Thỏa thuận Nga-Triều Tiên: Bước đi chiến lược và những tác động toàn cầu

Người xem: 1125

Lâm Trực@

Ngày 20/6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã công bố toàn văn Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên, được ký kết bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Thỏa thuận này gồm 23 điều, trong đó nhiều điều khoản có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đặc biệt là cam kết hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Bước đi này của Nga không chỉ gây chấn động khu vực mà còn tạo ra những ảnh hưởng đáng kể đối với xung đột Nga – Ukraine, cũng như mối quan hệ giữa Nga và liên minh NATO do Mỹ đứng đầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ký Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện vào ngày 19/6 tại Bình Nhưỡng. (Nguồn: KCNA)

Nội dung chiến lược của thỏa thuận

Thỏa thuận Nga-Triều Tiên lần này không chỉ là một bản ghi nhớ thông thường mà chứa đựng nhiều cam kết quan trọng. Điều 4 của thỏa thuận đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu một trong hai nước bị tấn công, bên kia sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự bằng tất cả các phương tiện sẵn có. Điều này tương tự như Điều 1 của Hiệp ước Hữu nghị và Tương trợ giữa Liên Xô và Triều Tiên năm 1961, nhưng bổ sung thêm sự liên quan của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp hai nước.

Các điều khoản khác của thỏa thuận như Điều 5 và Điều 6 củng cố cam kết không cho phép nước thứ ba sử dụng lãnh thổ để đe dọa an ninh của bên kia và ủng hộ các chính sách hòa bình của nhau. Điều 8 nhấn mạnh việc thiết lập các hệ thống hành động chung để tăng cường khả năng phòng thủ và đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế.

Nga-Triều cũng nhất trí cùng nhau đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chủ nghĩa cực đoan, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia theo Điều 17.

Ngoài những nội dung chiến lước đã nêu, những điều còn lại trong thỏa thuận quy định về hợp tác mở rộng trong thương mại, kinh tế, đầu tư, khoa học và công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực không gian và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tác động đến xung xung đột Nga – Ukraine

Thỏa thuận Nga-Triều có thể được xem là một phần trong chiến lược rộng lớn của Moscow nhằm củng cố các liên minh quân sự và ngoại giao trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra căng thẳng.

Sự hỗ trợ quân sự từ Triều Tiên, dù là dưới bất kỳ hình thức nào, đều có thể làm thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraine. Mặc dù hiện tại chưa có thông tin cụ thể về loại hình hỗ trợ quân sự mà Triều Tiên có thể cung cấp, nhưng sự cam kết trong thỏa thuận này chắc chắn làm tăng thêm sức ép lên NATO và các nước phương Tây.

Phản ứng của các nước liên quan

Việc Nga và Triều Tiên ký kết thỏa thuận này đã khiến các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản lo ngại. Cả hai nước đều lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về khả năng gia tăng hợp tác công nghệ-quân sự giữa Moscow và Bình Nhưỡng. Đối với Mỹ và các đồng minh NATO, thỏa thuận này có thể bị coi là một động thái khiêu khích, gia tăng căng thẳng không chỉ ở khu vực Đông Á mà còn cả trên chiến trường Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới chỉ phản ánh “lập trường phòng thủ thuần túy” và không có ý định gây hấn. Tuy nhiên, việc Nga và Triều Tiên sẵn sàng hỗ trợ quân sự lẫn nhau chắc chắn sẽ là một thách thức lớn đối với các chiến lược gia quân sự phương Tây.

Tác động đến mối quan hệ Nga – NATO

Thỏa thuận Nga-Triêu không chỉ đơn thuần là một sự gia tăng liên kết giữa Nga và Triều Tiên mà còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến NATO. Việc một quốc gia như Triều Tiên, vốn bị cô lập kinh tế và quân sự, tham gia vào một liên minh chiến lược với Nga có thể tạo ra một tiền lệ hoàn toàn không có lợi cho các quốc gia NATO. Điều này có thể thúc đẩy các quốc gia khác xem xét lại chính sách đối ngoại và quốc phòng của họ, đặc biệt là trong bối cảnh mối quan hệ Nga – NATO ngày càng trở nên căng thẳng.

Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ quốc tế hiện nay, ảnh hưởng sâu rộng đến xung đột Nga – Ukraine và mối quan hệ giữa Nga và NATO. Bước đi này của Moscow, dù được coi là “mang tính chất phòng thủ“, nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi cân bằng quyền lực và tăng cường sự phức tạp trong các cuộc đàm phán quốc tế. Liệu thỏa thuận này có giúp Nga đạt được mục tiêu chiến lược của mình hay không, thời gian sẽ trả lời, nhưng hiện tại, nó đã tạo ra những chấn động mới trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *