Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan

Người xem: 152

Sau 3 tuần tuyên án, bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an, đã có đơn kháng cáo kêu oan trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.
 
Sau 3 tuần Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, đến nay, 18 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo tới Tòa án, đề nghị xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
 
Trong số này, hai bị cáo kháng cáo kêu oan, 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Cả 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tù chung thân (là mức án tuyên cao nhất tại phiên tòa sơ thẩm) đều gửi đơn kháng cáo.
 

Trước đó, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án phạt Hoàng Văn Hưng mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Hai bị cáo kháng cáo kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội trong vụ án này gồm: Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) và Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Thái Hòa).
 
Trước đó, tại phiên tuyên án chiều 28/7, Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên án phạt Hoàng Văn Hưng mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Trần Minh Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt chung đối với Trần Minh Tuấn là 18 năm tù.
 
Trong số 16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, ba bị cáo gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) và Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”. Như vậy, cả 4 bị cáo bị tuyên phạt mức án tù chung thân (là mức án tuyên cao nhất tại phiên tòa sơ thẩm) gửi đơn kháng cáo.
 
Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (bị tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”) cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
 
Trong đơn kháng cáo, nhóm các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét một số tình tiết giảm nhẹ, bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, mức độ hậu quả của hành vi vi phạm… để cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt, sớm trở về với gia đình và xã hội.
 
Trước đó, trong các ngày từ 11 – 28/7, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
Theo bản án sơ thẩm, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài về nước. Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ tập hợp tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
 
Bộ Ngoại giao (thông qua Cục Lãnh sự) có nhiệm vụ xây dựng, đề xuất kế hoạch tổ chức các chuyến bay combo; chủ trì và xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các Bộ trong Tổ công tác và báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định và thông báo việc thực hiện chuyến bay.
 
Bốn Bộ còn lại gồm: Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an theo chức năng, nhiệm vụ về công tác phòng, chống dịch cho ý kiến việc phê duyệt gửi Bộ Ngoại giao, UBND một số tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ cho chủ trương cách ly tại địa phương.
 
Quy trình cấp phép các chuyến bay combo được thực hiện như sau: Doanh nghiệp có nhu cầu xin được chủ trương cách ly tại địa phương và gửi hồ sơ đến Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự). Trên cơ sở hồ sơ này, Cục Lãnh sự lấy ý kiến Tổ công tác của các bộ, ngành và trình Chính phủ duyệt, sau đó thông báo cho doanh nghiệp được tổ chức thực hiện chuyến bay.
 
Theo đó, từ tháng 9/2020 đến 12/2022, các bị cáo thuộc các bộ, ngành, địa phương đã cấu kết với một số đối tượng khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Một số cá nhân đã có hành vi nhũng nhiễu, yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền mới cấp phép.
 
Trong đó, 25 bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng số tiền gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Trong vụ án, Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ số tiền lớn nhất, với hơn 42,6 tỷ đồng.
 
23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng cộng hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng. Người đưa hối lộ nhiều nhất là Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Công ty Bluesky) và Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Hằng, với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng.
 
Quá trình xét xử, 53 bị cáo cơ bản thừa nhận cáo buộc của cơ quan tố tụng. Còn Hoàng Văn Hưng khẳng định mình bị oan, không lừa chiếm đoạt 800.000 USD từ ông Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Thị Thanh Hằng.
 
Nguồn: An Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *