Ong Bắp Cày
Sách Giáo khoa (SGK) vẫn đang là chủ đề nóng hổi gây tranh cãi ngay tại nghị trường Quốc hội. Đã có nhiều tranh luận nảy lửa và được báo chí đăng tải rộng rãi. Dưới góc nhìn cá nhân, trên tinh thần xây dựng, tôi không đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Xin nhắc lại, vào hôm 14/8/2023, tại phiên giám sát chuyên đề của UBTV Quốc hội về đổi mới chương trình SGK, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã thể hiện quan điểm của ông rằng, “Việc biên soạn bộ SGK Nhà nước vào thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK mà còn ảnh hưởng đến tinh thần đổi mới giáo dục”.
Công bằng mà nói, phát biểu của Bộ trưởng là thẳng thắn, nhưng lại đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 88/2014/QH13, mà cho tới nay chưa có Nghi quyết nào thay thế. Theo đó, Bộ GD&ĐT đã được giao nhiệm vụ biên soạn một bộ SGK bảo đảm chất lượng, cạnh tranh công bằng với các nhà xuất bản và nhóm tác giả khác.
Tại điều 2, khoản 3, mục g ghi rất rõ: “Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn“.
Rõ ràng, Nghị quyết 88/2014/QH13 đã quy định Bộ GD&ĐT phải có một bộ SGK bảo đảm chất lượng, cạnh tranh công bằng với các nhà xuất bản và nhóm tác giả khác. Nhưng Bộ GD&ĐT đã không hoàn thành nhiệm vụ với lý do: “không thu hút được tác giả uy tín, kinh nghiệm quay về “giúp bộ” với tư cách tác giả” để rồi, hôm 14/8 ông lại kiết quyết bảo vệ cho bằng được quan điểm “Việc biên soạn bộ SGK Nhà nước vào thời điểm này không chỉ ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa trong biên soạn, xuất bản SGK mà còn ảnh hưởng đến tinh thần đổi mới giáo dục”.
Tôi sẽ không đặt vấn đề vì sao Bộ GD&ĐT không thực hiện đúng Nghị quyết 88/2014/QH13, hay vì sao ông lại bảo vệ cho những nhóm tư nhân biên soạn như dư luận râm ran. Nhưng tôi sẽ đặt vấn đề, rằng vì sao một cơ quan quản lý nhà nước cao nhất trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, quản lý hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học giáo dục, các các thầy cô giàu kinh nghiệm mà lại không thể huy động được người viết, trong khi tư nhân lại làm được?
Nếu tôi là Bộ trưởng, có lẽ chỉ cần đến một quyết định hành chính là xong. Bởi biên soạn SGK là trách nhiệm, nghĩa vụ của các nhà giáo. Rộng hơn, việc biên soạn SGK là nhiệm vụ chính trị quan trong vào bậc nhất của Bộ GD&ĐT. Rất tiếc là Bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Chính việc Bộ GD&ĐT “không hoàn thành nhiệm vụ” đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm tư nhân hoàn thành bộ SGK của họ, dẫn tới có nhiều sai sót về nội dung và đẩy giá SGK lên cao, gây bức xúc trong dư luận. Đó là chưa kể đến việc lựa chọn SGK cũng làm cho giáo viên ở các địa phương bất bình.
Tôi đồng tình với ĐB Trần Văn Sáu, rằng “dù kêu gọi xã hội hóa chăm lo cho giáo dục nhưng nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục. Không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đại biểu nhấn mạnh đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng”.
Cá nhân tôi cho rằng, dù là xã hội hoá việc biên soạn SGK có thực hiện đúng nghĩa đi chăng nữa thì Bộ GD&ĐT vẫn cần phải có một bộ SGK chuẩn mực phòng khi nhánh “Xã hội hoá” bị “Tư nhân hoá” hoặc trục trặc.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga