Chuyện “Cầm nhầm” ở sân bay

Người xem: 1035

Ong Bắp Cày

Có thể người “Cầm nhầm” tài sản của người khác không biết tài sản đó là của ai, nhưng chắc chắn họ biết nó không phải của mình. Giá như họ “nhặt được” hay “cầm nhầm” tài sản của người khác rồi báo ngay cho nhân viên an ninh sân bay biết, thì hay biết mấy.

Sáng nay 22/10/2023, đọc bài “Nhặt ví tiền tại Nội Bài, bay đến Tân Sơn Nhất vẫn không thoát” đăng trên tờ Người Lao Động“, thấy một nam hành khách đã “Cầm nhầm” một chiếc ví da của một nam hành khách ở Quảng Bình, bên trong có hơn 4 triệu đồng cùng với 2 thẻ ATM khi đi qua điểm kiểm tra an ninh soi chiếu ở sân bay Nội Bài. Điều đáng nói là người “Cầm nhầm” đã không báo cho an ninh hàng không để trả lại người mất, mà tiếp tục bay và anh ta chỉ bị an ninh hàng không tạm giữ khi đến sân bay Cần Thơ.

Tôi chắc chắn, dù có giải thích như thế nào đi chăng nữa, thì người “Cầm nhầm” hẳn sẽ được một phen bẽ mặt.

Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hệ thống camera được trang bị đầy đủ tại các vị trí của nhà ga. Ảnh: NIA

Đây không phải lần đầu có người cầm nhầm tài sản của người khác khi di chuyển bằng máy bay.

Trước đó, hòm thư góp ý tại nhà ga quốc tế T2 của sân bay Nội Bài nhận được bức thư cảm ơn từ một nữ hành khách dành cho lực lượng An ninh soi chiếu quốc tế – Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài.

Chị kể, khi vừa hoàn thành thủ tục soi chiếu an ninh để lên chuyến bay VJ946 HAN-KHH đi KaoHsiung, chị tá hỏa khi không thấy chiếc điện thoại Oppo của mình đâu. Chị nhanh chóng quay lại nhờ sự giúp đỡ của nhân viên An ninh hàng không.

Tại thời điểm đó, anh Lê Hoàng Anh và Hồ Hoàng Nam – Đội An ninh soi chiếu quốc tế – Trung tâm An ninh hàng không Nội Bài đang trong ca trực. Hai anh đã ngay lập tức rà soát các khay và báo cho bộ phận trực camera giám sát an ninh để phối hợp.

Lực lượng an ninh hàng không đã nhanh chóng phát hiện chiếc điện thoại được một vị khách khác cầm nhầm, mang theo vào một nhà hàng ăn uống gần đó. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng An ninh hàng không đã gặp gỡ vị khách cầm nhầm và trao trả điện thoại lại cho chủ nhân.

Hôm 15/10/2023, một cô gái cũng đã “Cầm nhầm” một cách kín đáo chiếc đồng hồ của một vị khách Đài Loan ở khu vực soi chiếu tại Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài. Khi người quên đồng hồ trình báo, Đội Soi chiếu an ninh quốc tế trong ca trực, đã nhanh chóng phát hiện nữ hành khách đã “kín đáo” nhặt chiếc đồng hồ trong khay trước bỏ vào túi rồi “thản nhiên” đi về gate 31 để chờ lên máy bay. Chỉ khi “đấu tranh” cô gái này mới thừa nhận mình đã nhặt chiếc đồng hồ trên. Vụ việc ngay sau đó đã được lực lượng An ninh hàng không Nội Bài thông tin đến hãng hàng không và nhắc nhở vị khách nữ: “Chị đi ra nước ngoài, chị không chỉ đại diện cho hình ảnh của chị, của gia đình chị mà còn là hình ảnh của cả dân tộc Việt Nam. Rất mong chị hiểu để không lặp lại hành vi tương tự”.

Trước đó, này 20/9/2023, một nam hành khách người Ấn Độ cũng tình báo bị thất lạc một chiếc ví chứa giấy tờ tùy thân và 1,45 triệu đồng tại khu vực công cộng sảnh A, nhà ga T1 sân bay Nội Bài. Hành khách cho biết bị thất lạc ví khi làm thủ tục bay Hà Nội – Phú Quốc (cất cánh lúc 12h30 cùng ngày).

Ngay sau đó, an ninh hàng không Nội Bài đã truy vết hình ảnh từ hệ thống camera giám sát và phối hợp lực lượng An ninh hàng không Cần Thơ, phát hiện một nam hành khách đã cầm chiếc ví trên đi chuyến bay VJ 461 cất cánh từ sân bay Nội Bài đi sân bay Cần Thơ lúc 10h45 ngày 18/9. Với các chứng cứ bằng hình ảnh ở các góc quay khác nhau, người “Cầm nhầm” đã thừa nhận đã cầm chiếc ví thất lạc và trả lại cho nam hành khách Ấn Độ.

Cách đây không lâu, tôi đã đọc bài báo “Nhặt được đồng hồ ở sân bay, nhưng “quên” không trả, bị phạt 8.5 triệu đồng“, theo đó, một nam hành khách nhặt được chiếc đồng hồ Movado của một hành khách bỏ quên ở khu vực soi chiếu, rồi cứ thế đi ra cửa máy bay mà không thông báo cho lực lượng an ninh hàng không. Anh này sau đó, bị Cảng vụ Hàng không miền Nam tại Cần Thơ ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 8,5 triệu đồng. Theo Cảng vụ Hàng không miền Nam tại Cần Thơ, anh H đã có hành vi vi phạm hành chính: Trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, chiếm giữ trái phép đồ vật, thiết bị hoặc tài sản trong cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ này, giả sử, hành khách không báo mất, thì câu chuyện sẽ lại như vụ Việt kiều Mỹ bị mất chiếc Patek Philippe ở sân bay Phú Quốc. Vụ việc sẽ là miếng mồi béo bở để lũ ba que sỏ lá, cùng đám lưu manh chính trị xuyên tạc, bẻ lái tấn công vào chế độ và miệt thị người Việt Nam, kiểu như “Trộm không được đồng hồ của Việt kiều Mỹ ở phi trường Phú Quốc, công an phải trả lại” như tờ phản động có tên “Người Việt” đã đăng tải.

Không thể liệt kê hết các vụ “Cầm nhầm” tài sản đã được Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài làm rõ và trao trả lại cho người mất nhờ vào trình độ quản lý và phương tiện giám sát.

Được biết, hệ thống camera tại sân bay Nội Bài được trang bị đầy đủ tại các vị trí của nhà ga, lực lượng giám sát 24/7 và bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan, đơn vị, gần như mọi hành vi “cầm nhầm”, “thất lạc”… tài sản của hành khách đều được tiếp nhận, phát hiện, truy vết và bàn giao xử lý theo quy định. Các vụ việc không chỉ được xử lý tại sân bay Nội Bài mà ngay cả trong những trường hợp tài sản bị “cầm nhầm” di chuyển đến các sân bay khác cũng được các lực lượng an ninh hàng không truy vết và trao trả lại đầy đủ tài sản cho hành khách.

Cuối cùng, cần tự trọng và hiểu rằng, đại đa số các vụ “Cầm nhầm” mà không thông báo cho lực lượng an ninh hàng không để trả lại cho người mất đều là lỗi cố ý và là hành vi đáng xấu hổ. Người “Cầm nhầm” có thể không biết tài sản đó là của ai, nhưng chắc chắn họ biết nó không phải của mình. Vậy nên, khi “nhặt được” hay “cầm nhầm” tài sản của người khác thì hãy báo ngay cho nhân viên an ninh sân bay để mọi chuyện không đi quá xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *