Đất rừng phương Nam – Mì ăn liền

Người xem: 618

Mì ăn liền

Tôi hiếm khi xem phim ở rạp. Nhưng hôm nay quyết định đi coi phim một mình để có tư liệu thực tế viết bài.

Rạp Cine Lotte Mart số 2, 7 giờ tối, le que khoảng hơn 10 người xem phim Đất Rừng Phương Nam.

Trước hết nói về phim Đất Phương Nam của đạo diễn Vinh Sơn. Đó là một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh, mượn cốt truyện Đất Rừng Phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi để dựng lại hồn cốt của xứ miền Tây. Tựa phim là Đất Phương Nam, với Đất có nghĩa là vùng, miền chứ không phải nghĩa đen là đất cát hay đất ruộng. Đất Phương Nam nói về người ở phương Nam, về sinh hoạt, tính cách, văn hóa và một phần lịch sử. Những cảnh đấu tranh chống Tây là phụ, không phải nội dung chính. Trong phim, tác giả miêu tả đến từng chi tiết về con người ở đất Nam kỳ. Cảnh vật ruộng đồng, sông nước, làng quê, sinh hoạt… được phục dựng hết sức chân thật, gần gũi đến từng hơi thở. Đây là phim đặc tả, lưu giữ hồn cốt miền Nam. Dù đạo diễn Vinh Sơn là người gốc miền Trung (Quảng Trị), nhưng ông hiểu miền Nam đến từng cọng cỏ và vì vậy ông đã tạo ra tác phẩm đi vào lòng người.

Nếu đem phim Đất Rừng Phương Nam để so sánh với Đất Phương Nam thì đó là sự hỗn hào, vô lễ đối với đạo diễn Vinh Sơn, với phim Đất Phương Nam và với khán giả.

Giờ nói về phim Đất Rừng Phương Nam, đây là một phim mì ăn liền, hoàn toàn khác biệt với hồn cốt của phim Đất Phương Nam. Đây là chuỗi nhiều cảnh đánh nhau bát nháo của những đám đông. Ngay từ đầu phim, âm nhạc đã thình thịch tiết tấu nhanh, chan chát, chuẩn bị cho người xem bước vào cảnh bắn người, chạy loạn, giết chóc. Hết phân đoạn ồn ào đánh, chém này đến ào ào đánh chém, bắn súng khác. Xen lẫn những cảnh náo loạn, bắn chém là những đoạn… nghỉ mệt, hài hài do Út Lục Lâm diễn trò.

Các nhân vật thằng Cò, Tư Béo, Ba Phi… xuất hiện nháng qua cho có, hoàn toàn không để lại dấu ấn gì như trong bản phim ĐPN. Nói lại, đem so ĐRPN với ĐPN là một điều sỉ nhục ĐPN.

Nhân vật chiếm cảm tình của phim ĐRPN là Út Lục Lâm, điển trai và hài hước. Bé An nay dễ thương nhưng rất khác với bé An xưa.

Về kỹ thuật điện ảnh, đúng mì ăn liền. Lạm dụng đồ họa vi tính để tạo hình cánh cò, đom đóm, hay quay chậm cảnh phi thân chém lính… Nếu người xem đang trông chờ các cảnh quay đẹp, chân thật của sông nước miền Nam thì nhũng kỹ xảo vi tính khiến cho người ta cảm giác nhai cơm trúng sạn.

Về nhân vật, vai Tư Mắm đã đi quá đà, từ một kẻ điềm báo sang kẻ cầm súng lục bắn người, mặc bộ đồ bà ba tím xông pha ruộng sình đuổi bắn người còn hơn lính biệt kích.

Nhân vật Ba Phi do Trấn Thành thủ vai thì khỏi bàn, như con khỉ nhảy nhót… Từ gương mặt non choẹt gắn râu đến tác phong, đến bối cảnh… chẳng có gì là Ba Phi hết.

Nhiều cảnh quay bất hợp lý như mẹ hát ru đứa con trai tuổi thiếu niên mà như ru em bé một tuổi. Hai đứa trẻ nhỏ ngồi dưới trăng nói chuyện yêu đương. Bé An học ăn cắp, học thói xấu từ Út Lục Lâm.

Phim có tiết tấu nhanh, dồn dập, náo loạn… theo mô đen phim xã hội đen Hồng Công.

Không bàn đến bang hội người Hoa trong phim vì trong lịch sử mở mang miền Nam có sự tham gia của người Hoa và phim cũng không thuộc thể loại phim tư liệu lịch sử. Và nếu như vậy thì việc lùa sinh viên, học sinh đi xem để hiểu lịch sử là việc làm hết sức bậy bạ.

Theo tôi, đạo diễn Quang Dũng nên lấy một tên phim khác, dựng nhân vật khác để đừng ai liên tưởng đến phim Đất Phương Nam thì có lẽ phim sẽ bán được vé hơn.

Nguồn: Phan Xuân Trung

One thought on “Đất rừng phương Nam – Mì ăn liền

  1. Minh Ngoc says:

    Còn nhớ cái ngày nhỏ đọc cuốn “Đất rừng phương Nam’, nhớ mãi cái hồn của mảnh đất ấy ghim mãi trong trí óc, đến tới lớn rồi vẫn không thể quên được, thấy yêu mến cả tác giả và yêu luôn cả miền quê đó. Thiết nghĩ, nếu đã không thể làm sống lại linh hồn của một vùng đất, thì cũng đừng làm hỏng nó.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *