Ngẫm về lời khai trong vụ chuyến bay giải cứu

Người xem: 152

Có lẽ vụ án chuyến bay giải cứu là một trong những phiên tòa khiến cho dư luận phẫn nộ cùng cực. Không chỉ vì sự ngã giá trắng trợn, vô cảm, quyết liệt ăn trên xương máu đồng bào trong lúc túng quẫn nhất mà bởi vì cả thái độ, lời khai trước tòa của những người vốn là công bộc của dân.

 

Một bị cáo trong chuyến bay đang khai trước tòa

Muôn hình vạn trạng lời khai khiến dư luận thực sự phải “cạn lời”. Như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền với tổng số tiền 21,5 tỉ đồng của các doanh nghiệp tuy nhiên chỉ nghĩ là “quà cảm ơn” chứ “không nhận thức” được đây là nhận hối lộ, nhận tiền là vì “nể nang”; Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam “Bị cáo nhận thức đây là tiền của doanh nghiệp không phải ngân sách Nhà nước nên nhận”. Trước tòa, bị cáo khai từng có ý định trả lại tiền cho doanh nghiệp nhưng không thể vì “quá thời hạn”. Sau khi giữ lại tiền nhận hối lộ, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói đã sử dụng vào “việc có ý nghĩa”; Cựu Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng nói không nhớ được hối lộ bao nhiêu tiền, chấp nhận con số 800 triệu đồng và 54.000 USD theo cáo buộc; Cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 253 lần, tổng hơn 42 tỷ đồng từ 18 cá nhân đại diện doanh nghiệp và 62 đoàn khách lẻ. Sau khi nhận tiền, bị cáo đưa một ít cho người thân ở Thái Bình vay, còn lại, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đem đầu tư bất động sản ở Ba Vì, Mũi Né, Hoài Đức, không đưa cho một ai khác; Cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, trong 41 phút trả lời xét hỏi đã hơn 10 lần nói “rất thương” Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh (BlueSky) nên thiết kế cho gặp Hoàng Văn Hưng, Trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra, Bộ Công an. Đại ý là do thương người mà phạm tội môi giới hối lộ, với số tiền môi giới là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỷ đồng).
 
“Hay nhất” phải kể đến là lời tranh cãi của cựu trưởng phòng Hoàng Văn Hưng với Viện kiểm sát tại phiên toà. Nó khác hẳn lời khai “có quà thì nhận, không nghĩ đấy là nhận hối lộ”, “vì nể nang mà giúp”… mà mang đúng tư duy của một người vốn thuộc về phòng điều tra cấp Bộ. Rồi từ lời khai ấy, tạo cơ hội cho một số đối tượng dân chủ, kols “lên đồng” ca tụng “khí thế oai phong lẫm liệt” của một người nắm rõ luật nhưng phạm luật.
 
Việc các bị cáo khai thế nào là do nhận thức pháp luật của từng người và việc lượng hình của tòa không chỉ căn cứ vào lời khai của họ. Nhưng qua đây cũng thấy được một điều, các cựu quan chức khi đứng trước tòa thường ngụy biện, lấp liếm cho hành vi phạm tội của mình một cách rất hài hước. Bản thân họ là những người nắm rõ các quy định của pháp luật hơn ai hết, nên việc lấp liếm, ngụy biện như thế chỉ khiến dư luận cảm thấy thêm bức xúc.
 
Những cán bộ thi hành công vụ sẵn sàng trục lợi, kiếm ăn ngay giữa lúc nước sôi lửa bỏng nhất, với những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, cần cứu giúp nhất. Đó không khác gì tội ác, là điều không thể chấp nhận, không thể tha thứ. Và với những lời khai kiểu như trên, liệu pháp luật có thể khoan hồng, giảm nhẹ cho họ?
 
Vụ án lần này chắc chắn không chỉ xử mạnh mà còn phải xử lý nghiêm. Bởi vụ án “giải cứu” xảy ra giữa lúc củi lửa nóng rực, hàng loạt tướng lĩnh và cán bộ cấp cao bị đốt. 10 năm qua, các vụ án tham ô, tham nhũng, hối lộ bị phát hiện, xử lý đã gấp nhiều lần tổng số vụ cùng tội danh suốt gần 40 năm trước đó, kể từ ngày thống nhất đất nước, ấy thế nhưng họ không hề sợ. Họ còn cấu kết, moi móc đến cùng tận xương tủy của nhân dân.
 
Những giọt nước mắt van ơn cùng những câu nói ngây ngô hay cả sự tinh ranh, tính toán của những cái đầu đầy sạn trước toà hoàn toàn vô nghĩa so với tội trạng họ đã gây ra. Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, một vài cá nhân có ranh mãnh, luồn lách như trạch cũng không thể nào thoát được đôi mắt tinh anh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân.
 
Nguồn: Công Luân
Chép về từ Cánh Cò

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *