Tu hành hay trình diễn?

Người xem: 997

Ong Bắp cày

Hà Nội, 9/2/2025 – Hành trình tu tập của ông Minh Tuệ đã từng được tán thán như một hình mẫu về sự kiên định, buông xả và giữ giới. Trong bối cảnh nhiều người mất niềm tin vào giới tăng lữ bởi những vụ việc liên quan đến “tiến sĩ dỏm”, “giải vong”, “ting-ting”, hình ảnh của ông Minh Tuệ như một điểm sáng, một người âm thầm học đạo bằng con đường hành trì nghiêm cẩn. Nhưng liệu ông có thực sự làm được và duy trì được sự “định” và “tuệ” như những lời ca tụng hay không?

Sự thử thách của “định” trong hành trình tu tập

Bản chất của tu hành không chỉ nằm ở việc đi bộ hay kham nhẫn, mà quan trọng hơn là khả năng giữ “định” giữa mọi biến động của thế gian. Khi số lượng người đi theo ông ngày càng đông, gây tắc nghẽn giao thông, sự yên bình trong hành trình tu tập của ông dần bị phá vỡ bởi chính những người ngưỡng vọng mình. Những lời khuyên về việc ẩn tu để tránh ảnh hưởng đến trị an lại bị đẩy lên thành một dạng “thọ nạn”, khiến sự sùng kính dành cho ông càng thêm lớn. Chính sự tôn thờ quá mức từ công chúng đã tạo ra áp lực vô hình, thử thách khả năng giữ “định” của ông.

Từ chỗ “ai muốn theo thì theo”, ông Minh Tuệ dần thể hiện mong muốn bảo vệ tăng đoàn, để rồi đoàn tu tập ấy ngày càng phát triển với đủ thành phần khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt trong xuất thân và hạnh tu giữa các thành viên trong đoàn đã khiến nó không còn mang tính thuần khiết như hình ảnh ban đầu. Đây là lúc những mâu thuẫn nội bộ nảy sinh, mà vụ việc với ông Văn Báu là một minh chứng rõ nét.

Minh Tuệ và Văn Báu: Khi “giới” bị thử thách

Cuộc tranh luận giữa ông Minh Tuệ và ông Văn Báu cho thấy một khía cạnh khác của người được coi là “bậc tu hành” này. Ông Minh Tuệ vốn hiền lành nhưng hiểu biết về thế tục còn hạn chế, trong khi ông Văn Báu lại là người tinh khôn, có tư duy lập luận sắc bén và khả năng diễn đạt mạch lạc. Khi tranh biện, cả hai đều bị tổn thương vì cái tôi, nhưng điều đáng nói là cách họ xử lý vấn đề.

Ông Văn Báu, dù là người thế tục, đã thể hiện sự khiêm cung khi chủ động hạ mình, nói lời sám hối để giữ hòa khí. Ngược lại, ông Minh Tuệ lại không làm được điều này. Ông đã bị chi phối bởi những người trong đoàn, những kẻ muốn loại bỏ Văn Báu để bảo vệ lợi ích riêng. Thay vì mở lòng từ bi, ông lại cố chấp, nghi mạn và tạo áp lực tâm lý buộc Báu phải rời đi. Hành động này cho thấy, dù được ca tụng là người tu hành, nhưng chính ông lại không giữ được “giới” – yếu tố nền tảng trong con đường tu tập.

Sự bất định trong con đường tu tập

Hành trình tu tập không chỉ là việc giữ “giới”, mà còn là sự phát triển của “định” và “tuệ”. Tuy nhiên, chính ông Minh Tuệ cũng thừa nhận rằng mình chỉ “đọc qua” chứ không thuộc, không biết 250 giới luật của người xuất gia. Vậy liệu ông có thực sự giữ “giới” như những gì được tuyên truyền? Khi đoàn tu tập ngày càng lớn mạnh, với những thành viên chưa chắc đã đồng hành vì lý tưởng tu hành, thì sự “tuệ” của tập thể này cũng bị đặt dấu hỏi.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng công chúng nên để ông Minh Tuệ yên ổn tu hành, nhưng nếu bản thân ông không thể giữ “định” trước những biến động xung quanh, thì liệu đây có còn là một hành trình tu tập đúng nghĩa? Nếu coi những khó khăn hiện tại là một “kiếp nạn”, thì người tu hành phải vượt qua nó bằng trí tuệ và lòng từ bi, chứ không phải bằng sự cố chấp và bài trừ người khác. Nếu không thể giữ vững được chính mình, e rằng hành trình này sẽ không bao giờ chạm đến Tây Trúc, dù là trên địa lý hay trong tâm tưởng.

P/s: bài có tham khảo stt của nhà báo Dong Rang Nguyen và nhà báo Nguyen Duc Hien

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *