Cầu Trung Hà “trơ móng”: Nỗi lo an toàn và những góc khuất kỹ thuật

Người xem: 643

Khoai@

Hình ảnh trụ cầu Trung Hà trơ móng do xói lở được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua khiến dư luận không khỏi xôn xao. Nhiều người lo ngại về tình trạng an toàn của cây cầu này. Những người trong ngành xây dựng cầu đường lại coi đó là chuyện bình thường với cây cầu đã sử dụng 20 năm. Cá biệt, có nhiều kẻ té nước theo mưa, lợi dụng các hình ảnh cầu trơ móng để ám chỉ việc “rút ruột công trình” và “làm ăn gian dối”. Thậm chí còn quy chụp đó là thói quen đã có tiền lệ trong ngành xây dựng Việt Nam. Một số kẻ cơ hội chính trị thì như thường lệ, vẫn đổ lỗi cho chế độ chính trị.

Qua đọc báo được biết, cầu Trung Hà được xây dựng từ năm 2000 và trải qua hơn 20 năm hoạt động và cho đến nay vẫn gánh trọng trách kết nối 2 bờ sông, giữa Phú Thọ và Hà Nội. Ngay cả khi nó trơ móng như ta đang thấy, nó vẫn khá ổn nếu không nói đến thẩm mỹ nơi móng cầu.

Người dân, người đọc báo có lý do để lo lắng khi thấy hình ảnh trụ cầu “trơ móng”, hằn sâu những vết nứt vỡ loang lổ. Nỗi hoang mang, lo lắng về sự an toàn của cây cầu len lỏi trong tâm trí người dân, gieo rắc những nghi vấn về chất lượng thi công và trách nhiệm của những người có liên quan.

Tìm đọc các bài viết trên mạng được biết, có vài nguyên nhân khiến trụ cầu trơ móng.

Thứ nhất là do mực nước sông Đà xuống thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Đây là kết quả của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa giảm sút, cùng với việc khai thác nước ngầm quá mức đã góp phần bào mòn “lớp áo” che chở cho móng cầu, phơi bày những “vết sẹo” loang lổ.

Thứ hai là, việc khai thác cát trái phép trên sông Đà diễn ra tràn lan trong nhiều năm qua đã tác động tiêu cực đến dòng chảy và cấu trúc lòng sông, kiến đáy sông tụt xuống. Trong khi đó, dòng nước cuộn xiết, bào mòn lớp đất đá xung quanh móng cầu, khiến chúng dần dần “trơ trụi”.

Thứ ba là, việc xả lũ đột ngột từ các nhà máy thủy điện trên sông Đà cũng góp phần làm gia tăng tình trạng xói mòn lòng sông, ảnh hưởng đến móng cầu.

Thứ tư, công nghệ thi công cầu Trung Hà cách đây đã hơn 20 năm và có thể chưa áp dụng các biện pháp bảo vệ móng cầu tối ưu trước sự tác động của dòng chảy và thời tiết. Lớp bê tông lót bảo vệ có thể chưa đủ sức chống chọi với sự bào mòn của nước và cát, dẫn đến tình trạng nứt vỡ và làm trơ các cọc móng cầu. Hoặc cũng có thể do cầu được thiết kế vào thời điểm khi mực nước sông Đà còn cao và vệc không tính toán đến sự thay đổi của mực nước sông trong tương lai đã dẫn đến tình trạng hiện nay.

Bên cạnh đó cũng có một số ít nói đến nguyên nhân từ chất lượng thi công. Họ nói rằng, “chất lượng thi công cầu Trung Hà không đảm bảo, dẫn đến việc móng cầu không đủ khả năng chịu lực và bị xói mòn”.

Trả lời cho câu hỏi là hiện cây cầu có an toàn không?

Theo anh Nguyễn Hồng Nam, một kỹ sư xây dựng cầu đường, việc trụ cầu bị xói lở là do ảnh hưởng của việc thủy điện xả lũ. Lớp bê tông vỡ vụn là lớp bê tông lót đáy, không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của cầu. Hệ thống cọc móng trơ ra là do mực nước sông Đà hiện nay thấp hơn so với 20 năm trước, cộng thêm lòng sông bị xói lở. Theo anh Nam, phương án gia cố thêm cọc vào trụ gần bờ bị xói lở là hoàn toàn khả thi để đảm bảo an toàn cho cầu.

Đọc trên Dân Trí, từ góc nhìn của người làm chuyên môn, anh Nguyễn Văn Khánh viết: “22-25 năm trước chưa đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật nên sử dụng biện pháp đóng/ép cọc. Cọc không thẳng hoàn toàn (nhất là vị trí nối) là điều bình thường, áp dụng ngay cả trong thời điểm hiện tại. Trong hình thấy rõ, bê tông lót bị vỡ mảng lớn nhưng lớp này được đổ dày, chỉ để tạo điều kiện thi công bệ móng, không có tác dụng chịu lực khi kết cấu hoàn thành. Bệ móng không nứt nẻ, đầu cọc không đâm ra khỏi bệ, không thấy cốt thép đầu cọc.

Sông Đà cạn nước hay hết sạch nước thì kết cấu chịu lực vẫn không thay đổi, từ tải trọng, mặt cầu, kết cấu nhịp, xà mũ, thân, bệ, cọc, đất. Mất vài mét bùn cát phía trên mà đã la làng cầu hỏng thì chẳng ai cầm nổi bằng kỹ sư xây dựng. Có chăng phải tìm biện pháp để khỏi bị xói mòn sâu thêm, khả năng là xây thêm các ụ phía thượng nguồn để bồi tụ cát tại vị trí chân cọc”.

Theo anh Khánh, “Đây là các trụ dạng móng cọc đài cao. Các trụ gần bờ có móng cọc đóng, các cọc biên thiết kế xiên, thi công đúng như thiết kế. Phần bê tông dưới đài cọc trông “nhom nhem” đó là bê tông bịt đáy, không phải kết cấu chính của trụ. Nó ngăn nước cùng với vòng vây cọc ván xung quanh để đảm bảo rằng đổ bê tông bệ trụ trong điều kiện khô ráo. Phần bê tông này không có tác dụng gì ngoài việc ngăn nước khi thi công, nó có thể bị phá bỏ hoặc thông thường để nguyên”.

Phản ứng những quy chụp của một số người rằng, cầu trơ móng là do thi công ẩu, bằng chứng là các cọc không thẳng đứng, mà bị xiên… anh Ngô Thái Bình phân tích: “Hiện nay, lòng sông bị xói lở nhiều, kể cả khu vực gần bờ quanh các trụ cọc đóng này, khác nhiều so với hơn 20 năm trước, thời điểm thiết kế và xây dựng cầu, là hướng bất lợi cho móng cọc đài cao. Đó là nguyên nhân mà đơn vị quản lý, khai thác yêu cầu hạn chế xe tải nặng chạy qua cầu. Việc này cần tính toán lại kết cấu móng trụ (do đường xói thấp hơn trước đây) và có giải pháp khắc phục”.

Cùng hướng với anh Ngô Thái Bình, anh Phan Trung Duyên viết trên Dân Trí: “Ép cọc xiên là đúng. Vì cọc không có dẫn hướng, đôi khi cọc dài phải nối thì càng xiên. Cọc xiên làm tăng tính ma sát trong một số trường hợp, bởi vậy, đài cọc như vậy là bình thường, không nên nói mong manh dễ vỡ. Tôi chưa thấy hình ảnh nào có sắt thép, đề nghị cung cấp thêm hình ảnh để làm rõ”. Anh Duyên cho biết thêm, “Mấy cọc đầu hồi phải ép xiên để chống trượt ngang” và “Trong 1 nhóm cọc, người ta cố ý ép xiên một vài cọc để chống trượt ngang. Theo dõi hình ảnh chụp hết các móng cầu, móng nào cũng có một cọc xiên theo quy luật”…

Ai cũng biết, cầu Trung Hà là một cây cầu quan trọng nối liền hai tỉnh Hà Nội và Phú Thọ. Việc xói lở trụ cầu là một vấn đề đáng quan tâm, nhưng người dân có thể yên tâm vì kết cấu cầu và khả năng chị lực của cầu vẫn còn rất tốt. Chỉ cần tuân thủ hướng dẫn về tải trọng của cơ quan quản lý cầu thì vẫn rất an toàn. Những vết loang lổ, hoặc hư hại ở móng cầu chỉ cần các biện pháp gia cố với các ứng dụng công nghệ mới là chiếc cầu lại có thể đảm nhận trọng trách như khi vừa xây dựng xong.

Được biết, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã báo cáo xin ý kiến của Bộ GTVT về phương án trước mắt và lâu dài về hư hỏng trụ cầu. Biển cảnh báo nguy hiểm, giới hạn tốc độ, trọng tải xe qua cầu được cắm từ ngày 28/12/2023, thực hiện theo ý kiến của Cục Đường bộ Việt Nam về việc trực gác, điều tiết giao thông và thực hiện thủ tục sửa chữa đột xuất cầu Trung Hà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *