Thông tin từ BV Bạch Mai cho biết, Trung tâm chống độc của bệnh viện gần đây tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để điều trị nám.
Trường hợp đầu tiên là nữ bệnh nhân 31 tuổi, ở Sơn La, nhập viện tại Trung tâm chống độc ngày 9/6/2024.
Khoảng 5 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy mệt dần, cảm giác gai rét, khát nước, đau đầu, sau đó lơ mơ dần và hôn mê. Bệnh nhân được người nhà đưa đến cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, sau đó chuyển Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, tổn thương não hai bên, tổn thương cơ tim, tổn thương gan, suy thận.
Nữ bệnh nhân ở Sơn La bị ngộ độc thủy ngân do sử dụng “kem tẩy nám” không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Quỳnh Mai.
Kết quả các xét nghiệm, kiểm tra của bệnh nhân không thấy gì đặc biệt, ngoại trừ thủy ngân trong nước tiểu tăng cao 29mcg/L (bình thường dưới 20 mcg/L), thiếc niệu 65,13 mcg/L (bình thường dưới 4mcg/L).
Xét nghiệm mẫu “kem tẩy nám” của người nhà bệnh nhân gửi đến cho thấy, sản phẩm chứa hàm lượng thủy ngân là 3843,08 mg/kg (bình thường dưới 1 mg/kg). Mức này vượt ngưỡng quy định gần 4 nghìn lần cho phép.
Các bác sĩ của Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai kết luận, đây là trường hợp nhiễm độc thiếc và thủy ngân. Trong đó nhiễm độc thủy ngân do “kem tẩy nám” gây ra. Hiện các bác sĩ vẫn đang tìm nguồn gốc gây nhiễm độc thiếc của bệnh nhân này.
Khai thác thông tin từ bệnh nhân được biết, cách đây khoảng 1 năm bệnh nhân có mua một lọ “kem tẩy nám” từ mạng xã hội về sử dụng. Sau khi sử dụng một thời gian ngắn, da mặt bệnh nhân trắng sáng lên rõ rệt. Bệnh nhân tiếp tục mua sản phẩm qua mạng về sử dụng vào các buổi tối trước khi đi ngủ, liên tiếp trong vòng 1 năm.
Nữ bệnh nhân cho biết thêm, “kem tẩy nám” được người bán giới thiệu là có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc). Giá bán của sản phẩm này là 50.000 đồng/lọ.
Đầu tháng 6, Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai cũng tiếp nhận 4 trường hợp khác bị ngộ độc thủy ngân do dùng “kem tẩy nám”. 4 bệnh nhân cùng sử dụng 1 bộ “kem tẩy nám” gồm 2 sản phẩm.
Loại “kem tẩy nám” chứa thủy ngân có giá 50.000 đồng khiến nữ bệnh nhân ở Sơn La bị ngộ độc nặng. Ảnh: Quỳnh Mai.
Kết quả xét nghiệm bộ “kem tẩy nám” cho thấy, lọ kem màu trắng chứa 6978,7mg/kg hàm lượng thủy ngân, lọ kem màu vàng chứa 5846,3mg/kg hàm lượng thủy ngân.
Rất may thời gian sử dụng sản phẩm của cả 4 bệnh nhân đều ngắn nên tình trạng nhiễm độc thủy ngân mức độ nhẹ. Hiện 4 bệnh nhân được điều trị ngoại trú.
Thủy ngân trong “kem tẩy nám” ngấm qua da gây ngộ độc cực nặng
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc – BV Bạch Mai, cả 5 trường hợp trên đều sử dụng các loại “kem tẩy nám” có chứa hàm lượng thủy ngân rất cao, gấp nhiều nghìn lần so với ngưỡng cho phép.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng, thủy ngân với hàm lượng rất cao được nhà sản xuất chủ động đưa vào sản phẩm mà không lường trước được tác hại, hoặc cố tình đánh đổi sức khỏe của khách hàng vì lợi nhuận.
“Khi sử dụng sản phẩm “kem tẩy nám” kể trên, thủy ngân sẽ ngấm qua da và gây nhiễm độc cho người sử dụng. Nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, gây suy thận, tổn thương não (viêm não, rối loạn tâm thần), ảnh hưởng đến thị lực (mất thị lực, giảm khả năng nhìn hay phân biệt màu sắc) và ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan khác.
Hợp chất muối của thủy ngân cũng có tác dụng làm trắng da, ức chế sự hình thành sắc tố melanin. Tuy nhiên, thủy ngân là kim loại nặng rất độc, về nguyên tắc con người không nên tiếp xúc với tất cả cả loại kim loại nặng. Dù những kim loại này ở góc độ nào đó có lợi nhưng sự nguy hiểm khi sử dụng là rất lớn, không thể lường trước, nên tuyệt đối không nên sử dụng”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay.
Bộ “kem tẩy nám” chứa thủy ngân mà 4 bệnh nhân cùng sử dụng. Ảnh: Quỳnh Mai.
Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, khi nghi ngờ sản phẩm có vấn đề cần đi kiểm tra sức khỏe ngay. Không nên đợi cơ thể có các biểu hiện nhiễm độc thủy ngân mới đi khám.
Các biểu hiện rõ ràng khi nhiễm độc thủy ngân bao gồm suy thận, tổn thương não, tổn thương mắt hay các biểu hiện về tâm thần… Nếu đợi những tổn thương này xảy ra mới đi khám thì đã ở giai đoạn muộn.
“Trước khi sử dụng sản phẩm nào đó cần phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Nếu đã sử dụng sản phẩm mà cảm thấy nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo về chất lượng, thì cần chủ động đi kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời.
Người dân lưu ý, chỉ sử dụng những sản phẩm được sản xuất và phân phối từ những công ty uy tín, có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, vẫn cần cảnh giác với những sản phẩm có nhãn mác không rõ ràng vì thực tế, thị trường mỹ phẩm rất khó phân biệt thật – giả”, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Nguồn: Quỳnh Mai/báo Sức khỏe & Đời sống
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt