Thấy cây không thấy rừng

Người xem: 677

Chủ nghĩa xã hội (CNXH) khi nghiên cứu dưới góc độ một xã hội hiện thực, theo quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, đó là một xã hội có bản chất ưu việt hơn so với các xã hội trước đó. CNXH hướng đến mục tiêu cuối cùng là giải phóng con người, mang lại tự do, hạnh phúc và tạo điều kiện, cơ hội cho con người phát triển toàn diện. Đó là tính ưu việt thuộc về bản chất của CNXH mà Nhà nước Việt Nam đang hướng đến. Bản chất CNXH tốt đẹp là vậy nhưng lại có những người cố tình không thừa nhận, khuyên Việt Nam nên từ bỏ để đi theo con đường khác. 

TBT Nguyễn Phú Trọng

Trong bài viết “Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn từ bỏ CNXH” đăng trên facebook Việt Tân vào ngày 27-9-2023, Phạm Minh Vũ (tác giả bài viết) đã trắng trợn xuyên tạc những câu nói của các nhà lãnh đạo Đảng về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Hắn cho rằng đất nước đang bị một đám hoang tưởng dẫn dắt đi theo bao năm qua. Nhưng chính họ (những người cộng sản) cũng chẳng biết đi đâu, về đâu. Rồi hắn dẫn chứng những ví dụ theo kiểu “thấy cây không thấy rừng, thấy nước không thấy biển” như ở Đức, Triều Tiên để minh họa cho sự thiển cận của mình thêm rõ nét. Từ mớ dẫn chứng tạp nham đó, hắn cho rằng xã hội Việt Nam đang xây dựng vẫn chưa thoát khỏi đói nghèo, chia rẽ, kinh tế bất ổn, văn hóa suy đồi và tương lai sẽ mất cả độc lập. Cuối cùng, Phạm Minh Vũ khuyên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên mạnh dạn bỏ CNXH. Chống phá, xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của thế lực thù địch bằng những luận điệu, thủ đoạn rất tinh vi nhằm gây nên sự mơ hồ, hoài nghi trong xã hội, tác động tiêu cực đến sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Trong bài viết “Bao giờ hết kiên định CNXH” đăng thời gian gần đây, Đài Á châu tự do (RFA) cũng đã lớn tiếng chỉ trích rằng: “Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam không có một tư tưởng, trường phái triết học cụ thể, làm cho xã hội Việt Nam mãi mãi tụt hậu, không giống bất cứ một quốc gia nào”. Nhưng sự thật có phải như những gì chúng rêu rao, xuyên tạc?

Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định đi lên CNXH là con đường tất yếu của cách mạng. Thực tiễn cách mạng hơn 90 năm qua đã chứng minh tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Chính lựa chọn đúng đắn con đường đi lên CNXH đã giúp Việt Nam giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Thế giới đang đứng trước những biến động phức tạp và khó lường. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang đe dọa mỗi quốc gia. Vậy con đường phát triển nào, mô hình phát triển nào sẽ là phù hợp, được nhân loại tiến bộ lựa chọn, theo đuổi và thực hiện? Ở Việt Nam có một con đường được Đảng và nhân dân lựa chọn và kiên trì theo đuổi. Đó là hướng đến một xã hội phát triển thực sự vì con người, kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Việc bảo đảm các quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm, là chủ thể trong chiến lược phát triển đất nước. Đó chính là mục tiêu quan trọng nhất của Việt Nam trên con đường đi lên CNXH. Nỗ lực ấy đã góp phần nâng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc (từ vị trí 77 lên 65 trên thế giới). Ở tiêu chí về bình đẳng, Việt Nam là nước châu Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới. Kết quả này chứng tỏ sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm mục tiêu đạt được hạnh phúc cho tất cả người dân.

Đặc biệt, ngay sau khi cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản, các thế lực thù địch đã phát tán nhiều bài viết, bình luận trên nền tảng mạng xã hội rêu rao: Đây là hệ thống lý luận cũ kỹ, không còn phù hợp với thời đại, lạc nhịp, lỗi thời và Việt Nam lợi dụng tự do, dân chủ để tuyên truyền chống phá các nhà nước tư bản. Sự thật là nội dung cuốn sách cũng như sự thành công của mô hình CNXH tại Việt Nam ngày càng nhận được sự đánh giá tích cực từ các chuyên gia và bạn bè quốc tế. Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa rất quan trọng, là cơ sở tư liệu mang lại nhiều giá trị để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các học giả tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận, thực tiễn về CNXH, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Thực tiễn các cuộc thăm dò dư luận ở châu Âu, Mỹ cho thấy nhiều người trẻ không còn bị ảo tưởng bởi những triển vọng hão huyền về sự thịnh vượng, tiến bộ mà chủ nghĩa tư bản mang lại. Họ đang tìm kiếm những giải pháp thay thế và cởi mở tìm hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin, CNXH. Điều này đang ngày càng phổ biến ở các khu vực khác nhau trên thế giới. 

Cho đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển theo con đường CNXH. Việt Nam vẫn giữ được thế cân bằng giữa phát triển kinh tế với ổn định chính trị. Công cuộc đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với thế giới nói chung và nền kinh tế thị trường của thế giới nói riêng. Được sống ở một đất nước thanh bình, thân thiện, kinh tế phát triển, không chỉ người Việt Nam mà rất nhiều người nước ngoài đã tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc ở đây. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với những thành tựu phát triển đáng kể mà Việt Nam đạt được, được sự công nhận bởi bạn bè và cộng đồng quốc tế thì các thế lực thù địch, phản động lại tìm mọi cách để chống lại. Chúng không ngừng đưa ra những luận điệu bóp méo, làm sai lệch thông tin với mưu đồ hạ thấp uy tín, kích động làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Từ năm 1945 đến nay, tiêu ngữ “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” ghi dưới quốc hiệu Việt Nam vẫn được thể hiện rõ. Từ “Việt Nam dân chủ cộng hòa” chuyển thành “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vẫn không làm thay đổi nội dung, hình thức trình bày và càng ngày càng được nhận thức đầy đủ bản chất, ý nghĩa lịch sử thiêng liêng và trọng đại. Trả lời một nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chính sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Cho đến nay, đây vẫn luôn là chính sách nhất quán được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặt lên hàng đầu trên con đường kiên định đi lên CNXH mà ở đó không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đảng, Nhà nước luôn lấy hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu tối thượng để phấn đấu.

Nguồn: Đỗ Thành/Báo Bình Phước

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *