Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Đại biểu Quốc hội khóa XIV, vi phạm của nhà xe Thành Bưởi diễn ra khá lâu, ngang nghiên, có tính hệ thống và ngày càng trầm trọng. Đơn cử như việc lập bến trái phép, kinh doanh trái pháp luật và đặc biệt là có dấu hiệu trốn thuế. Vì vậy, cần xử lý nghiêm minh, xem xét khởi tố hình sự ngay những hành vi vi phạm và cần rút giấy phép hoạt động của nhà xe Thành Bưởi.
Có khả năng có bảo kê, “chống lưng”
Phóng viên: Ngay sau khi tai nạn thảm khốc do nhà xe Thành Bưởi gây ra làm chết 5 người và nhiều người bị thương, sáng cùng ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 902/CĐ-TTg về khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại tỉnh Đồng Nai. Ông đánh giá và nhìn nhận gì về sự kịp thời và tính toàn diện của công điện này, trong đó có trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tai nạn thảm khốc xảy ra vào lúc 2h30 ngày 30/9, ngay lập tức sáng sớm hôm đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện. Người dân và cử tri đánh giá rất cao phản ứng nhanh, nhạy bén của Thủ tướng và các cơ quan tham mưu. Xét về thời gian, công điện được ban hành kịp thời, ngay trong và thậm chí trước cả quá trình xử lý sự việc.
Đồng thời, công điện đề ra đầy đủ nội dung chỉ đạo, trong đó đặt vấn đề rất rõ về phương pháp, giải pháp tiến hành; khu vực, địa phương có trách nhiệm và các chủ thể có liên quan để xem xét. Theo đánh giá của cử tri, đây là công điện kịp thời, nhạy bén, có sức nặng lớn. Chắc chắn vụ việc này không thể không xử lý.
Phóng viên: Báo chí và dư luận từ nhiều năm nay đã phản ánh những bức xúc về tình trạng lập xe dù bến cóc của nhà xe Thành Bưởi ở nhiều địa phương trong thời gian dài, vi phạm ngang nhiên, trắng trợn. Theo ông, tại sao họ có thể làm vậy trong suốt thời gian dài? Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này? Vai trò của Sở Giao thông vận tải, Thanh tra giao thông vận tải ở đâu và trách nhiệm của các dịa phương, nơi xảy ra vi phạm? Có dấu hiệu bảo kê, chống lưng không?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Các cụ ta có một câu rất hay: “Cháy nhà ra mặt chuột”. Rõ ràng, tình hình vi phạm của nhà xe Thành Bưởi diễn ra khá lâu, có tính hệ thống, báo chí phản ánh rất nhiều và đã có nhiều đoàn kiểm tra. Ví dụ như phường An Phú (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) đã kiểm tra có kiến nghị lên UBND và các cơ quan có liên quan cấp quận đến tận 3 lần; cảnh sát giao thông cũng tiến hành kiểm tra, kiến nghị lập các kết luận; không chỉ kiểm tra đơn ngành mà liên ngành… Nhiều tờ báo lớn như Thanh Niên, Giao thông cũng đã đề cập rất nhiều, nhưng không hiểu tại sao nhà xe Thành Bưởi vẫn vi phạm và vi phạm ngày càng trầm trọng hơn.
Các vi phạm diễn ra chủ yếu trên 3 địa bàn lớn: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng. Trong đó vi phạm ở TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng là nghiêm trọng nhất, diễn ra cả ban ngày và đặc biệt vi phạm ban đêm rất trầm trọng. Tuy nhiên, không có hình thức xử lý nghiêm túc.
Thậm chí, sau khi có Quyết xử phạt hơn 30 triệu đồng, nhà xe này còn kiện cả ra tòa, thua rồi vẫn tiếp tục và sau đó mới rút kháng cáo. Nhà xe cũng đã kiện và thua báo chí nhưng sau đó vẫn tiếp tục ngang nhiên vi phạm. Điều này cho thấy hành vi đã được thực hiện một cách rốt ráo, đến cùng và coi thường pháp luật.
Theo tôi, có thể do một vài nguyên nhân.
Thứ nhất, ý thức coi thường pháp luật lấn át pháp luật nên cơ quan pháp luật không xử lý đến cùng được. Tôi rất chia sẻ với công an và UBND phường An Phú đã cố gắng giải quyết vụ việc nhưng không giải quyết được vì vượt quá thẩm quyền. Chính vì vậy, nhà xe tiếp tục coi thường cấp phường, đỗ xe đón khách cách biển cấm 5 m (hành vi này đã được phóng viên theo dõi kỹ).
Thứ hai, có thể vì sự yếu kém của các cơ quan ban ngành có liên quan. Ở đây không thể không nói đến cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn, đó là cơ quản quản lý về giao thông vận tải. Sau đó phải nhắc tới trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền chung, đó là UBND các cấp.
Thứ ba, có thể có cả sự yếu kém, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cơ quan khác. Ví dụ như cảnh sát giao thông chưa quyết liệt hay một số cơ quan, ban, ngành có chức năng giám sát, kể cả Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc.
Thứ tư, có khả năng có bảo kê, có “chống lưng”. Ở đây, không thể nói đến sự “chống lưng” của cán bộ thông thường, vụ việc này không loại trừ khả năng có sự chống lưng của những “ông lớn” nên nhà xe này mới “nhơn nhơn” như vậy. Tôi rất muốn các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để xem xét rõ là do một trong các nguyên nhân hay vì tất cả các nguyên nhân trên.
Cần giải quyết đến nơi đến chốn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”
Phóng viên: Vậy theo ông, vi phạm chính của nhà xe Thành Bưởi là gì? Có dấu hiệu hình sự không? Báo chí gần đây đã có nhiều bài viết cho rằng có thể khởi tố hình sự ngay việc giao xe cho người không đủ điều kiện và có dấu hiệu trốn thuế của nhà xe Thành Bưởi. Xin ông bình luận rõ hơn về việc này?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Hình thức bên ngoài mà người dân nhìn thấy là sự vi phạm của tài xế lái xe. Cụ thể, tài xế bị thu bằng vẫn được giao xe để chạy bình thường và chạy vào khung giờ rất nguy hiểm, dễ bị ngủ gật và gây tai nạn. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, vụ vừa qua là ở Định Quán, tôi được biết một vụ nữa trên địa bàn huyện Trảng Bom và Tòa án Trảng Bom cũng vừa xét xử. Trong đó, người ta cố tình đưa vụ việc hướng sang một hướng khác khi lái xe đâm vào một xe đỗ ven đường nhưng lại truy tố một lái xe khác. Địa bàn tỉnh Đồng Nai là cung đường khá nguy hiểm, là nơi trung chuyển giữa nhiều địa bàn lớn và có hoạt động vận tải mạnh.
Tuy nhiên, không đơn giản là vi phạm của lái xe, về sâu xa, đây chính là vi phạm của nhà xe. Tôi xin liệt kê mấy vi phạm có khả năng cần phải xem xét điều tra, làm kỹ.
Thứ nhất là vi phạm của việc lập bến trái phép. Báo chí nêu vấn đề này rất trầm trọng. Nhà xe này đã lập nhiều bến trong đó có bến công khai, bến trá hình, bến có quyết định nhưng cũng có bến không có quyết định. Đơn cử như bến ở thành phố Đà Lạt hoạt động công khai mặc dù không đủ diện tích để bố trí làm một bến xe. Hay như nhà xe lập bến ở 66-68 Lê Hồng Phong (TP. Hồ Chí Minh), nhưng lại trung chuyển khách ra 48C đường song hành Xa lộ Hà Nội. Báo chí và các cơ quan, ban, ngành cũng đã có sự thanh tra kiểm tra.
Thứ hai là kinh doanh trái pháp luật. Ví dụ, nhà xe đăng ký chỉ một tuyến duy nhất đi Cần Thơ, còn lại các tuyến khác đăng ký du lịch, hợp đồng. Nhưng bản chất của hàng trăm, hàng nghìn chuyến đi Đà Lạt là chạy xe khách liên tỉnh. Rõ ràng, có sự đánh tráo khái niệm, lấp liếm giữa xe hợp đồng và xe khách liên tỉnh; gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn gây thiệt hại cho cả những nhà xe khác. Rõ ràng đây là sự trá hình rất nguy hiểm và pháp luật rất nghiêm cấm việc này.
Thứ ba là có dấu hiệu trốn thuế và trốn phí. Mỗi lần vào bến, phải có lệ phí và kinh doanh phải nộp thuế. Nếu bán vé mà không xuất hóa đơn, không xuất vé, chỉ thu tiền thì đương nhiên là dấu hiệu trốn thuế. Và hành vi trốn thuế là hành vi cực kỳ nghiêm trọng. Tôi đề nghị cần làm rõ và xử lý nghiêm, tránh thiệt hại cho ngân sách.
Thứ tư là có dấu hiệu hối lộ. Muốn tồn tại vi phạm suốt thời gian dài thì có khả năng có bảo kê, “chống lưng”, bao che và có hối lộ. Nếu cơ quan chức năng làm rõ hành vi hối lộ thì phải xử lý không chỉ người hối lộ mà cả người nhận hối lộ.
Thứ năm là gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, dẫn đến chết người. Không những vậy, sai phạm này đã gây ra tâm lý hoảng loạn, hoang mang cho những người khác sử dụng dịch vụ xe khách đi trên những tuyến đường đó. Tôi cho rằng nếu không xử lý nghiêm thì dẫn đến khá nhiều hệ lụy khác nhau về mặt kinh tế, an ninh, xã hội.
Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của Sở Giao thông vận tải, thanh tra giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm kéo dài của nhà xe Thành Bưởi? Vi phạm của nhà xe Thành Bưởi còn diễn ra ở nhiều địa phương khác như Đồng Nai, Bình Thuận và nhất là tại Lâm Đồng. Vậy trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan tham mưu đến đâu? Làm gì để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, nhằm đem lại an toàn cho hành khách và người dân?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi muốn nói đến hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa”. Câu chuyện này đối với lĩnh vực giao thông vận tải hành khách và vận tải nói chung đã xảy ra thường xuyên, trên nhiều địa bàn, đối với nhiều nhà xe. Tuy nhiên, nhà xe Thành Bưởi là một trường hợp điển hình để chúng ta rút kinh nghiệm trong công tác quản lý. Muốn xử lý vấn đề này, chúng ta phải có đầy đủ các biện pháp pháp lý – kinh tế – xã hội. Đồng thời, phải rà soát các quy định, chính sách. Nếu giả sử cứ để tồn tại các quy định đó thì liệu có khắc phục được tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa không”.
Cùng với đó, việc quản lý của các cán bộ, công chức, cơ quan có thẩm quyền, giám sát của báo chí, công luận, Mặt trận, Hội đồng nhân dân, các đoàn Đại biểu Quốc hội… là hết sức quan trọng. Mỗi cá nhân, tập thể liên quan phải có trách nhiệm thì mới có khả năng khắc phục tình trạng này. Nếu các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe báo chí ngay từ đầu thì câu chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” đã giải quyết đến nơi đến chốn. Báo chí viết ra, thậm chí còn để nhà xe đi kiện báo, nhà xe thua rồi mà vẫn chưa xử lý đến nơi đến chốn thì đương nhiên “cóc vẫn cứ nhảy”.
Còn câu chuyện trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền là vấn đề nghiêm trọng. Người dân có suy nghĩ giản dị, đó là nếu không có sự chống lưng, sự tiếp tay, bảo kê, dung dưỡng của các cán bộ công quyền thì không bao giờ nhà xe có thể lộng hành thế này và khi đạt điểm tới hạn là gây tai nạn chết người thì sự việc vỡ lở ra. Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Bài học đắt giá là chúng ta không đi phòng để chống, mà đến bây giờ làm sao có thể lấy lại sự sống cho những người bị nạn.
Tôi thực sự chia sẻ sự đau đớn của các gia đình và tôi cũng phần nào hiểu được sự đau đớn trong Công điện của Thủ tướng. Và tôi cho rằng trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các sở giao thông vận tải. Đây là cơ quan quản lý chuyên ngành về giao thông vận tải trong việc cấp phép, tổ chức quản lý, thanh tra, kiểm tra quá trình vận hành của các nhà xe, trong đó có Thành Bưởi. Đầu tiên là Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, địa bàn hoạt động trọng yếu và xuất phát điểm đầu tiên của nhà xe Thành Bưởi. Nhà xe tồn tại hàng trăm xe, chạy hàng nghìn chuyến trong một năm mà sai phạm chồng chất nhưng không có biện quản lý chuyên môn nào khả dĩ có thể vãn hồi tình hình, ngăn chặn sai phạm.
Thứ hai là các cơ quan thanh tra, kiểm tra liên quan đến giao thông kể cả về mặt chính sách cũng như lưu thông trên đường. Và cũng không thể không nói đến trách nhiệm của cảnh sát giao thông. Tuy rằng tôi chia sẻ có những việc họ không thể với tới, nhưng về hiện tượng thì họ nắm được và có kiến nghị nhưng rõ ràng không có sự quyết liệt.
Điểm cuối là Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là chính quyền thành phố Đà Lạt. Một bến xe không đạt tiêu chuẩn, quy định pháp luật mà tồn tại ngang nhiên, nhộn nhịp giữa lòng thành phố du lịch văn minh, là một hiện tượng rất không văn minh, là sự đáng tiếc lớn. Nó hoạt động quá lâu, rất nhộn nhịp. Cần phải xem xét trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải, UBND thành phố Đà Lạt, của phòng giao thông vận tải, công an khu vực…
Ngoài ra, một địa bàn trung chuyển là Đồng Nai, nhà xe không chỉ đón khách ở một điểm, mà còn đón khách dọc bên đường. Lẽ ra thanh tra, cảnh sát trên đường phải kiểm tra. Ví dụ tại sao một người không có bằng mà vẫn được xuất bến, vẫn chạy trên đường. Người ta cũng đặt dấu hỏi là liệu có gì đó gợn lên trong quá trình xử lý theo quy định pháp luật của lực lượng thanh tra, kiểm tra.
Tôi nhấn mạnh là không thể không tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với trường hợp này để làm gương cho các trường hợp khác. Tôi cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải vào cuộc và làm rõ, tổng rà soát các hành vi của tất cả nhà xe có “hạnh kiểm” xấu, đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên toàn quốc để chúng ta xem liệu có bao nhiêu “Thành Bưởi” đang diễn ra trên cả nước.
Đặc biệt, từ nay đến Tết Nguyên đán, nếu chúng ta tiến hành được tổng rà soát thì sẽ giúp ổn định an ninh trật tự, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn trước hết về mặt tâm lý cho người dân về nghỉ Tết và trở lại những nơi người ta công tác học tập.
Tôi đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần phối hợp với các bộ, ngành, Bộ Công an xem xét xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tiến hành rà soát lại hệ thống chính sách, các quy định để hoàn thiện pháp luật, để tránh những hiện tượng như Thành Bưởi trong thời gian vừa qua.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.
Theo baochinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga