Phạt nặng rồi sao vẫn cố?

Người xem: 183

Khoai@

TP.HCM, 10/1/2025 – Nhiều người khi ra đường vẫn tự nhủ: “Phạt thì phạt ai chứ mình chắc không bị đâu!” Và cứ thế, dù biết rõ vi phạm sẽ bị xử lý, không ít người vẫn làm ngơ, bất chấp mọi cảnh báo.

Điển hình, tại buổi họp báo ngày 9/1 về tình hình kinh tế – xã hội TP.HCM, lãnh đạo Phòng CSGT cho biết chỉ trong tuần đầu Nghị định 168 có hiệu lực (từ ngày 1/1 đến 7/1), lực lượng CSGT thành phố đã xử lý hơn 11.800 trường hợp vi phạm, tạm giữ hơn 4.300 phương tiện, tước gần 2.100 giấy phép lái xe. Tổng số tiền phạt thu về lên tới 42,5 tỷ đồng, tức mỗi ngày trung bình hơn 6 tỷ đồng.

Không chỉ TP.HCM, Hà Nội cũng ghi nhận con số vi phạm đáng lo ngại. Sau một tuần nghị định mới được áp dụng, toàn thành phố xử lý hơn 5.600 trường hợp, tổng số tiền phạt vượt quá 14 tỷ đồng. Các hành vi bị phạt phổ biến là vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, vi phạm tốc độ, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện… Nhiều mức phạt đã tăng gấp 3-4 lần so với trước, đủ sức làm “chóng mặt” bất kỳ ai không tuân thủ.

Thế nhưng, vi phạm giao thông vẫn không giảm nhiều. Chỉ trong ba ngày đầu tháng 1/2025, những con số đáng buồn lại được ghi nhận. Ngày 9/1, cả nước xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11 người, bị thương 26 người. Cùng ngày, lực lượng CSGT xử lý hơn 13.000 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 37 tỷ đồng. Ngày 8/1, có tới 37 vụ tai nạn, cướp đi mạng sống của 20 người, hơn 13.800 trường hợp vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 38 tỷ đồng. Ngày 7/1, con số thậm chí còn cao hơn với 48 vụ tai nạn, làm 25 người thiệt mạng, hơn 12.000 vi phạm bị phát hiện, phạt gần 34 tỷ đồng. Đáng chú ý, mỗi ngày có tới 2.000 – 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và tốc độ bị xử lý.

Vậy câu hỏi đặt ra là: Phạt nặng thế, sao nhiều người vẫn vi phạm? Câu trả lời nằm ở ý thức. Có những người tự tin cho rằng lỗi của mình chẳng đáng kể, hoặc nghĩ camera và CSGT sẽ “không để ý đến mình”. Một số khác chỉ tuân thủ luật kiểu đối phó, “diễn cho có” khi gặp lực lượng chức năng.

Trên các diễn đàn, không ít ý kiến phàn nàn rằng mức phạt theo Nghị định 168 quá cao hoặc lo sợ sẽ bị phạt oan trong các trường hợp đặc biệt. Một số người đặt câu hỏi: “Nếu đèn giao thông gặp sự cố thì sao?”, “Nhường đường cho xe cấp cứu mà không được ghi nhận thì phải làm thế nào?” Nhưng thực tế, những ý kiến này chỉ mang tính cá nhân và thiếu bằng chứng cụ thể.

Điều đáng nói là Nghị định 168 đã được lấy ý kiến rộng rãi trong thời gian dài trước khi chính thức áp dụng. Vậy mà, khi chính sách này đi vào cuộc sống, vẫn có những người “ngỡ ngàng” trước mức phạt mới.

Những biện pháp như tăng tiền phạt, tước giấy phép lái xe, hay trừ điểm giấy phép chỉ là bước đầu để răn đe. Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là ý thức của từng người tham gia giao thông. Nếu mọi người đều tự giác, tuân thủ luật giao thông, thì sẽ chẳng còn lo bị phạt. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, không chỉ cần những chế tài nghiêm khắc mà còn phải thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục để mỗi người nhận ra rằng chấp hành luật không chỉ là tránh bị phạt, mà còn là bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.

Nghị định 168 đã đặt những viên gạch đầu tiên để lập lại trật tự giao thông. Nhưng hành trình cải thiện ý thức giao thông còn rất dài, đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội. Bởi suy cho cùng, dù phạt có nặng đến đâu, nếu không vi phạm thì ai phạt bạn?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *