“Dân oan Dương Nội”: Anh hùng bàn phím hay những nông dân bị lợi dụng?

Người xem: 166

Nguyễn Biên Cương
 
“Dân oan Dương Nội”: Anh hùng hay những người nông dân bị lợi dụng?
 
Ngày 24/06/2020, đã có 6 cá nhân chống đối bị bắt tạm giam và truy tố với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước”, theo Điều 117 Bộ luật Hình sự 2015. Trong số này, Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Nguyễn Thị Tâm là 4 người thuộc nhóm “dân oan Dương Nội” ở Hà Nội, và được cho là đã tận dụng vụ nổ súng ở xã Đồng Tâm sáng 09/01/2020 để tuyên truyền chống chế độ.
 
Sau vụ bắt giữ, gia đình Cấn Thị Thêu đã chủ động tuyên truyền rằng các bị cáo rất can đảm, không sợ đi tù, kiên quyết chống Cộng.
 
Cụ thể, trong clip “di chúc” (nhờ Nguyễn Trí Dũng đăng) và clip Livestream lúc rạng sáng trước khi bị bắt, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư nói rằng mình không sợ đi tù, kiên quyết đấu tranh chống Cộng. 
 
 
Trịnh Bá Khiêm trả lời BBC rằng cả gia đình mình đã chuẩn bị tinh thần cho việc bị đi tù hoặc bị thủ tiêu, và rằng Trịnh Bá Tư hô “Đả đảo chế độ Cộng sản” trước khi bị đưa vào xe thùng. Giới chống đối đồng loạt ca ngợi những phát ngôn này của gia đình Cấn Thị Thêu; họ cũng vin vào đó để sách động “tinh thần đấu tranh”, vận động ủng hộ các bị cáo, và công kích chế độ:
 
Những phát biểu chống Nhà nước như vừa kể cho thấy, chẳng khác nào đóng góp chứng cứ chứng minh rằng hai anh em họ Trịnh thật sự phạm những tội mà cáo trạng đã nêu. Điều này sẽ khiến việc bào chữa cho họ trở nên gần như bất khả thi, và việc thuê luật sư chỉ còn mang tính hình thức.
 
Công bằng mà nói, thái độ cứng rắn của các bị cáo cho thấy họ có thành ý hơn nhiều so với không ít gương mặt gạo cội trong phong trào dân chửi Việt Nam. Chẳng hạn, tháng 06/2009, luật sư Lê Công Định đã thành khẩn khai báo, nhận tội, xin khoan hồng chỉ sau 5 ngày kể từ khi bị bắt. Tiếc rằng đến nay ĐSQ Mỹ vẫn chưa lên tiếng về vụ bắt “dân oan” Dương Nội, trong khi Mỹ và EU từng cấp tập lên tiếng về vụ bắt Lê Công Định, ngay cả sau khi Định đã nhận tội và xin khoan hồng. Không rõ ĐSQ Mỹ bỏ rơi nhóm Dương Nội vì nông dân rẻ hơn luật sư, vì nhân quyền rẻ hơn quan hệ Việt – Mỹ trong thời điểm này, hay vì lời hứa chống Cộng của Tổng thống Trump quá rẻ rúng.
 
Cũng không loại trừ khả năng khác, gia đình Cấn Thị Thêu cũng như nhiều “nhà dân chủ” bị bắt, xử lý thời gian gần đây đều đã biết trước kết cục của bản thân, đã chuẩn bị sẵn “kịch bản” truyền thông cho mình khi bị bắt, đã gửi sẵn hồ sơ xin tỵ nạn ở các cơ quan lãnh sự Mỹ, phương Tây và rút kinh nghiệm từ những ông bà zân chủ “thành khẩn nhận tội” trước đây đã bị đồng bọn khinh rẻ và không được truyền thông và chính khách phương Tây coi trọng ra sao…
 
Dù sao, trái với dự tính của gia đình Cấn Thị Thêu và những thế lực bài binh bố trận đứng sau, tiếng hô “đả đảo Cộng sản” của họ đã không xốc lại được tinh thần của một phong trào dân chửi đang kiệt quệ vì lệ thuộc nước ngoài, thiếu tiền tài trợ và thừa mâu thuẫn nội bộ.
 
Dù có tiếp tục con đường công kích chế độ hay không, hai anh em họ Trịnh cũng nên dành thời gian trong tù để suy nghĩ về con đường hoạt động của mình và kết cục tương lai của họ. Dù họ có lật đổ được chế độ, như tiếng hô của Trịnh Bá Tư, họ cũng sẽ chỉ đưa những kẻ như Lê Công Định lên nắm quyền, và khiến Việt Nam mất phương hướng, bệ rạc về tư cách và lệ thuộc vô điều kiện vào một nước Mỹ đang tỏ ra vô trách nhiệm với thế giới, với nhân quyền, và với chính người dân của nó trong đợt dịch COVID-19. Một tương lai như thế có đáng được coi là dân chủ, văn minh không; và có đáng để đạp đổ guồng máy hiện tại – một công trình mà nhiều người Việt Nam đã dày công xây dựng, và đang tìm cách cải thiện từng ngày hay không?
 
Nguyễn Biên Cương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *