Đại sứ Knapper: Việt – Mỹ hiện thực hóa tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Người xem: 1107

Đại sứ Knapper cho rằng từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt về quan hệ Việt – Mỹ và hai nước đã hiện thực hóa điều đó bằng mức độ quan hệ hiện nay.

“Việc Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden là một diễn biến tuyệt vời, mang lại cảm giác trọn vẹn cho quan hệ hai nước”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper ngày 27/9 nói với VnExpress khi tới thăm khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên tại tỉnh Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo ông, điều này còn cho thấy tầm nhìn sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “hợp tác đầy đủ” giữa hai nước, được thể hiện trong lá thư gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman 77 năm trước.

Trong bức thư gửi Tổng thống Truman ngày 16/2/1946, Hồ Chủ tịch đã bày tỏ Việt Nam mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. “Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới”, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết. Tuy nhiên, ông Truman khi đó đã không phúc đáp thư của lãnh đạo Việt Nam.

Đại sứ Knapper cho rằng mong muốn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong thư cho thấy tầm nhìn xa về quan hệ song phương, bởi Việt Nam và Mỹ đã hợp tác cùng nhau từ năm 1945 chống lại chủ nghĩa phát xít trong Thế chiến II, với sự hiện diện của những cố vấn thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS), hoạt động tại chiến khu Tân Trào của Việt Minh trước Cách mạng Tháng 8.

“Chúng ta đã bắt tay nhau như những người bạn trong những năm tháng ấy tại Tuyên Quang”, ông bình luận. “Đáng tiếc rằng hai nước đã rẽ sang những hướng khác nhau trong gần 50 năm sau đó. Điều này cũng thường xảy ra trong tình bạn, nhưng cuối cùng hai người bạn đã trở về bên nhau”.

Đại sứ Knapper trả lời về tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quan hệ Việt – Mỹ. Video: Đức Hùng

Đại sứ Knapper nhấn mạnh rằng trong 28 năm qua, kể từ khi bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã không ngừng củng cố và mở rộng hợp tác song phương. Việc hai nước xác lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng chính là “hiện thực hóa tầm nhìn và trí tuệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiềm năng quan hệ Việt – Mỹ”.

Theo ông, nỗ lực hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh có vai trò rất lớn, là tiền đề để hai nước tiến đến bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, giúp xây dựng lòng tin và tạo nền tảng vững chắc cho hàn gắn, hợp tác song phương đạt tầm vóc như hiện nay.

“Người dân Mỹ rất trân trọng tinh thần nhân đạo, nhân văn của chính phủ và nhân dân Việt Nam khi hỗ trợ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh”, ông chia sẻ.

Đây cũng là nội dung hợp tác xuyên suốt trong quan hệ Việt – Mỹ trước lẫn sau khi bình thường hóa. Washington những năm qua tăng cường hỗ trợ Việt Nam xử lý bom mìn chưa nổ, thực hiện hai dự án xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hòa, đồng thời giúp đỡ những trường hợp chịu ảnh hưởng từ bom mìn và dioxin.

Mũi hợp tác mới giữa hai nước trong lĩnh vực này là hỗ trợ tìm kiếm và xác minh hài cốt bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh, trong đó Mỹ sẽ tiến hành theo hai hướng, gồm nghiên cứu tư liệu và phân tích di truyền, Đại sứ cho biết.

Các chuyên gia tư liệu, sử gia và nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được hỗ trợ tiếp cận tư liệu lưu trữ chính thức và không chính thức tại Mỹ, để xác định nơi chôn cất bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh. Sau đó, hai nước sẽ sử dụng công nghệ về nghiên cứu di truyền để xác minh danh tính liệt sĩ, đưa hài cốt họ về với thân nhân.

“Đây là nỗ lực của phía Mỹ để mang đến bình yên và thật sự khép lại quá khứ cho những gia đình các liệt sĩ Việt Nam đã ngóng chờ thông tin nhiều năm qua, như cách mà chính phủ và người dân Việt Nam đã nỗ lực để mang bình yên đến với gia đình của hơn 700 quân nhân Mỹ mất tích trong cuộc chiến”, ông nói.

Ông Knapper ngày 27/9 đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên, xã Kim Liên và Nam Giang, huyện Nam Đàn, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Nghệ An. Ảnh: Đức Hùng

Là con của một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, Knapper chia sẻ ông rất xúc động về những nỗ lực hàn gắn và củng cố quan hệ giữa hai nước. Ông nhắc lại rằng người bố quá cố của mình từng ba lần đến Việt Nam để thỏa mong ước được chứng kiến Việt Nam trong hòa bình và phát triển.

Đại sứ Mỹ kể lại rằng bố ông trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2004 đã gặp một số cựu chiến binh Việt Nam và gần như lập tức cảm thấy “tình cảm anh em, bằng hữu” với những người từng ở bên kia chiến tuyến.

Ông gọi đó là mối liên kết rất mãnh liệt mà có lẽ chỉ những người lính như bố mình và các cựu chiến binh có được. “Họ dường như có một ngôn ngữ riêng, theo cách mà những người chưa từng trải qua chiến trận không thể nào hiểu thấu”, Đại sứ nói.

“Tôi nghĩ nếu bố tôi được nhìn thấy Việt Nam ngày hôm nay, ông sẽ còn ấn tượng thêm bội phần”, ông bày tỏ. “Điều này chứng tỏ sức mạnh của sự hàn gắn, khi con người từ cả hai phía nỗ lực vượt bậc để tạo ra những chuyển biến lớn trong quan hệ song phương”.

Đại sứ Knapper thắp hương ở một khu mộ tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Vinh trong chuyến thăm và làm việc ở Nghệ An ngày 27/9. Ảnh: Đức Hùng

Đại sứ Mỹ nhận định hai nước sau khi nâng cấp quan hệ song phương sẽ duy trì những nỗ lực hàn gắn thời gian qua như cách để thể hiện sự trân trọng thành tựu mà các bên đã đạt được trong lĩnh vực này.

Ông cũng kỳ vọng hai nước sẽ tăng cường hợp tác thúc đẩy hệ sinh thái lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam, hợp tác giáo dục công nghệ cao cũng như giao lưu nhân dân.

“Đây đều là những lĩnh vực hợp tác ý nghĩa đối với cả Mỹ và Việt Nam, kết nối nhân dân hai nước và giúp Việt Nam đạt được các kỳ vọng đặt ra trong những thập kỷ tới”, ông nói.

Nguồn: Đức Hùng – Thanh Danh

Báo Vietnamnet

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *