Báo chí phải thông tin đúng bản chất sự việc

Người xem: 1055

Lâm Trực@

Sáng nay đọc được bài “Thông tin đúng bản chất: Bản lĩnh của nhà báo và cơ quan báo chí” đăng trên báo Pháp luật TPHCM. Phải nói rằng đây là bài hay, chất lượng, đi thẳng vào vấn đề trọng tâm và giải quyết được những bức xúc mà dư luận quan tâm.

Tôi hoàn toàn đồng thuận với nội dung của bài viết. Theo đó, “Với các vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt, định hướng dư luận. Trách nhiệm của người làm báo là phải giúp cho công chúng – dư luận nắm bắt kịp thời thông tin và hiểu đúng bản chất sự việc.”.

Tác giả MNP đã chỉ rõ nguyên tắc cơ bản và cao nhất của nghề báo: “Yêu cầu cao nhất về nghiệp vụ và đạo đức của một nhà báo là đưa tin đúng sự thật. Sự thật ở đây không chỉ là hiện tượng mà cao hơn là bản chất. Do đó, đưa tin đúng bản chất chứ không chỉ là đưa tin đúng hiện tượng – đây là nguyên tắc cao nhất khi thông tin một sự việc mà dư luận đang quan tâm”.

Là người đọc báo hàng ngày, tôi thấy về cơ bản, báo chí phản ảnh về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm khá chính xác, làm cho bạn đọc hiểu được đúng bản chất sự việc thông qua việc mô tả, phản ánh trung thực hiện tượng. Đã có nhiều bài báo rất hay, được bạn đọc đánh giá cao và góp phần không nhỏ vào việc dẫn dắt dư luận đi đúng hướng.

Tuy nhiên, trên thực tế cũng có nhiều bài báo chưa làm được điều này. Nhà báo chỉ mô tả hiện tượng, thậm chí cắt xén thông tin, cắt cúp diễn biến sự việc… mà không việc phân tích chỉ rõ bản chất vấn đề, khiến người đọc hiểu sai bản chất vụ việc và bị dẫn dắt theo hướng tiêu cực. Thậm chí, có những bài gây sốt dư luận, và “kích động thành công” những phản ứng tiêu cực từ người dân.

Chuyện một anh phóng viên bất chấp các quy định của pháp luật, phớt lờ cảnh báo của những người đang bảo vệ, khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông, đã xông vào hiện trường, làm mất đi những dấu vết vụ tai nạn, gây ảnh hưởng tới sự tập trung làm việc của Điều tra viên, ảnh hưởng tới quá trình điều tra… đã dẫn tới màn rượt đuổi, thượng cẳng chân hạ cẳng tay giữa cảnh sát hình sự với anh phóng viên (ảnh trên) đã được báo chí ghi lại. Nhưng thay vì phải mô tả đầu cuối sự việc và chỉ ra đúng vấn đề thì phóng viên đã cắt cúp toàn bộ phần đầu và phần cuối của câu chuyện, rồi đặt tiêu đề rằng, “Cảnh sát ngăn cản không cho phóng viên tiếp cận thông tin” hay “Người đánh phóng viên là công an?”… Cách viết bài như vậy là không trung thực và đã không phản ánh đúng bản chất sự việc. Hệ luỵ của nó như thế nào hẳn các bạn đã biết.

Một vụ khác xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh. Một anh công anh đang cố gắng khống chế một người bán hàng rong khi người này không chấp hành các yêu cầu về an ninh trật tự, dang chửi bới, xúc phạm lực lượng công an, rồi đùng tay đấm vào mặt anh cảnh sát…. Toàn bộ cảnh tượng đã được người dân ghi lại. Tuy nhiên, một phóng viên đã sử dụng clip bị cắt cúp đoạn đầu và đoạn cuối, rồi viết bài “Cú đấm hay cú đá đó không dành cho dân”. Bài viết đã gây ấn tượng mạnh, lôi kéo được nhiều người đọc. Nhưng thật tiếc, bài báo đã không phản ánh đúng bản chất sự việc, dẫn đến phản ứng tiêu cực từ người dân với lực lượng công an.

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ về tính trung thực, đạo đức và trình độ năng lực của người làm báo.

Thực tế, có “nhiều sự việc được báo chí đưa đúng về hiện tượng nhưng người đọc không được hiểu đầy đủ bản chất. Điều này xuất phát từ cách đưa tin đơn giản, thiên lệch, cách nhìn, nắm thông tin chưa bao quát của nhà báo, chưa đào sâu mà chỉ chạy theo sự kiện, lúc này chính nhà báo đang bị sự kiện và dư luận dẫn dắt. Thậm chí có không ít trường hợp vì áp lực cạnh tranh, áp lực thu hút bạn đọc, người viết đã cố ý chọn góc độ “giật gân” để đưa tin, cắt cúp câu nói, ý kiến phát biểu để câu view”. Chính vì thế, tác giả bài viết đã rất đúng khi nói rằng, “Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển, cùng một nội dung có thể có nhiều luồng ý kiến, nhiều cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau nên bản chất sự việc luôn là vấn đề gây ra tranh cãi. Do đó, báo chí phải luôn hướng tới bản chất sự việc, thay vì chỉ đưa tin theo hiện tượng mà không quan tâm nhiều đến cách hiểu, cách tiếp nhận của độc giả”.

Đạo đức của nhà báo không cho phép có sự lập lờ để cố tình dẫn bạn đọc, dư luận đến một cách hiểu khác. Đây cũng là thực tế đang xảy ra ở một số báo, trang tin điện tử mà Bộ Thông tin & Truyền thông cùng các cơ quan có liên quan đã và đang chấn chỉnh.

Cuối cùng, xin cảm ơn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh đã có một bài báo hay, viết đúng trọng tâm và thoả mãn những gì mà dư luận đang bức xúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *