Về cáo buộc của USCIRF về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Người xem: 515

Khoai@

Mới đây, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) đã công bố bản báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo quốc tế, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách cần quan tâm đặc biệt. Những lập luận của USCIRF trong báo cáo này đều mơ hồ, thiếu căn cứ, dựa trên những thông tin sai lệch từ các thế lực chống phá Việt Nam. Những thông tin đó thiếu khách quan và không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam.

Tự do tôn giáo và sự quản lý của nhà nước

Trong báo cáo của mình, USCIRF cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, các tổ chức tôn giáo độc lập đều nằm ngoài vòng pháp luật, các tổ chức tôn giáo “buộc” phải được nhà nước công nhận thì mới được hoạt động tại Việt Nam. Vì lẽ đó, USCIRF quy kết “Việt Nam không có tự do tôn giáo”.

Trước tiên, cần khẳng định rằng tự do tôn giáo không có nghĩa là hoạt động tôn giáo mà không có sự quản lý của nhà nước. Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, nhà nước đều có quyền và trách nhiệm quản lý các hoạt động tôn giáo để đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Chẳng hạn, Mỹ đã ban hành Sắc lệnh 13769 nhằm ngăn cản người Hồi giáo nhập cư và hàng loạt sắc lệnh khác nhằm hạn chế sự phát triển của Hồi giáo tại Hoa Kỳ.

Vậy liệu với Sắc lệnh 13769 nhằm ngăn cản người Hồi giáo nhập cư và loạt sắc lệnh khác nhằm hạn chế sự phát triển của Hồi giáo tại Hoa Kỳ thì có thể nói rằng Mỹ không có tự do tôn giáo?

Tại Hàn Quốc, chính phủ cũng có những biện pháp mạnh mẽ đối với các giáo phái được coi là “tà đạo”, nhằm bảo vệ xã hội khỏi những tác động tiêu cực. Đây là những minh chứng cho thấy việc quản lý tôn giáo là cần thiết và phổ biến trên toàn thế giới.

Tương tự, việc các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cần được nhà nước công nhận là một biện pháp quản lý cần thiết. Nhà nước cần biết rõ về mục đích, giáo lý, tín đồ và hoạt động của các tổ chức tôn giáo để đảm bảo rằng không có hành vi lợi dụng tôn giáo để lừa đảo, tuyên truyền mê tín dị đoan, hay thậm chí tham gia vào các hoạt động khủng bố. Không ai cấm cản các hoạt động tôn giáo, nhưng việc khai báo và kiểm tra là cần thiết để bảo vệ người dân khỏi những nguy cơ tiềm ẩn.

Thực tế tại Việt Nam, nhiều trường hợp đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hành vi lừa đảo và tuyên truyền mê tín dị đoan. Điển hình như trường hợp Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, nơi các cá nhân đã lợi dụng tôn giáo để kêu gọi quyên góp, chiếm đoạt tài sản và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn làm tan vỡ gia đình, làm tổn hại đến tinh thần và cuộc sống của nhiều người dân vô tội.

Việc nhà nước kiểm soát và công nhận các tổ chức tôn giáo nhằm ngăn chặn những hành vi lừa đảo và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân là cần thiết. Nó  giúp đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội, đồng thời giúp duy trì một môi trường tôn giáo lành mạnh và văn minh.

Tự do trong khuôn khổ pháp luật

Trên thực tế, bất kỳ đâu trên thế giới, không bao giờ có tiêu chuẩn tự do tôn giáo theo kiểu thích làm gì thì làm mà không có sự quản lý của nhà nước. Các quốc gia đều tổ chức và vận hành bằng mô hình nhà nước pháp quyền, cá nhân và tổ chức phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc gia.

Ở bất kỳ quốc gia nào cũng vậy, tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do vô hạn độ. Tự do luôn đi kèm với trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp. Việc các tổ chức tôn giáo phải được nhà nước công nhận là để đảm bảo rằng các hoạt động tôn giáo được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, không vi phạm các quy định của nhà nước và không gây hại cho cộng đồng.

Việc yêu cầu các tổ chức tôn giáo đăng ký và được công nhận không phải là hạn chế tự do tôn giáo, mà là biện pháp bảo vệ người dân khỏi những hành vi lừa đảo và các mối đe dọa tiềm ẩn. Điều này cũng giúp tạo ra một môi trường tôn giáo lành mạnh, nơi các tín đồ có thể thực hành đức tin của mình một cách an toàn và trong khuôn khổ pháp luật.

Cho đến nay, tại Việt Nam, nhà nước đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Có hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung và trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện tham gia các hoạt động an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng…

Nhà nước Việt Nam luôn đặt mục tiêu chăm lo đời sống tôn giáo, tín ngưỡng cho người dân lên hàng đầu. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách và quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo phát triển, bao gồm việc công nhận và bảo vệ các tổ chức tôn giáo hợp pháp. Các nhà thờ, chùa chiền và cơ sở tôn giáo khác đều được xây dựng và hoạt động tự do, phù hợp với pháp luật.

Như vậy, những cáo buộc của USCIRF về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam là thiếu cơ sở và không phản ánh đúng thực tế. Việc yêu cầu các tổ chức tôn giáo được nhà nước công nhận là một biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ quyền lợi của người dân. Tự do tôn giáo phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật, đó mới là tự do thực sự và bền vững.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *