Ông Nguyễn Đức Tâm – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dù trong khó khăn nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I đạt 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ là 5,6%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN. Trong khi, tốc độ tăng trưởng của Indonesia là 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%.
Các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tích cực hơn qua từng tháng.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với xu hướng này tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng được kỳ vọng tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 lần lượt là 6,2% và 6%.
Hiện nay, Việt Nam tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Ví dụ như vượt thu ngân sách trung ương năm 2023 cho chi đầu tư phát triển khoảng 27.000 tỷ đồng, Chính phủ đã dành khoảng 20.000 tỷ đồng cho các dự án trọng điểm, liên vùng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu để phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án trọng điểm quốc gia.
Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.
Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ.
Bên cạnh đó, “việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương được kỳ vọng là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo”, ông Tâm cho biết.
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các hội nghị điều phối vùng, hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nguồn bài viết: Kỳ Thư/Đầu tư Tài Chính
Tin cùng chuyên mục:
Vụ lột đồ, làm nhục người khác ở Lâm Đồng: Khởi tố một đối tượng
Những ngụy biện của Đặng Đình Mạnh khi cố gắng bênh vực Việt Tân
Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ
Triệt phá đường dây lừa đảo xuyên biên giới: Hơn 13 nghìn người dân bị lừa đảo gần 1.000 tỷ đồng