Từ vụ Nhóm Bông Hồng đen tự ý lấy máu học sinh, nghĩ về công tác quản lý và ý thức cảnh giác

Người xem: 192

Khoai@
 

Mới đọc thông tin “Bộ Y tế vào cuộc vụ nhóm Bông Hồng đen lấy máu 400 người xét nghiệm HIV“, theo đó, ngày 21/8, Bộ Y tế cho biết Cục Phòng, chống HIV/AIDS Bộ Y tế đã có công văn gửi Sở Y tế Hải Phòng và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng về việc báo cáo thông tin nhóm cộng đồng triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh. Đây lại là một ví dụ rất điển hình về việc buông lỏng quản lý và mất cảnh giác của Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, dẫn đến việc xử lý của Bộ Y tế và Chính quyền địa phương bị động, bất ngờ, chạy theo vụ việc.

Trong 2 ngày 18 và 19/8, một nhóm tự xưng là Nhóm Bông Hồng đen đã tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm của học sinh trường THCS ở Phường Hải Sơn, Quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng, mà không thông qua phụ huynh hay nhà trường và Chính quyền địa phương. Nhóm này tự ý lấy máu của hơn 400 người ở Hải Phòng, sau đó, đưa mỗi trường hợp 100.000 đồng.
 
Vào cuộc xác minh, Công an quận Đồ Sơn cho biết, Nhóm Bông hồng đen này gồm 6 thành viên, có văn phòng hoạt động tại số 44 Nguyễn Hữu Cầu do bà Đinh Thị Út (52 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn) làm trưởng nhóm.
 
Theo giải trình của bà Út, nhóm được thành lập với chức năng, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, tư vấn, nhằm ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm người trẻ sử dụng ma túy và các vấn đề về sức khỏe sinh sản ở độ tuổi 16-24.
 
Nhóm này cũng đưa ra một văn bản ký kết với SCDI (tên viết tắt của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, một tổ chức Phi Chính phủ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam). Tuy nhiên, tới thời điểm này, nhóm này chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ pháp lý về việc tổ chức hoạt động theo quy định và hoạt động lấy máu chưa có báo cáo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
 
Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, rõ ràng công tác quản lý theo chiều dọc và chiều ngang đang có vấn đề. Chăm sóc sức khỏe người dân mà để một “Nhóm cộng đồng” không đủ tư cách pháp nhân, không rõ trình độ chuyên môn, không rõ lai lịch làm việc không tuân thủ các quy định của pháp luật lẫn chuyên môn… là quá yếu kém và mất cảnh giác.
 
Gõ trên mạng, gần như không có bất kỳ thông tin nào về Nhóm Bông Hồng đen. Chúng ta chỉ biết tới nó khi vụ việc đã xảy ra qua lời khai của những người trong nhóm. 
 
Tìm kiếm về đơn vị đã ký kết với Nhóm này là Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (viết tắt là SCDI) – một tổ chức Phi Chính phủ thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam – cũng không tìm thấy thông tin về Nhóm Bông Hồng đen, trừ cái tên của Nhóm. Tôi tạm coi Nhóm cộng đồng này là một vệ tinh của Tổ chức Phi Chính phủ.
 
Tôi không nói các Nhóm cộng đồng là xấu, vì gần như 100% các Nhóm cộng đồng trên mạng đều có những slogan và quảng cáo tiêu chí, mục đích rất mỹ miều, hoành tráng, liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, hoặc giúp đỡ những người khó khăn… Tuy nhiên, khoảng cách giữa lời nói và việc làm là một trời một vực, nhất là ở những Nhóm cộng đồng bị chi phối bởi các tổ chức Phi Chính phủ nước ngoài. Đã có nhiều Nhóm cộng đồng bị xử lý vì vi phạm pháp luật, thậm chí có những hoạt động xâm phạm tới an ninh trật tự của đất nước.
 

Trở lại vấn đề, việc tự ý lấy máu của học sinh, với mục đích nào, núp dưới danh nghĩa nào đi nữa cũng là vi phạm pháp luật. Đó là hành vi “Vô Chính phủ” chứ không phải “Phi Chính phủ”.

Bộ máy Y tế được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương xuống tận cơ sở và được phân cấp, phân quyền rất cụ thể và dù còn điều tiếng này khác, nhưng không thể phủ nhận Bộ này đã có những đóng góp rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Về nguyên tắc, việc xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe người dân là đúng đắn, nhân văn. Nó san sẻ gánh nặng cho Bộ Y tế, và khai thác đượcnhững tiềm năng, nguồn lực rộng lớn từ xã hội. Trong câu chuyện này, người dân chính là đối tượng được thụ hưởng những giá trị tốt đẹp đó.

Tuy nhiên, việc xã hội hóa khác với tư nhân hóa và nó phải được quản lý chặt chẽ về chuyên môn và buộc phải hoạt động theo các quy định của pháp luật. Không thể nhân danh việc chăm sóc sức khỏe cho người dân để phớt lờ các quy định của pháp luật được. Theo đó, bất kể NGO hay nhóm nào được thành lập, hoạt động chăm sóc sức khỏe phải được Bộ Y tế cho phép, quản lý, bảo vệ và hướng dẫn chuyên môn theo sự phân công, phân cấp. Ngoài ra, các NGO/Nhóm cộng đồng này cũng phải chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, nơi đăng ký trụ sở và địa bàn hoạt động.

Lưu ý rằng, việc Bộ Y tế hay Chính quyền địa phương quản lý các NGO/Nhóm cộng đồng không phải là việc gây khó khăn mà là để các NGO/Nhóm cộng đồng này hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích; giúp họ về mặt chuyên môn và trên hết là bảo vệ lợi ích của người dân.
 
Qua vụ việc Nhóm Bông Hồng đen tự ý lấy máu của học sinh, có lẽ không chỉ Bộ Y tế, Chính quyền địa phương, mà ngay cả Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam… cũng phải nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề. Đừng để các NGO/Nhóm cộng đồng mọc lên vô tội vạ, hoạt động không tuân thủ các quy định của pháp luật, hoặc lợi dụng để trục lợi cá nhân, hoặc tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật khác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *