Giáo hội Phật giáo Việt Nam: ‘Sư Thích Minh Tuệ’ không phải là tu sỹ Phật giáo

Người xem: 1353

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ đã lên tiếng về hiện tượng “Sư Minh Tuệ,” khuyến cáo người dân thực hành tín ngưỡng đúng pháp luật.

“Sư Minh Tuệ” mặc áo vá, đi chân trần khất thực. Hình ảnh đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày gần đây. (Ảnh: FB)

Người đàn ông hiện đang nổi tiếng trên mạng xã hội với danh xưng “Sư Thích Minh Tuệ” hay Minh Tuệ không phải là tu sỹ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tự viện nào của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đó là nội dung Công văn số 151/HĐTS-VP1 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi tới Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố; Cục An ninh nội địa (Bộ Công an) và Ban Tôn giáo Chính phủ ngày 16/5.

Cụ thể, người đàn ông này tên là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình ông Tú hiện sinh sống tại huyện Ia Grai, tinh Gia Lai.

Ông Lê Anh Tú sau khi từ bỏ công việc đo đạc địa chính tại tỉnh Phú Yên đã có vài lần đi bộ từ Khánh Hòa ra các tỉnh phía Bắc và ngược lại nhưng không thu hút sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, lần này, hành trình của ông Minh Tuệ đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người đi theo cúng dàng vật phẩm, thức ăn; quay clip… làm ảnh hưởng an ninh trật tự và giao thông trên các địa bàn.

Đám đông vây quanh “Sư Minh Tuệ.” (Ảnh cắt từ clip)

Trong đoàn đi theo có tín đồ Phật giáo, có những người hiếu kỳ và nhóm TikToker, YouTuber quay clip, livestream đăng tải trên các trang mạng xã hội tạo nên hiện tượng “Sư Thích Minh Tuệ” thu hút sự quan tâm của dư luận và có nhiều bình luận theo các chiều hướng khác nhau.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bình luận xuyên tạc đời sống tu hành của tăng ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do đó, Ban Thường trục Hội đồng Trị sự đề nghị Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố có thông báo tới đông đảo Phật từ và Nhân dân được biết để không ngộ nhận ông Lê Anh Tú là nhà sư; liên hệ với chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội tạo làn sóng dư luận xúc phạm Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước hiện tượng này, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã có văn bản gửi Ban/Phòng Tôn giáo (Sở Nội vụ) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Dân tộc-Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu.Mạng xã hội xuất hiện nhiều clip hành trình của ông Lê Anh Tú (Minh Tuệ) do người dân hiếu kỳ ghi lại. (Ảnh chụp màn hình)

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các phòng ban liên quan tham mưu Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng quan tâm, khi ông Minh Tuệ tới địa bàn không để xảy ra tình trạng tập trung đông người, gây cản trở và ảnh hưởng an toàn giao thông, gây phức tạp về an ninh trật tự, đặc biệt không để các thế lực xấu, lợi dụng, xúi giục, lôi kéo gây mất đoàn kết tôn giáo và vi phạm pháp luật.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị các đơn vị trao đổi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương hướng dẫn tăng ni, Phật tử tu học theo đúng chính pháp của Đức Phật, tôn trọng Quyền Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và cách thức hành trì của mọi người nhưng cần đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật./.

***

Ông Lê Anh Tú (tự xưng là Minh Tuệ) mặc áo vá, một mình ôm lõi nồi cơm điện khất thực, chân trần đi bộ. Trong nhiều cuộc “phỏng vấn” bất đắc dĩ, ông cũng thừa nhận rằng ông không phải sư, không phải thầy. Ông luôn xưng “con” với tất cả mọi người.

Khoản 2, Điều 6 về Quyền Tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, quy định: “Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.”

Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 cũng đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.”

Nguồn: Vietnam+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *