Phản biện xã hội: Ranh giới giữa xây dựng và chống phá

Người xem: 1126

Lâm Trực@

Hà Nội, 10/04/2024 – Phản biện xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số cá nhân và tổ chức lợi dụng quyền này để xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong xã hội, tạo ra những dư luận lệch lạc, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ.

Phản biện xã hội là hình thức thể hiện tự do ngôn luận, góp ý kiến một cách có cơ sở khoa học nhằm thực hiện quyền dân chủ và ý thức trách nhiệm của công dân. Việc khuyến khích phản biện xã hội giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Lợi dụng phản biện xã hội để chống phá

Xuyên tạc chủ trương, đường lối: Một số đối tượng lợi dụng việc Đảng và Nhà nước kêu gọi lấy ý kiến nhân dân để đưa ra quan điểm trái chiều, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thậm chí, nhiều đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa phản biện để nêu quan điểm đòi “đa nguyên đa đảng”, “xã hội dân sự”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Kích động người dân: Các đối tượng sử dụng thông tin sai lệch, kích động người dân biểu tình, bạo loạn, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cản trở việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Lợi dụng quyền tự do dân chủ: Một số cá nhân lợi dụng quyền tự do dân chủ để nêu quan điểm đòi “đa nguyên đa đảng”, “xã hội dân sự”, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; bôi nhọ, hạ uy tín của các cơ quan, bộ ngành và các lãnh đạo đảng, nhà nước.

Trên thực tế, có nhiều hình thức và phương tiện được sử dụng để xuyên tạc thông điệp thông qua phản biện xã hội. Từ việc tạo ra các trang mạng xã hội, blog, vlog, đến việc sử dụng văn bản “tâm huyết” nhưng chưa đựng những thông điệp phản động. Các đối tượng này thường lồng ghép những ý kiến tiêu cực và sai sự thật vào giữa các đề xuất xây dựng, góp phần làm mờ đi mục đích thực sự của phản biện xã hội.

Tuy nhiên, ranh giới giữa phản biện xã hội và việc lợi dụng phản biện xã hội để chống phá là khá mong manh. Nhất là khi các cá nhân đó đều thể hiện dưới dạng “Góp ý cho đảng” hay  “đề xuất các phương án cải thiện và hoàn thiện chính sách”.

Phân biệt phản biện xã hội và chống phá

Mục đích: Phản biện xã hội nhằm xây dựng, góp phần hoàn thiện, phát triển đất nước thông qua việc sử dụng trí tuệ cộng đồng. Chống phá là hành vi cố ý xuyên tạc, thông tin một chiều (thường chỉ là tiêu cực) phủ nhận thành tựu của đất nước, tô đậm những sai lầm cá biệt, có xu hướng chính trị hóa mọi vấn đề … với mục đích làm suy yếu chế độ.

Cơ sở khoa học: Phản biện xã hội dựa trên cơ sở khoa học, lập luận chặt chẽ, khách quan. Chống phá thường sử dụng thông tin sai lệch, kích động, thiếu tính logic.

Thái độ: Phản biện xã hội có tinh thần xây dựng, nhưng cầu thị, hướng đến giải pháp để làm cho việc xây dựng, vận hành các chu trương, chính sách và pháp luật đạt hiệu quả cao, làm cho xã hội ngày càng tốt hơn.

Trong khi đó, chống phá có thái độ thù địch, phủ nhận sạch trơn, hướng tới sự phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nội bộ, chia rẽ vùng miền, kỳ thì tôn giáo, sắc tộc. Mục đích cuối cùng là để lật đổ chế độ chính trị đất nước. Với thái độ thù địch đó, dù ngụy trang dưới mục đích cao đẹp nào đi chăng nữa thì thủ đoạn lợi dụng phản biện sẽ vẫn là bịa đặt, xuyên tạc, cắt xén hoặc thêm bớt thông tin, vu khống… trong khi đó, các đối tượng giấu nhẹm đi những sự thật.

Địa chỉ và trách nhiệm: Khi nói tới phản biện xã hội, thông thường người hoặc tổ chức có ý kiến phản biện sẽ mang ý kiến của mình đến hội thảo khoa học, hoặc hội nghị lấy ý kiến để phát biểu, tranh biện. Trường hợp không tới được hội thảo, người hoặc tổ chức phản biện sẽ gửi ý kiến phản biện của họ tới địa chỉ có trách nhiệm. Địa chỉ ấy chính là nơi soạn thảo văn bản, nơi hoạch định chính sách, nơi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật… chứ không phải là tung bừa bãi ý kiến hay tâm thư của họ lên mạng mà không có địa chỉ rõ ràng.

Lợi dụng phản biện để chống phá thì đăng tải bài viết một cách tùy tiện, không gửi đến địa chỉ nào cụ thể. Họ làm vậy để dẫn dắt, lôi kéo đám đông, tạo nên dư luận tiêu cực, gây hoang mang và bất ổn trong xã hội. Dưới đây là vài ảnh chụp màn hình Facebook của người lợi dụng phản biện xã hội để chống phá hơn là xây dựng:

Khuyến khích và kiểm soát

Việc khuyến khích phản biện xã hội là cần thiết và quan trọng để nâng cao chất lượng chính sách và quyết định của chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần có các biện pháp kiểm soát hợp lý để ngăn chặn việc lạm dụng nền tảng này. Sự cân nhắc và cảnh giác là chìa khóa để đảm bảo rằng phản biện xã hội thúc đẩy sự phát triển tích cực, chứ không phải là công cụ cho những mục đích đen tối.

Vây nên, để nhận diện luận điệu giả danh phản biện xã hội thì người đọc nên kiểm tra tính chính xác của thông tin; so sánh với quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước; cẩn trọng xem xét mục đích và động cơ của người đưa ra ý kiến; và tránh lan truyền thông tin sai lệch hoặc những thông tin chưa được kiểm chứng.

Phản biện xã hội là quyền và nghĩa vụ của công dân và việc phân biệt rõ ràng giữa phản biện xã hội và chống phá là vô cùng quan trọng để bảo vệ chế độ, xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Trong bối cảnh này, việc nhận diện đúng đắn và ứng phó kịp thời là cực kỳ quan trọng. Cần có sự tách biệt rõ ràng giữa phản biện xã hội xây dựng và phá hoại, để bảo đảm tính chính xác và công bằng của quá trình phản biện. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của cả xã hội về nguy cơ của việc lợi dụng phản biện xã hội cho mục đích cá nhân hoặc phá hoại.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *