Đông La: Thích Minh Tuệ tu có đúng đạo không?

Người xem: 494

Bài chép của Nhà văn Đông La (Link ở cuối bài):

TRÍ TUỆ THÍCH MINH TUỆ

PHẦN IV: THÍCH MINH TUỆ TU CÓ ĐÚNG ĐẠO KHÔNG?

Lê Anh Tú luôn nói mình không phải là thầy, không phải là sư, chỉ là một công dân tập học “Hạnh Đầu Đà” theo lời dạy của Phật Thích Ca. Vậy Tú có tu theo đúng Đạo không? Kết quả ra sao?

***

Đầu tiên Lê Anh Tú đang làm nhân viên địa chính, kể tình cờ đọc được kinh Phật thấy hợp tâm nguyện mình quá nên đã xin cha mẹ đi tu và được đồng ý, Tú đã xin vào một ngôi chùa một thời gian ngắn, thấy không phù hợp với ý nguyện tu theo Hạnh Đầu Đà, Tú đã đi bộ, khất thực như mọi người thấy.

Đầu tiên tôi rất khâm phục ý chí xuất gia, tu theo Đạo Phật của Lê Anh Tú. Bởi từ cuộc sống bình thường với bao vui thú đột nhiên bỏ hết là chuyện quá khó, không như người có căn tu, từ bé chỉ thích và chỉ ăn được đồ ăn chay, không được dạy mà biết kinh sách, còn thuyết pháp được như cô bé Như Ý ngày nào; rồi có video một chú bé 4 tuổi đã đọc được kinh tiếng Phạn, v.v… Còn Lê Anh Tú kể mình là người bình thường, cũng từng có chuyện rượu chè, trai gái, khi xuất gia rồi, một lần gặp lại nói chuyện với bạn cũ, đi khất thực, người ta cho thức ăn, phải lựa bỏ thức ăn mặn nếu có, còn không, “ăn mặn là dục nó quậy dữ lắm”, v.v… Như vậy, Lê Anh Tú là người thường đã quyết chí đi tu, đã “kham nhẫn”, làm được những chuyện thật đáng nể, như mấy lần chân trần đi bộ dọc theo chiều dài đất nước, đã ngồi thiền được hàng chục tiếng mỗi ngày, đã ngủ ngồi được một mình qua đêm trong hang động, ở nghĩa trang, v.v… Như vậy sự tu tập đã có kết quả nhất định, đã phá chấp được vào những cảm giác cực khổ của thân, đã phá chấp được vào những cảm giác buồn chán, sợ hãi của tâm, khi một mình trong đêm ngủ an lành được ở hang động, nghĩa trang, v.v…

Tôi thường khâm phục những người làm được những gì mà mình không làm được. Vì vậy, tôi đã viết những dòng rất trân trọng về Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ): “… nếu không bị bệnh thần kinh, bình thường như Thích Minh Tuệ mà làm được như vậy, làm một cách an nhiên, tự tại, còn thấy hạnh phúc nữa thì ông đúng là không phải là một người thường. Ông phải hiểu biết sâu sắc Đạo Phật, tin tưởng sâu sắc Đạo Phật, phải buông bỏ được tất cả, gột rửa được tất cả tham, sân, si của Đời thì mới làm được. Qua một số cuộc trò chuyện, tôi thấy ông đã là người như thế. Người ta có thể trình diễn để mưu cầu điều gì đó, nhưng chỉ với thời gian ngắn, còn Thích Minh Tuệ đã tu hành 6 năm rồi. Dù Đời có những bất ngờ không thể tưởng tượng được, nhưng tôi có nhiều sự tin tưởng Thích Minh Tuệ là một vị chân tu”.

***

Thật tiếc, đúng như cha ông dạy “thức lâu mới biết đêm dài”, hôm nay tôi buộc phải thay đổi nhận xét trên, tôi phải viết Lê Anh Tú vẫn đúng là tu thật nhưng chưa phải chân tu, vì chân tu không chỉ tu thật mà còn phải tu đúng, tu có kết quả, thể hiện ở sự tinh tấn của trí tuệ, hiểu được những điều sâu xa của kinh sách mà người thường không thể hiểu được. Nhưng rồi từ chuyện đi long nhong ngoài đường, thích tụ tập, giao lưu, nó dài, nói dai, thành nói dại; và đặc biệt qua câu chuyện đang hot giữa Thích Minh Tuệ với Đoàn Văn Báu, TMT đã bộc lộ còn nhiều tham, sân, si, nên đã tạo nghiệp thân, khẩu, ý.

***

TMT thường nói mình tập học “Hạnh Đầu Đà” theo lời dạy của Phật Thích Ca. Giờ lên mạng mấy tích tắc là người ta sẽ biết ngay 13 hạnh đầu đà là gì.

Đầu đà (dhuta – 頭陀) nguyên nghĩa là “rũ sạch”, là pháp hạnh chính thống của Phật giáo nguyên thủy, là pháp tu kham khổ nhất nhưng vẫn thuộc Trung Đạo, không phải là lối tu hành xác theo kiểu Bà-la-môn mà Đức Phật đã từ bỏ. Đức Phật từng đánh giá cao Tôn giả Ca Diếp (Mahākāśyapa) là một vị tu theo Hạnh Đầu đà, về sau Ngài đã trao “chánh pháp nhãn tạng” cho ngài Ca Diếp thể hiện lòng tin của mình.

Như vậy, lựa chọn pháp tu là tùy theo sở nguyện, căn cơ của từng tu sĩ, nhưng qua sự đắc Đạo của Thái Tử Tất Đạt Đa, ta thấy sự khổ hạnh nói chung và sự khổ hạnh ở hạnh Đầu Đà nói riêng không phải là điều tiên quyết, lợi thế để đắc Đạo.

Thái tử Tất Đạt Đa từng khổ tu 6 năm đến độ suýt chết mà không đạt kết quả gì, nên Ngài đã khước từ lối tu này, nhận ra nó chỉ là pháp tu hình tướng, ép xác, không khai mở giác quan và làm tăng trưởng trí huệ, con đường duy nhất đi đến Giác Ngộ, mà pháp tu ngài ngộ ra chính là Trung Đạo, giống như người lên dây đàn, căng quá sẽ đứt, chùng quá sẽ không thành tiếng, chỉ vừa phải mới cho ra tiếng đàn tuyệt diệu. Thực tế, chính Trung Đạo và thiền đã giúp Ngài thành Phật.

***

Với TMT, thật nể ông khi chịu kham nhẫn để giữ giới. Có điều ông lại làm quá, thành ra lại chấp vào cái khổ, người thường tham sung sướng thì ông lại tham kham khổ. Ông luôn nói mình làm theo Phật Thích Ca để trở thành Vô thượng, Chánh Đẳng, Chánh giác, nhưng theo lời Phật Thích Ca kể, sau khi bỏ tu ép xác, thực hiện Trung Đạo, chính việc Ngài ngồi thiền một mình 49 ngày dưới gốc cây bồ đề, đã giúp Ngài Giác Ngộ, Đắc Đạo, thành Phật. Còn TMT lại long nhong, đàn đúm, đi ngoài đường như trình diễn thời trang “y phấn tảo”, kích thích đám đông bầy đàn bu theo, gây ra sự ồn ào, náo loạn. 13 Hạnh Đầu đà chỉ ghi phải đi khất thực từng nhà. Vậy khi đã có đủ thức ăn rồi thì điều cần nhất để đắc Đạo là thiền. Thiền là phải định tâm để dần khai mở trí huệ, mà muốn định tâm được thì cần phải yên tĩnh, trong 13 Hạnh Đầu Đà không có hạnh nào là đi long nhong ngoài đường gây ồn ào. Có thể đó là phát minh mới về tu tập của TMT chăng? Chắc chắn không phải. Vì kết quả tu tập là tăng trưởng trí huệ, thể hiện sự minh triết ở mọi chuyện liên quan đến thân, khẩu, ý; tu sĩ dần trở về được tâm không, an nhiên, tự tại. Còn TMT, qua vụ xảy ra ở Huế, rồi mới hôm qua (13-2-2025) cả đoàn bị cảnh sát Thái Lan “tóm” về đồn, trông TMT xơ xác, phờ phạc, lo âu, sợ hãi thì TMT đạt được kết quả tu tập gì? Vì vậy chuyện đàn đúm, đi long nhong ngoài đường gây ra ồn ào không chỉ phạm luật Đời mà còn trái Đạo.

***

TMT luôn nói mình không phải là thần thánh, là Phật, nhưng hành động của ông đã kích thích đám đông bu theo, quỳ lạy, “đảnh lễ”, vậy TMT đã tạo ra sự u mê của đám đông. TMT biết họ sai, tức mình đã tạo ra cái sai đó, nhưng TMT cứ làm, tức TMT đã tạo nghiệp thân.

TMT cũng hay giảng Đạo khi nói về giữ giới, trong đó có giới cấm nói sai, nói dối, nhưng TMT hay nói bất nhất, nói không giữ lời, còn nói sai, nên đã phạm rất nhiều giới này, nên chuyện giảng Đạo thành ra huyên thuyên, tạo nghiệp khẩu. Chuyện TMT đối xử với Đoàn Văn Báu không tốt là tạo nghiệp ý. TMT nghe lời xuyên tạc, nói và nghĩ về Đoàn Văn Báu, cho nhờ mình Báu nổi tiếng rồi, nhiều tiền rồi nên sinh ngã mạn, khi biết mình sai đã phải “sám hối”, tức đã tạo nghiệp cả khẩu lẫn ý, và còn chấp vào danh, lợi như vậy là còn tham.

***

TMT hay tuyên bố là bình đẳng, coi mọi người như cha mẹ mình, nhưng đã cài cắm “người của mình” là Lê Quang Hà vào đoàn từ giai đoạn đầu, rồi về sau thay Báu bằng Hà thật. Khi Báu và Giáp rời đoàn, một loạt người quen thân với gia đình TMT lập tức nhập đoàn, cả em ruột là Thìn cũng bay sang Thái Lan. Như vậy TMT cũng còn chấp vào danh lợi, tức cũng còn tham.

Khi một youtuber hỏi TMT, anh Báu rời đi, hứa sẽ quay lại ngay khi “thầy cần” thì “thầy có gọi không?”, TMT bĩu môi nói ý “chết cũng không gọi” (xem hình), thể hiện thái độ cố chấp, sân hận của người thường, tức còn sân.

Về chuyện Báu sợ đoàn lộn xộn cảnh sát Thái Lan sẽ tới, sự lộn xộn ở Huế gây ra thất bại sẽ lặp lại. TMT không phân biệt được đúng sai, bị các “sư nhỏ” “thổi lỗ tai”, đã không nghe Báu, cong môi, gân cổ lên trách Báu cứ dọa công an đến, khi đã quyết định thay Báu đã hỏi mọi người “nên nhờ hay không nên nhờ”? (xem hình) (https://www.youtube.com/shorts/HBClkS2OVzU). Nhưng rồi cảnh sát đã đến tóm cả đoàn thật, vậy Báu đã đúng, TMT không nghe, đã lầm lạc, tức còn si.

Si ở đây không phải như si mê tình ái, “trồng cây si”, theo lẽ thường, mà theo Wikipedia, “Si (Moha) do căn “muh”, lầm lạc, ảo tưởng. Đó là trạng thái mê mờ, lầm lạc, ảo tưởng. Chính moha bao trùm đối tượng như một đám mây mờ và làm cho tâm mù quáng, không thấy rõ. Moha còn được phiên dịch là không biết, si mê”. Nói gọn theo Đạo si là vô minh, người đời gọi là ngu si.

***

Việc chiêm ngưỡng thánh tích không là pháp tu nhưng có thể “xiển dương Đạo Phật”, theo Đạo là một việc tốt.

Việc chịu khổ, đi bộ không giúp đắc Đạo, thời Đức Phật cũng chưa có ô tô, máy bay, nên Hạnh Đầu Đà chắc chắc không có chuyện cấm đi ô tô, máy bay, mà Đạo Phật là “Đạo trí tuệ”, tức mọi hành động phải hợp lý nhất, có lợi nhất cho chuyện tu tập đắc Đạo, tại sao TMT không đi máy bay “ù một cái” sang Ấn Độ thăm thánh tích, xong rồi về ngồi thiền để đắc Đạo có phải tốt hơn không? Sao lại cứ chấp vào chuyện thích đi bộ, rồi tạo ra bao nhiêu đờ-ra-ma, trong đó TMT lại tạo ra thêm nhiều nghiệp.

TMT từng muốn “đi hết VN”, giờ lại muốn “đi hết thế giới”, trong khi đi ngắm cảnh không phải là một pháp tu, vậy chuyện muốn đi như vậy lại thành tham đi, tức cũng phạm vào nghiệp tham.

Tóm lại, Lê Anh Tú đã tu thật chứ không phải tu giả, nhưng còn nhiều chuyện chưa tu đúng nên chưa phải là chân tu.

Còn tiếp: Chuyện TMT giảng Đạo.

14-2-2025

ĐÔNG LA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *