Từ vụ Ngọc Trinh bị bắt, hiểu thế nào là hành vi gây rối trật tự công cộng?

Người xem: 677

Người mẫu Ngọc Trinh bị bắt về tội gây rối trật tự công cộng. Tội danh này có gì đặc biệt?

Ngọc Trinh bị bắt tạm giam

Ngày 19/10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (PC01) đã ra quyết định khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng”, “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, ngụ quận 7) về tội Gây rối trật tự công cộng.

Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Xuân Đông (36 tuổi, ngụ quận 4) về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và gây rối trật tự công cộng.

Viện KSND TP HCM đã phê chuẩn các quyết định. Nhà chức trách cũng thực hiện lệnh khám xét nhà của bị can, thu giữ nhiều tài liệu liên quan.

Động thái này được đưa ra sau khi Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP HCM phối hợp Phòng CSGT, Công an TP Thủ Đức và các Phòng nghiệp vụ giải quyết nguồn tin về tội phạm, đối với hành vi “biểu diễn” môtô phân khối lớn bằng những hành động nguy hiểm do Ngọc Trinh thực hiện, sau đó đăng tải trên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.

Kết quả điều tra xác định, ngày 6/10, Ngọc Trinh dù không có giấy phép lái xe hạng A2 nhưng đã cùng Đông chạy xe BMW, dung tích xi lanh 999 cm3, biểu diễn trên đoạn đường D15 Khu Công nghệ cao (thuộc phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức) với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe.

Trước đó, đầu tháng 9, hai người này cũng điều khiển môtô hiệu “Ninja” lưu thông ở Khu đô thị Thủ Thiêm, thực hiện các động tác như: đứng 2 chân một bên xe, thả 2 tay để xe tự chạy, ngồi một bên yên xe để tự chạy…

Chi tiết về tội danh Ngọc Trinh bị bắt, bị khởi tố

Sau thông tin Ngọc Trinh bị bắt tạm giam bạn đọc đặt câu hỏi, thế nào là gây rối trật tự công cộng?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, tội danh mà Ngọc Trinh bị bắt tạm giam được quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.

Theo đó, gây rối trật tự công cộng là hành vi gây mất ổn định trật tự công cộng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tội phạm được thực hiện ở những hành vi gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Đây có thể bao gồm các hành vi coi thường trật tự chung bằng lời nói, cử chỉ gây mất trật tự hoặc là những hành vi càn quấy hành hung người khác (nhưng chưa gây thương tích) ở những nơi đông người như ở nhà ga, bến xe, rạp hát, công viên…gây ảnh hưởng đến trật tự chung.

Nơi công cộng là những nơi tập trung đông người như công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe, trên đường phố…có nhiều người qua lại, nơi công cộng cũng có thể là những nơi trao đổi hàng hoá, nơi vui chơi giải trí của công dân.

Theo luật sư Thơ, nếu hành vi gây rối trật tự công cộng mà kèm theo sự đập phá tài sản hoặc có vũ khí, tùy từng trường hợp có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thêm về tội khác như tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản…

Hành vi gây rối trật tự công cộng không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác mà chỉ gây ảnh hưởng đến trật tự chung ở nơi công cộng.

Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng lại gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm tương ứng và tội gây rối trật tự công cộng theo nguyên tắc phạm nhiều tội.

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó nhưng mong muốn hậu quả xảy ra.

Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Về hình phạt, theo vị luật sư, khung thứ nhất quy định ở khoản 1 Điều 318 quy định về mức phạt bao gồm các hình thức về xử phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ và mức phạt tù.

Theo đó, nếu đối tượng nào có hành vi vi phạm pháp luật về tội cố ý gây rối trật tự nơi đông người sẽ phạt tiền từ 5 triệu đến dưới 50 triệu, ngoài ra nếu hậu quả của hành vi nghiêm trọng hơn, có thể bị phạt đến 2 năm cải tạo không giam giữ hay các mức hình phạt đến 2 năm tù..

Khung hình phạt thứ hai quy định ở khoản 2 Điều 318 quy định về khung hình phạt tù ở mức từ 2 năm tù đến 7 năm tù. Đây là khung hình phạt áp dụng cho các trường hợp vi phạm có các tình tiết tăng nặng kèm theo, gây ra hậu quả cho xã hội với mức độ nghiêm trọng hơn ở khoản 1.

Nguồn: Báo Dân Việt

P/s: Bài chỉ mang tính tham khảo. Tôi thấy lý giải về hành vi gây rối trât tự công cộng của luật sư chưa thuyết phục.

One thought on “Từ vụ Ngọc Trinh bị bắt, hiểu thế nào là hành vi gây rối trật tự công cộng?

  1. Minh Ngoc says:

    Thấy nhiều “nghệ sĩ” bây giờ mất não lắm nhé :))) toàn đăng mấy cái trẩu trẩu rồi cứ nghĩ thế là hay. Hỏng hết cả một thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam cũng một phần vì mấy cô cậu nghệ sĩ ít học như thế này định hướng bọn trẻ ở trên mạng xã hội cả!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *