Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa với kinh phí dự kiến 350.000 tỷ đồng khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới.
Ngày 9/10, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức họp báo thường kỳ quý III/2023.
Tại họp báo, đại diện nhiều cơ quan báo chí quan tâm tới Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với kinh phí 350.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong. (Ảnh: Trần Huấn)
Chia sẻ vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính Lê Hồng Phong nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được xây dựng nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam.
“Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa khi được ban hành sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới. Đồng thời, chương trình nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hóa bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.
Ông Lê Hồng Phong cho rằng, vì văn hóa là một lĩnh vực rất rộng, quan điểm tiếp cận đầu tiên khi thiết kế chương trình là ưu tiên những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để đầu tư, tránh dàn trải, cào bằng.
Bộ VHTT&DL đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tham vấn, xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa; đánh giá tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các đề án, dự án giai đoạn trước để có cơ sở cho những chương trình tiếp theo, đề xuất các nội dung đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, chương trình được thiết kế với tổng số 10 nội dung thành phần.
“Hiện giờ, việc triển khai nhiệm vụ này dừng ở bước xin chủ trương đầu tư; tổng hợp những nội dung, nhu cầu có tính cấp thiết từ các Bộ, ngành Trung ương, địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước để thẩm định chủ trương đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá trước khi trình Quốc hội”, ông Phong nói.
Về nội dung chi trả tiền thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, ông Lê Hồng Phong cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL và Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ và khẩn trương tiến hành các công việc cụ thể. Đến nay, toàn bộ thủ tục liên quan đến vấn đề tiền giải thưởng đã hoàn thành.
Vẫn làm các thủ tục để hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”
Trả lời câu hỏi của báo chí về lộ trình hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo, Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá Lê Thị Thu Hiền cho biết, liên tục từ tháng 10/2022 đến nay, đơn vị đã và đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để thông qua con đường ngoại giao văn hoá, tập hợp hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc của ấn vàng Hoàng đế chi bảo; đồng thời đàm phán, thương lượng để triển khai các bước tiếp theo đưa ấn vàng hồi hương.
Việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là sự kiện văn hoá nổi bật năm 2022.
“Chúng tôi vừa hoàn thành các thủ tục pháp lý, trong đó có hai giấy tờ quan trọng gồm giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Pháp và giấy xuất khẩu cổ vật ra khỏi Châu Âu. Thông qua đại diện phía Việt Nam và luật sư Hãng Million, các hồ sơ pháp lý về ấn vàng cũng như những nội dung liên quan đang được tích cực hoàn thiện trước khi bàn giao cho Việt Nam. Từ đó, có cơ sở cho chúng ta hoàn thành quá trình hồi hương hiện vật.
Dự kiến cuối tháng 10, các thủ tục liên quan cho việc hồi hương ấn vàng sẽ hoàn tất để phía Pháp có thể bàn giao lại cho Việt Nam”, bà Hiền cho hay.
Nguồn: Tình Lê
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố