Biết xấu hổ

Người xem: 592

Ma Văn Kháng

Tháng 3-2024, vụ đại án xảy ra ở Vạn Thịnh Phát được đưa ra xét xử. Trong vụ việc này, điều gây bất bình với dư luận hơn cả có lẽ là việc bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng II đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít sai lầm “khủng” của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Ở vụ việc này, có 2 chi tiết nổi lên khiến người dự khán phiên tòa thực sự quan tâm: Một, bị cáo Đỗ Thị Nhàn trong nhiều lần nhận hối lộ, có lần đã cho cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tức bị cáo Võ Tần Hoàng Văn mật khẩu nhà để ông này đi ôtô đem tiền đến nhà mình. Hai, trả lời câu hỏi của luật sư rằng, trong nhận thức bị cáo đã ăn năn, thành khẩn có đúng không? Bà Nhàn đáp: “Đúng như thế”. Cụ thể bị cáo Nhàn nói: “Khi nói đến việc nhận tiền của anh Văn, tôi rất xấu hổ. Tôi nhận tiền của anh Văn, tôi có mang về quê gửi. Tôi chưa sử dụng đồng nào, tôi thấy xấu hổ, rất mong hội đồng xét xử tạo điều kiện cho tôi khắc phục hậu quả vụ án”.

Chỉ trong mấy câu nêu trên, từ xấu hổ được 2 lần lặp lại. Theo dõi các vụ đại án, nhiều người chú ý đến chi tiết này với cảm giác vừa giận vừa thương!

Thực ra, xấu hổ, hổ thẹn không phải là một trạng thái cảm xúc xa lạ gì. Không phải là một phát hiện mới mẻ gì. Xấu hổ chính là cảm giác thấy mình thất vọng, không xứng đáng với danh tính, danh hiệu hay một yêu cầu nào đó. Xấu hổ trước hết là một nỗi khổ tâm, một nỗi đau đời. Cảm xúc đau đời, khổ tâm này là bẩm sinh trong trải nghiệm làm người, sau nữa là một quá trình nhận thức của mỗi người.

Nói nó là bẩm sinh vì như người xưa từng nói, trong con người ta, từ khi sinh ra, lớn lên thành người có ý thức, ai cũng có trong người cái mầm thiện, đó là lòng trắc ẩn (thương xót), lòng tu ố (thẹn, ghét), lòng từ nhượng (khiêm nhường), lòng thị phi (phải trái).

Bị cáo Nguyễn Văn Hưng trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: NLĐ

Thêm nữa, biết hổ thẹn, xấu hổ theo quan niệm của dân tộc ta là một mỹ đức, một đức tính tốt lành. Ngửa mặt không hổ thẹn với trời. Cúi xuống không hổ thẹn với người (Ngưỡng bất quý vu thiên. Phú bất tạc vu nhân). Theo truyền thống, đó là lời dạy ông cha ta từng trao truyền cho con cháu. “Nhân hứng vừa toan cất bút. Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”. Ông Đào ở đây là Đào Tiềm, một nhà thơ lớn đời Tần Trung Hoa. Trong bài thơ Thu vịnh, Nguyễn Khuyến viết hai câu thơ vậy là có ý: Phải biết cúi đầu trước cái lớn lao cao đẹp, phải biết thẹn với người và tự thẹn với lương tâm. Trong Hịch tướng sĩ của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ra đời trong thời gian trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (năm 1285), không ít lần người nhắc đến sự tự trọng, sợ hổ thẹn. Ví dụ “Thế mà các ngươi thấy chủ bị nhục chẳng lấy làm lo, gặp nước bị dơ chẳng lấy làm thẹn”; “Rồi đây, sau khi dẹp yên quân giặc, các ngươi sẽ phải thẹn muôn đời, còn mặt – mũi nào đứng giữa khoảng trời đất che chở?”.

Biết xấu hổ, hổ thẹn là một cảm giác tích cực. Vì biết xấu hổ, hổ thẹn là người có cảm xúc đau lòng, tiếc nuối và về tri giác là biết nhận ra sai sót, kém cỏi, tội lỗi của mình. Là người chưa đến mức mù quáng, còn có lương tri, lương năng, còn có cơ tỉnh ngộ, còn có thể ra khỏi vòng mê lú, còn có khả năng sửa chữa. Được quan niệm một cách đúng đắn như vậy, biết xấu hổ, hổ thẹn tất thường dẫn đến một lời xin lỗi, sự ăn năn, hối hận, sám hối và một cử chỉ bù đắp, quyết tâm sửa chữa, khắc phục. Trên thực tế, trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có thể lúc này lúc khác đã mắc phải sai lầm này, thiếu sót nọ. Đáng lo nhất là khi mắc sai lầm lại vô cảm, vô sỉ, không biết ngượng ngùng, xấu hổ, cứ khăng khăng trong vòng tăm tối. Đâu phải hễ cứ mắc sai lầm, tội lỗi là lập tức bị xã hội, người đời ruồng bỏ. Từ vực sâu đen tối, bước lên bờ sáng tươi là hiện tượng rất phổ biến. Là bởi vì, một khi người mắc sai lầm, tội lỗi biết xấu hổ, muốn cải đổi, sửa chữa thì xã hội sẵn sàng mở lòng khoan dung, tha thứ và giúp đỡ. Đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại!

Tuy nhiên, nhân vụ án nêu trên, trộm nghĩ vấn đề đặt ra bức thiết lúc này là làm sao để không rơi vào tình cảnh đau lòng là phải xấu hổ, hổ thẹn. Không bao giờ phải xấu hổ, hổ thẹn! Cũng tức là không bao giờ rơi vào vòng tội lỗi. Và cái vòng luẩn quẩn mà đơn giản sẽ chỉ là để khỏi phải xấu hổ như bị cáo nêu trên thì trong cuộc sống con người phải biết xấu hổ, hổ thẹn. Vì biết hổ thẹn, xấu hổ chính là có được cái vách ngăn, là “lằn ranh đỏ” để con người gìn giữ được phẩm giá mình. Là có được con đê ngăn ngừa tội lỗi, xấu xa. Là có được ý thức tự nguyện để không sa ngã, rơi vào vòng mê chấp, hư phù, biến loạn. Là có được lòng trọng danh dự của một con người, một cán bộ, một đảng viên. Là có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh như tâm sự của Paven Corsaghin trong “Thép đã tôi thế đấy” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có lần nhắc tới: “Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho nhân dân!”.

Phải biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực. Đó là lời nhắc nhở của Tổng Bí thư tại hội nghị sơ kết một năm hoạt động ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sáng 19-6-2023. Để không bao giờ phải xấu hổ cũng tức là để khỏi phải đau lòng, xót xa trước tội lỗi. Thì không gì hơn là luôn tu dưỡng bản thân, theo tiêu chuẩn người đảng viên cộng sản đã ghi trong điều lệ. Là nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là hằng ngày luôn thực hành “tự soi”, “tự sửa” như phương châm rèn luyện mà Đảng đã đề ra với mỗi đảng viên.

Nguồn: Báo Bình Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *