Phim “Đất rừng phương Nam”: Khán giả là những người thẩm định chính xác nhất

Người xem: 886

Ong Bắp Cày

Đúng như ai đó đã nói, sự tiếp nhận, đánh giá của xã hội đối với tác phẩm nghệ thuật là điều cần thiết và đương nhiên. Công chúng và thời gian mới là người thẩm định chính xác cho những giá trị nghệ thuật mà nghệ sĩ đã tạo ra. Các tác phẩm thực sự có giá trị phải được qua thử thách này và “Đất rừng phương Nam” không phải là ngoại lệ.

Ngay từ khi khởi chiếu vào hôm 13/10/2023, “Đất rừng phương Nam” đã tạo ra những tranh cãi về yếu tố lịch sử, nghệ thuật trong phim và mới đây, khán giả lại phát hiện có sự việc bị dân mạng cho là không đúng mực khi đoàn làm phim xin phép ghi hình tại Đồng Tháp. Từ đây, nảy sinh tranh cãi “Đất rừng phương Nam” là phim tư nhân hay là phim do nhà nước đặt hàng.

Trên trang thông tin điện tử của Huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp (một trong những địa điểm quay Đất rừng phương Nam) có đăng tải công văn xin phép ghi hình của Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê gửi UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp ngày 12/10/2022 về việc sản xuất phim truyện Đất rừng phương Nam. Công văn ghi: “Căn cứ công văn số 18676/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng“. Mời xem ảnh bên dưới, tại phần gạch chân màu đỏ.

Tuy nhiên, trên cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL đã công khai quyết định số 1230/QÐ-BVHTTDL công bố ngày 26/05/2022 về Dự toán ngân sách năm đã được cấp có thẩm quyền giao ngân sách, mục Giao dự toán chi ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không hề có tên phim Đất rừng phương Nam.

 

Ảnh: Công văn của HK Film (chú ý phần gạch chân màu đỏ) và công bố các phim sản xuất theo ngân sách Nhà nước năm 2022 của Bộ VHTTDL.

Trước thông tin trên, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành khẳng định phim Đất rừng phương Nam không phải là phim Nhà nước đặt hàng sản xuất. Theo đó, Đất rừng phương Nam là sản phẩm của các đơn vị đồng sản xuất, gồm: Công ty Cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town và Công ty Cổ Phần Phim Thiên Ngân.

Phản ứng trước công văn nêu trên, nhiều người nghĩ rằng, nhóm làm phim đã không trung thực khi viết rằng “Căn cứ công văn số 18676/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng”, tức là được sản xuất bằng ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ý kiến khác lại cho rằng, “Đất rừng phương Nam” đã mượn danh “Nhà nước đặt hàng”, gây hiểu lầm cho người đọc, phục vụ cho việc sản xuất và thương mại.

Người viết sẽ không kết luận có sự mượn danh trong đó hay không. Theo đó, câu trả lời sẽ dành cho bạn đọc. Nhưng thiết nghĩ, giá như những người soạn thảo công văn cẩn trọng hơn thì đã không xảy ra tranh cãi không cần thiết như thế này. Người viết cũng mong rằng, ê kíp làm phim hãy lắng nghe ý kiến của khán giả một cách cầu thị, không nên quy chụp hoặc xem thường. Bởi khán giả chính là những người thẩm định giá trị của bộ phim trung thực nhất.

2 thoughts on “Phim “Đất rừng phương Nam”: Khán giả là những người thẩm định chính xác nhất

  1. admin says:

    Việc quyết định sống còn cho một bộ phim chiếu rạp dựa vào rất nhiều yếu tố, nhưng có lẽ yếu tố chốt hạ cuối cùng chính là khán giả. Chính khán giả là những người phán quyết, họ sẽ quyết định sự sống còn cho những bộ phim.

  2. admin says:

    Kịch công lập theo đúng định hướng nhưng không có người xem, ngược lại kịch trên các sân khấu xã hội hóa thường không đi theo định hướng nhưng có đông khán giả. Làm thế nào để giải quyết hài hòa vấn đề này là bài toán khó của các nhà quản lý hoạt động sân khấu lâu nay
    Trong hội thảo khoa học do Viện Sân khấu Việt Nam phối hợp với Chi hội Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TPHCM tổ chức sáng 29-5 tại 5B Võ Văn Tần, TPHCM, những nghệ sĩ có tâm huyết với nghề, dù ở tư cách quản lý hoặc nghệ sĩ biểu diễn đều cùng khẳng định: Chính khán giả quyết định đời sống sân khấu.

    Phân tích cặn kẽ giữa vở diễn có định hướng và vở diễn làm theo thị trường, NSND đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho rằng khán giả đâu cần biết điều này. Vở hay là họ xem, đáp ứng đúng nhu cầu thưởng thức của họ thì khán phòng đông. Định hướng ở đây mới chỉ là vở diễn thỏa mãn hội đồng nghệ thuật khi thẩm định cấp phép công diễn và được lực lượng phóng viên lĩnh vực sân khấu viết bài khen.
    Nhưng nghịch lý ở chỗ những vở được báo chí, giới chuyên môn đánh giá cao thì lại vắng khách. Nhà nước rót ngân sách cho các đoàn công lập dựng vở nếu có vắng khán giả, bị thua lỗ, không ai xót còn tư nhân bỏ vốn đầu tư, không ai chịu phiêu lưu bằng đồng tiền “ khúc ruột” của mình.
    Một số đơn vị công lập cho rằng kịch trên sân khấu xã hội hóa thu hút đông khán giả ở TPHCM chỉ là kiểu kịch sinh hoạt, rẻ tiền. Các vở kịch dựng trên sân khấu của các đơn vị công lập, được Nhà nước cấp ngân sách, mới có đẳng cấp đích thực. Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc nói: “Tự cho mình có đẳng cấp nhưng vở diễn không đến được công chúng tức là chết trên sàn diễn rồi”.

    Tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng: “Sân khấu xã hội hóa và công lập muốn đổi chất cần phải xây dựng đội ngũ làm nghề tiên tiến. 37 năm qua, lực lượng đạo diễn sân khấu giỏi được đào tạo từ Nga và các nước xã hội chủ nghĩa, nay đã rời sàn diễn. Chiến lược của sân khấu thời hội nhập là phải có một đội ngũ đạo diễn được đào tạo tại các nước có nền sân khấu phát triển, đồng thời phải đầu tư cơ sở vật chất tương ứng”.

    Đạo diễn Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM băn khoăn: “Trình độ giảng dạy của đội ngũ giáo viên chuyên ngành sân khấu quá kém, tính chuyên nghiệp của hoạt động sân khấu rất kém, không thể đòi hỏi có sự đột phá”.

    Sân khấu xã hội hóa cần sự định hướng nhưng phải thiết thực chứ không thể chỉ hô hào. Việc định hướng phải xuất phát từ việc đầu tư vốn. Vì sao ngân sách cứ rót cho các đơn vị công lập chỉ để dựng vở dự hội diễn rồi cất kho? Vấn đề ở chỗ khán giả bỏ tiền mua vé, họ phải được thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của mình.

    Thanh Hiệp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *