Chánh án Nguyễn Hòa Bình: ‘Phá siêu thị, đập vỡ cửa kính xe là phạm tội nhưng các cháu xin lỗi, bồi thường là xong’

Người xem: 1258

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định giao cho ba cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để “nhẹ nhàng”, linh hoạt, giúp các cháu không bị mặc cảm phải ra tòa.

Sáng 21-6, theo nghị trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Cuối phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình có hơn 10 phút giải trình, cung cấp thêm thông tin về một số nội dung đại biểu quan tâm.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình các ý kiến của các đại biểu. Ảnh: QH

12 đến 14 tuổi là không phải tội phạm

Thứ nhất, về vấn đề xử lý chuyển hướng, một số đại biểu đề nghị mở rộng độ tuổi từ 12 đến 14 tuổi, Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải thích ngắn gọn, theo Bộ luật Hình sự hiện hành, 12 đến 14 tuổi là không phải tội phạm. “Phạm việc gì cũng không phải là tội phạm” – ông Bình nhấn mạnh.

Thứ hai, điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng “phải tự nguyện”. “Mục tiêu của xử lý chuyển hướng là các cháu phải tự nguyện và thấy được thiếu sót của mình để thành tâm sửa chữa chứ không ép buộc” – theo Chánh án.

Người đứng đầu ngành tòa án cho hay các cháu đang bị buộc tội có thể đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, hoặc chấp nhận quá trình điều tra, truy tố, xét xử thông thường và ra tòa.

“Một trong hai trường hợp như vậy, tôi tin cả phụ huynh, cả các cháu đều lựa chọn phương án xử lý chuyển hướng” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Thứ ba, vấn đề áp dụng phạt tiền đối với các cháu cũng có điều kiện tự nguyện. Theo ông Bình, ở đây, câu chuyện tiền đối với các cháu không quá quan trọng. “Việc đồng ý nộp một khoản tiền chính là thành tâm khắc phục, đây là điều chúng ta cần, chứ chúng ta không cần khoản tiền 50% hay 100%. Các cháu có tiền, các cháu tự nguyện khắc phục nộp cho bạn bị đánh; hay có vi phạm gì tự bỏ một phần tài sản của mình để khắc phục. Điều này thể hiện các cháu có trách nhiệm trong việc sửa chữa khuyết điểm” – vẫn lời ông Bình.

Thứ tư, về vấn đề cấm đến địa điểm và tiếp xúc với người có nguy cơ phạm tội mới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc cấm này phải phụ thuộc vào hành vi vi phạm của các cháu.

“Nếu các cháu ăn cắp ở siêu thị thì cấm các cháu đến siêu thị. Nếu các cháu xâm hại tình dục trẻ em thì cấm các cháu đến nơi có các cháu nhỏ là trẻ em…” – Chánh án giải thích lý do vì sao Luật không quy định cụ thể là cấm gì.

Khi ra tòa rất nặng nề

Thứ năm, về vai trò của người bị hại trong việc xử lý chuyển hướng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói “luật đã quy định rất rõ”.

Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị phải lấy ý kiến người bị hại, ông Bình cho hay xu hướng xử lý chuyển hướng rất hạn chế việc tiếp xúc giữa nạn nhân với thủ phạm. “Nếu chúng ta cho tiếp xúc nữa thì có thể nạn nhân tiếp tục bị tổn thương một lần nữa” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông, Luật đã dành cho bị hại cũng như VKS quyền khiếu nại nếu thấy áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chưa thỏa đáng và phải thay đổi biện pháp nếu bị hại có ý kiến.

Thứ sáu, về thẩm quyền, ông Bình thông tin ban đầu dự luật quy định thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giao cho ba cơ quan ở ba giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Liên hợp quốc khuyến cáo áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng để “nhẹ nhàng”, giúp các cháu không bị mặc cảm phải ra tòa vì khi ra tòa rất nặng nề.

“Phải bồi thường hay phải xin lỗi thì cơ quan điều tra chỉ cần nói ‘cháu đi xin lỗi bạn xong về có gì bồi thường cho bạn’. Đi phá siêu thị, đập vỡ cửa kính xe là phạm tội nhưng các cháu xin lỗi, đi bồi thường là xong, không phải ra tòa nên rất linh hoạt” – vẫn lời Chánh án.

“Các cháu không nhất thiết phải ra tòa lần nữa”

Thứ bảy, về vấn đề tách vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu không tách án sẽ vi phạm một loạt các nguyên tắc nhân văn đã được đề ra.

“Phải kéo dài thời gian xử lý vụ án; việc điều tra, truy tố, xét xử trong môi trường thân thiện không được thực hiện…” – ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Trước băn khoăn của các đại biểu về việc “các cháu có phải ra tòa lần thứ hai hay không với tư cách người làm chứng”, Chánh án khẳng định nhân chứng không phải lúc nào cũng ra tòa.

Về ý kiến lo ngại “vụ việc có được thẩm định công khai tại phiên tòa hay không”, Chánh án đáp các cháu đã có một phiên tòa xét xử, khi đó, toàn bộ các chứng cứ của quá trình điều tra đã được thẩm tra công khai. Bản án đối với các cháu nếu có hiệu lực pháp luật mặc nhiên được sử dụng như tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa thứ hai.

“Các cháu không nhất thiết phải ra tòa lần nữa” – ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Nguồn: Pháp Luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *