của kiểu từ thiện tự phát.
 
Ngày bé đi học, tôi nhớ trong sách hay viết rằng nhân dân ta có truyền thống tương thân tương ái, nghe như mỗi người Việt ta biết thương yêu nhau. Lớn mới biết thêm rằng chẳng riêng ta, bọn mũi lõ, tóc vàng cũng thân ái, cũng từ thiện nọ kia. Chỉ khác một điều hơn trăm năm trước, ở Ăng Lê, người ta đã nhận ra rằng nếu cứ làm từ thiện theo kiểu làm phúc, bố thí nghe chừng hiệu quả không được ngon lành và lâu dài. Với tầm nhìn xa, chúng không dốc ống toàn bộ số tiền huy động được đem cho người khốn khó như trước nữa mà bớt lại một phần. Số tiền ấy được đầu tư để nghiên cứu cách làm từ thiện sao cho tốt nhất. Sau đó một nghề mới ra đời. Nó có tên là Công tác xã hội ( CTXH). Ngày nay, CTXH đã trở nên rất phổ biến ở các nước phát triển. Người Việt ở tây càng quen với nghề này, đơn giản là vì rất nhiều trong số họ là đối tượng trợ giúp của CTXH ở nước sở tại.
 
Công tác xã hội, nói ngắn gọn là trợ giúp một cách chuyên nghiệp, khoa học vì thế có hiệu quả cao và bền vững. Tùy theo đối tượng trợ giúp là ai mà CTXH đưa ra những phương pháp trợ giúp riêng nhưng nó thường bao gồm các bước: Tiếp cận, thu thập thông tin; đánh gia vấn đề đối tượng gặp phải và xác định nguyên nhân; lập kế hoạch trợ giúp; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện; tổng kết, đánh gia hiệu quả trợ giúp. Trong mọi quá trình ấy mọi nhu cầu và tiềm năng của người được trợ giúp và cộng đồng luôn được xem xét một cách tôn trọng. CTXH luôn hướng đến kết quả trợ giúp mang tính bền vững, lâu dài cho đối tượng. Nhưng CTXH cũng coi thuyết nhu cầu của Masslow là lý thuyết nền tảng. Cái thuyết ấy đại khái cho rằng người ta có nhiều nhu cầu khác nhau. Các nhu cầu đó được xếp theo thứ bậc ưu tiên, trong đó nhu cầu về thức ăn, chỗ ở và tình dục được xếp vào bậc 1. Tức là nếu con người ta chưa được ăn no, mặc ấm và …make love đều đặn họ sẽ khó nghĩ đến chuyện học hành, làm ăn. Chính vì thế CTXH không hề phê phán, chê bai chuyện hỗ trợ lương thực, quần áo, chỗ ở. Nó chỉ đòi hỏi những việc cứu trợ cần được tiến hành phù hợp nhu cầu, lợi ích của đối tượng và sau khi đã đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp trước mắt thì các hoạt động trợ giúp dài hạn như thay đổi nhận thức, dạy nghề, giải quyết việc làm phù hợp phải được tiến hành
 
Dù CTXH có tuổi đời cả trăm năm trên thế giới nhưng ở Việt Nam nó mới chỉ như đứa lên 3 đang lẫm chẫm tập đi. Các tổ chức cung cấp dịch vụ CTXH mới được thành lập và hầu như đều của nhà nước. Chính vì thế các tổ chức này chưa thể đảm đương được vai trò chủ chốt trong hoạt động trợ giúp xã hội. Các hoạt động từ thiện vẫn là một kênh quan trọng trong việc huy động nguồn lực trợ giúp các đối tượng khó khăn, nhất là với trẻ em vùng cao trong nhiều năm tới.
 
Vấn đề là các hoạt động từ thiện cần từng bước chuyên nghiệp hóa để không tái diễn câu chuyện cứu trợ ở Mù Cang Chải. Để làm điều đó các nhóm, các tổ chức đã có hoạt động từ thiện thường xuyên, nề nếp nếu có điều kiện hãy thành lập một tổ chức có pháp nhân chính thức( nếu dưới hình thức một quỹ xã hội từ thiện thì càng tốt ), kèm theo một tài khoản chung, một ban quản lý và hệ thống báo cáo tài chính công khai, rành mạc, rõ ràng. Quỹ Trò nghèo vùng cao của bác Trần Đăng Tuấn là một ví dụ tiêu biểu cho hướng đi ấy. Còn các nhóm từ thiện quy mô nhỏ hơn, các cá nhân hảo tâm trước khi đi cứu trợ hãy bỏ chút công liên hệ với nơi sở tại để tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu, số lượng đối tượng mà mình đến cứu trợ. Hoặc thay vì tự tổ chức hãy liên hệ để phối hợp với các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Chỉ vậy thôi cũng sẽ hạn chế được rất nhiều bất hợp lý vẫn diễn ra hiện nay.
 
Lời cuối cùng tôi muốn nói là sự sẻ chia với người khốn khó dù ở đâu, với ai cũng luôn là điều đáng trân trọng. Nếu các bạn có ý định làm điều gì đó cho trẻ vùng cao thì đừng bao giờ từ bỏ.Trẻ con không có lỗi trong mọi vấn đề. Hãy tìm cho mình một cách làm phù hợp để lòng tốt của bạn trở nên thật ý nghĩa với chúng.
 
Ảnh: Điểm trường ở xã Lũng Thầu, Đồng Văn, Hà Giang trước khi được một nhóm thiện nguyện xây dựng lại.
 
Nguồn ở đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *