Mối quan hệ giữa Nga và Armenia ngày càng xấu đi sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan ở Nagorny-Karabakh vào tháng 9/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Saint Petersburg (Nga) ngày 26/12/2022. Ảnh: Reuters
Các phương tiện truyền thông Ukraine ngày 19/10 dẫn lời một quan chức cấp cao Nga nói với hãng thông tấn TASS (Nga) rằng bài phát biểu của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Nghị viện châu Âu mới đây là dấu hiệu cho thấy ông đang dẫn Armenia đi vào “con đường nguy hiểm”.
Quan chức Nga nói trong điều kiện giấu tên nêu rõ: “Chúng tôi coi bài phát biểu của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Nghị viện châu Âu vào ngày 17/10 là hoàn toàn vô trách nhiệm và mang tính khiêu khích, đặc biệt là đối với Nga và quan hệ Nga – Armenia”.
“Chúng tôi thấy họ đang tìm cách biến Armenia thành Ukraine thứ 3 như thế nào, nếu chúng tôi coi Moldova là Ukraine thứ 2, và ông Pashinyan đang có những bước đi mạnh mẽ theo con đường của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky”, quan chức trên nói, ám chỉ các nước có chính sách “nghiêng về phương Tây và nguyện vọng gia nhập EU”.
Trước đó phát biểu tại Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh rằng hơn 100.000 người Armenia đã rời Nagorny-Karabakh “trong điều kiện lực lượng gìn giữ hòa bình Nga không hành động”. Ông cũng cáo buộc “các đồng minh” từ chối thực hiện nghĩa vụ an ninh của mình.
Theo ông Pashinyan, những tình huống như vậy “đã lặp lại nhiều lần kể từ năm 2020” và xảy ra theo một kịch bản: “sự tấn công từ bên ngoài trong khi các đồng minh của Armenia không hành động trong lĩnh vực an ninh”.
Kể từ mùa thu năm 2022, chính quyền Armenia thường xuyên phàn nàn Nga và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – một khối quân sự được thành lập từ các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ – không hành động và thiếu phản hồi trước các yêu cầu giúp đỡ.
Mối quan hệ giữa Yerevan và Moskva ngày càng xấu đi sau chiến dịch quân sự của Azerbaijan vào tháng 9/2023, kết thúc bằng việc chính quyền ở Nagorny-Karabakh đầu hàng và 100 nghìn người Armenia di tản khỏi khu vực. Sau đó, ông Pashinyan chỉ trích về sự kém hiệu quả của CSTO và đặt nghi vấn về lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, cho rằng họ không can thiệp vào hành động của Baku bằng bất kỳ cách nào, mặc dù thực tế là lực lượng này ngăn chặn nổ ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp.
Đáp lại những lời chỉ trích, Điện Kremlin tuyên bố rằng Azerbaijan đã tiến hành hoạt động trên lãnh thổ của mình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nhắc lại những hành động mới nhất của giới lãnh đạo Armenia đang “tạo mảnh đất màu mỡ cho chính sách thù địch của phương Tây” đối với Moskva.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cũng đã thể hiện “quan điểm cứng rắn” với Đại sứ Armenia tại Moskva, ông Vagharshak Harutyunyan về hàng loạt “bước đi không thân thiện” của Yerevan như phê chuẩn Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, tiến hành tập trận quân sự với Mỹ.
Công Thuận/Báo Tin tức
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga