Lâm Trực@
Hà Nội, 1/1/2025 – Hoạt động phản biện xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng và hoàn thiện chính sách, nhưng nó đòi hỏi sự chân thành, tính xây dựng và tuân thủ những quy tắc đạo đức cơ bản. Tuy nhiên, những gì mà Đoàn Bảo Châu thể hiện đã đi ngược lại hoàn toàn những nguyên tắc đó. Châu lợi dụng danh xưng “nhà phản biện” để che đậy hành vi vu cáo, bôi nhọ Nhà nước, kích động dư luận, và tạo ra sự bất ổn trong xã hội. Đoàn Bảo Châu không phải nhà phản biện, bởi các bài viết và phát ngôn của Châu hoàn toàn thiếu đi hai yếu tố cốt lõi của một nhà phản biện thực thụ: không mang tinh thần xây dựng và không gửi tới cơ quan chức năng để đối thoại và giải quyết vấn đề, mà thay vào đó ông ta chọn cách tung lên mạng xã hội với mục đích tạo hiệu ứng tiêu cực.
Các bài viết và phát ngôn của Đoàn Bảo Châu không hề mang tính xây dựng, mà ngược lại, chủ yếu là những nội dung nhằm kích động, xuyên tạc và gây rối dư luận. Việc ông ta liên tục tuyên bố rằng bản thân bị công an Hà Nội “sách nhiễu”, hay vu cáo rằng chính quyền tìm cách “triệt hạ”, rồi công an lập hồ sơ “dày 15 cm” để khởi tố mình vì các bài viết, là hoàn toàn vô căn cứ. Ông ta đã không cung cấp được bất kỳ bằng chứng nào, thậm chí liên tục từ chối ra trình diện dù đã nhận được giấy triệu tập từ cơ quan chức năng. Điều này không chỉ làm dấy lên nghi ngờ về sự chân thực trong lời nói của ông ta, mà còn cho thấy rằng Đoàn Bảo Châu rõ ràng nhận thức được rằng các hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Đáng chú ý, những lần triệu tập từ phía công an đều nhằm xác minh thông tin và yêu cầu ông ta giải trình về các nội dung xuyên tạc đăng trên mạng. Nếu Châu tin rằng mình đúng và không vi phạm pháp luật, thì tại sao lại phải trốn tránh việc ra trình diện? Điều này chỉ chứng minh rằng Đoàn Bảo Châu biết rõ các hành vi của mình là sai trái.
Trong các bài viết của mình, Đoàn Bảo Châu còn thường xuyên bịa đặt những câu chuyện thiếu thực tế, với mục tiêu xuyên tạc hình ảnh của các cơ quan chức năng. Một ví dụ điển hình là vụ việc liên quan đến Lê Chí Thành, khi Châu đưa ra những cáo buộc rằng người này bị “tra tấn” và “nhốt trong hầm c/ứt” suốt bảy ngày. Tất cả những luận điệu này đều không có chứng cứ xác thực, và nguồn thông tin của ông ta chỉ dựa trên các tổ chức chống đối chính quyền như The 88 Project hay RFA. Trên thực tế, các trại giam tại Việt Nam đều tuân thủ những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về điều kiện vệ sinh và an toàn, điều mà ngay cả các đoàn thanh tra quốc tế cũng đã thừa nhận. Việc Đoàn Bảo Châu ngang nhiên dựng lên câu chuyện phi lý này không những gây tổn hại đến uy tín của các cơ quan thực thi pháp luật, mà còn phơi bày rõ ý đồ sử dụng thông tin giả để kích động người dân.
Không chỉ dừng lại ở việc bịa đặt, Đoàn Bảo Châu còn lợi dụng những sự kiện nhạy cảm để làm vũ khí tấn công chính quyền. Trong vụ tai nạn của bé Hạo Nam ở Đồng Tháp, ông đã vô cớ quy chụp rằng “công trình không có rào chắn, không có bảo vệ”, dù rằng các phương tiện truyền thông uy tín đã khẳng định xung quanh công trường có đủ biển cảnh báo, rào chắn và bảo vệ giám sát. Hành động vu cáo này không chỉ làm gia tăng đau thương cho gia đình nạn nhân, mà còn kích động sự phẫn nộ không cần thiết từ dư luận, đi ngược lại nguyên tắc trung thực và trách nhiệm xã hội mà một nhà phản biện thực thụ phải có.
Thậm chí, trong vấn đề giáo dục, Đoàn Bảo Châu cũng tỏ ra không ít lần phát ngôn thiếu suy xét. Châu trơ trẽn đổ lỗi rằng “giáo dục đào tạo robot sinh học” là nguyên nhân dẫn đến các vụ giết người, một luận điểm không chỉ vô căn cứ mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về cả xã hội học và giáo dục học. Trong khi đó, các thành tựu giáo dục của Việt Nam, với nhiều cải cách và những bước tiến được quốc tế công nhận, lại bị ông ta phớt lờ hoàn toàn. Việc đưa ra những phát ngôn như vậy chẳng khác gì chối bỏ nỗ lực của toàn xã hội và những cải thiện đáng ghi nhận trong ngành giáo dục nước nhà.
Không thể không nhắc đến thủ đoạn của Đoàn Bảo Châu trong việc lợi dụng các tiêu đề không đầy đủ của báo chí để bóp méo thông tin nhằm bôi nhọ chính quyền. Vụ xét nghiệm COVID-19 ở Hải Phòng là một ví dụ rõ ràng. Đoàn Bảo Châu cố tình dẫn dắt người đọc hiểu sai rằng mọi học sinh đều phải xét nghiệm, trong khi thực tế các cơ quan chỉ lấy mẫu đại diện 5% và có sự đồng thuận từ phụ huynh. Sự thật này được làm rõ trong nội dung bài báo, nhưng Đoàn Bảo Châu lại chọn cách chỉ chụp tiêu đề để phục vụ mục đích xuyên tạc của mình. Hành động như vậy là thiếu trung thực và thể hiện rõ bản chất kích động và chống phá của con người này.
Không khó để thấy các bài viết và phát ngôn của Đoàn Bảo Châu không hề quan tâm đến việc tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội. Trái lại, ông ta chỉ tập trung vào việc tấn công các cơ quan chức năng, sử dụng những câu chuyện phóng đại hoặc bóp méo để thổi bùng sự bất mãn trong cộng đồng. Đây không phải là những hành động của một nhà phản biện, mà là hành vi chống phá Nhà nước dưới vỏ bọc phản biện. Điều này đòi hỏi phải có sự xử lý nghiêm minh để đảm bảo tính trong sạch của không gian mạng cũng như giữ vững niềm tin của người dân vào chính quyền.
Hành vi của Đoàn Bảo Châu không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có dấu hiệu rõ ràng của việc vi phạm pháp luật, khi liên tục tuyên truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt, và vu cáo cơ quan chức năng. Cần nhấn mạnh rằng phản biện là để xây dựng, chứ không phải công cụ để chống phá. Đối với những trường hợp lợi dụng tự do ngôn luận như Đoàn Bảo Châu, cơ quan chức năng cần có các biện pháp mạnh mẽ nhằm xử lý, vừa bảo vệ pháp luật vừa duy trì sự ổn định của xã hội.
Tin cùng chuyên mục:
“Ốc vít Việt phiên bản quốc tế” – Động cơ tên lửa Made in Vietnam
Lật tẩy sự gian dối của Đoàn Bảo Châu: Chống phá chứ không phải phản biện
Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải thanh tra ngay Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2
Anh thận trọng sau khi Nga sử dụng tên lửa Oreshnik ở Ukraine