Tài xế có được yêu cầu kiểm tra thiết bị đo nồng độ cồn của CSGT?

Người xem: 1007

Nếu người dân cho rằng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đo nồng độ cồn không đạt chuẩn, họ có thể ghi hình lại quá trình kiểm tra và khiếu nại, chứ không có thẩm quyền kiểm tra trực tiếp các thiết bị này.

Gửi câu hỏi đến đường dây nóng Báo Giao thông, bạn đọc thắc mắc: Tôi thấy một số tài xế khi bị CSGT phát hiện và xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn, đã yêu cầu tổ công tác đưa máy đo nồng độ cồn để kiểm tra, soi xét tem kiểm định.

Vậy, theo các quy định pháp luật hiện hành, tài xế có được quyền đưa ra yêu cầu như trên? Cảnh sát giao thông cần làm gì trong trường hợp này? (Độc giả Phạm Quang Huy, Hà Nội).

CSGT sẽ đo định tính nồng độ cồn trước khi kiểm tra định lượng.

Về tình huống này, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, thời gian qua các tổ công tác của Cục CSGT đã phối hợp với công an nhiều địa phương trên cả nước triển khai xử lý vi phạm giao thông, nhất là lỗi nồng độ cồn rất quyết liệt.

Quá trình làm việc, cảnh sát chứng kiến nhiều tài xế sau khi bị phát hiện có vi phạm, đã tìm cách chống đối, ngăn cản lực lượng thực thi công vụ. Có trường hợp từ chối kiểm tra bằng thiết bị đo, một số cá nhân khác còn cho rằng máy đo nồng độ cồn không chuẩn hoặc chưa được kiểm định.

Cục CSGT khẳng định, với mỗi lần triển khai kế hoạch hay chuyên đề tuần tra xử lý vi phạm, các tổ công tác đều có kế hoạch cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với phương tiện, thiết bị nghiệp vụ trang cấp cho lực lượng CSGT được thực hiện theo quy định của Bộ Công an. Đối chiếu pháp luật cho thấy không có việc quy định kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của dụng cụ này.

Mọi người dân hay người vi phạm đều có quyền giám sát lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, có thể giám sát trực tiếp, qua báo chí hoặc thông qua thiết bị (ghi âm, ghi hình). Tuy nhiên, người dân chỉ được giám sát ở khu vực bên ngoài phạm vi làm việc của lực lượng tuần tra kiểm soát.

Cũng theo Cục CSGT, việc giám sát của người dân không được gây cản trở, làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của người đang thực thi công vụ.

Trường hợp người dân cho rằng thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không đạt chuẩn, họ có thể ghi hình lại quá trình kiểm tra và khiếu nại. Còn thẩm quyền kiểm tra trực tiếp các đặc điểm của thiết bị này thuộc về các cơ quan chức năng có liên quan, cấp trên…

Cũng theo Cục CSGT, quy trình kiểm tra về nồng độ cồn được thực hiện theo hai bước. Đầu tiên, cảnh sát kiểm tra định tính, tài xế chỉ cần thổi nhẹ vào thiết bị để xác định xem người đó có nồng độ cồn hay không.

Nếu phát hiện người tham gia giao thông có nồng độ cồn, CSGT mới tiếp tục kiểm tra về định lượng để làm rõ tài xế vi phạm ở mức bao nhiêu, từ đó làm căn cứ ra quyết định xử phạt.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *