Dùng tài sản Nga tái thiết Ukraine: EU còn đang tính, Moscow đã đi trước một bước, lập tức ‘trả giá cao’

Người xem: 354

Nếu EU muốn dùng tài sản Nga để tài trợ, tiếp tục quân sự hóa Kiev, cũng như tái thiết Ukraine, họ sẽ phải trả lại Moscow nhiều hơn, phía Điện Kremlin “bắn tin”.

Dùng tài sản Nga tại thiết Ukraine: EU còn ‘đang tính’, Moscow đã đi trước một bước, thẳng thừng ra giá. (Nguồn: FT)

Moscow sẽ tịch thu tài sản của các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) mà nước này cho là “không thân thiện”, nếu Brussels quyết “đánh cắp” các quỹ tài sản bị đóng băng của Nga, nhằm tài trợ cho Ukraine. Đó là “lời đáp từ” mới nhất, do một người thân cận với Tổng thống Vladimir Putin thông báo vào cuối tuần qua.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, ngày 27/10, cho biết, cơ quan điều hành EU đang nghiên cứu đề xuất gộp một số lợi nhuận thu được từ tài sản nhà nước Nga bị phong tỏa để chuyển cho Ukraine trong công cuộc tái thiết sau xung đột quân sự.

Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho biết, Moscow sẽ trả đũa theo cách khiến khối này phải trả giá đắt hơn, nếu EU có động thái lấy tài sản của Nga. Nhiều tài sản trong số đó hiện được giữ ở Bỉ.

“Một số chính trị gia châu Âu, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ursula von der Leyen, một lần nữa nói về việc “đánh cắp” các quỹ tài sản bị đóng băng của đất nước chúng tôi, để tiếp tục quân sự hóa Kiev”, ông Volodin cho biết trong một tuyên bố trên ứng dụng Telegram.

Theo Chủ tịch Hạ viện Nga, một quyết định như vậy của EC, chắc chắn sẽ nhận được một phản ứng tương xứng từ Liên bang Nga. Trong trường hợp đó, nhiều tài sản thuộc về “các quốc gia không thân thiện” sẽ bị tịch thu, chắc chắn sẽ nhiều hơn số tiền của chúng tôi đang bị đóng băng ở châu Âu.

Hôm cuối tuần trước, bà Von der Leyen cho biết, giá trị tài sản có chủ quyền của Nga đang bị phong tỏa ở EU hiện là 211 tỷ Euro (tương đương 223,15 tỷ USD) và nhắc lại rằng, khối đã quyết định Nga phải trả tiền cho việc tái thiết Ukraine.

Trong khi, thông báo của Chủ tịch EC sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu mới đây, về việc EU đã quyết định Nga phải chi trả cho tái thiết Ukraine, vẫn đang gây tranh cãi. Thì thực tế rằng, hàng tỷ USD lợi nhuận của phương Tây cũng đang bị mắc kẹt ở Nga.

Chỉ đề cập riêng khối doanh nghiệp có trụ sở chính đóng tại các quốc gia ‘không thân thiện’ – các công ty phương Tây này tiếp tục hoạt động ở Nga kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Điện Kremlin được cho là đã ngăn họ được tiếp cận nguồn tiền này, trong nỗ lực trả đũa 11 gói trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga.

Theo số liệu do Trường Kinh tế Kiev (KSE) tổng hợp, chỉ riêng năm 2022, các tập đoàn từ các quốc gia như vậy đã chiếm tới 18 tỷ USD trong tổng số 20 tỷ USD lợi nhuận của các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Nga và 199 tỷ USD trong tổng doanh thu 217 tỷ USD.

Các số liệu trên có thể đã tăng lên đáng kể từ sau đó, bởi hiện đã là tháng 11/2023. Tuy nhiên, chưa thể thống kê chính xác là bao nhiêu vì hầu hết các doanh nghiệp quốc tế hoạt động ở Nga chỉ tiết lộ kết quả kinh doanh theo năm, Phó giám đốc phát triển KSE Andrii Onopriienko, người biên soạn dữ liệu cho biết.

Trong khi đó, thu nhập ở Nga của các công ty từ BP của Anh đến Citigroup của Mỹ được cho là phần nào đã bị hạn chế, kể từ khi bị áp dụng lệnh cấm trả cổ tức vào năm ngoái – đối với các doanh nghiệp từ các quốc gia “không thân thiện”, bao gồm Mỹ, Anh và tất cả các thành viên EU. Mặc dù các giao dịch như vậy có thể được phê duyệt trong những trường hợp đặc biệt, nhưng rất ít giấy phép rút tiền được cấp.

“Hàng chục tỷ USD đang bị mắc kẹt ở Nga. Và không có cách nào để đưa tiền ra ngoài”, vị Giám đốc điều hành của một công ty lớn, có trụ sở tại một quốc gia được coi là “thân thiện” cho biết.

Quy mô doanh thu và lợi nhuận “khủng” nói trên không chỉ phản ánh tầm quan trọng lâu dài của các công ty phương Tây đối với nền kinh tế Nga, mà ngược lại, còn phản ánh tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các doanh nghiệp này gặp phải, với việc phải hoạt động như thế nào ở nền kinh tế đang bị chính các chính phủ của họ tìm mọi cách cô lập.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cố gắng bán các công ty con ở Nga nhưng bất kỳ thương vụ nào cũng cần có sự chấp thuận của Moscow và phải chịu mức chiết khấu cao. Trong những ngày gần đây, British American Tobacco và nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Volvo đã công bố các thỏa thuận chuyển giao tài sản của họ ở Nga cho các chủ sở hữu địa phương.

Theo dữ liệu của KSE, trong số các công ty có nguồn gốc “không thân thiện” vẫn hoạt động ở Nga, năm 2022, Ngân hàng Raiffeisen của Áo đã báo cáo lợi nhuần ròng lớn nhất, với khoảng 2 tỷ USD.

Các tập đoàn Philip Morris và PepsiCo của Mỹ kiếm được lần lượt 775 triệu USD và 718 triệu USD. Lợi nhuận của Nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Scania ở Nga là 621 triệu USD, đã đưa hãng này vào nhóm có thu nhập cao nhất, trong số các công ty đã tuyên bố rút khỏi Nga.

Mặc dù vậy, đại diện Raiffeisen – Ngân hàng phương Tây lớn nhất đang hoạt động ở Nga, cho biết, họ “không có quyền truy cập” vào lợi nhuận của mình. Đại diện Philip Morris từ chối bình luận, còn PepsiCo và Scania không trả lời yêu cầu bình luận.

Trên thực tế, các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã tạo ra tổng lợi nhuận lớn nhất là 4,9 tỷ USD, tiếp theo là các công ty Đức, Áo và Thụy Sỹ với lần lượt là 2,4 tỷ USD, 1,9 tỷ USD và 1 tỷ USD, theo số liệu của KSE.

theo báo Quốc Tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *