Nhân vụ tuyến bay thẳng Hà Nội – Cà Mau bị dừng thí điểm, cơ trưởng Phú lại phải thông não về các đường bay ngách.
Anh em nào hay đọc Tân Hoa, hay các báo chí tiếng Trung khác, chắc chắn rất hay gặp một câu thành ngữ được báo chí Tàu trích dẫn trong các bài liên quan đến phát triển kinh tế hoặc xóa đói giảm nghèo nông thôn, đó là “Yêu tưởng phú, tiên tu lộ.”
Phú ở đây không phải Người Phố Cổ, mà là giàu có, còn lộ đương nhiên là đường vậy. Toàn câu có thể dịch đại khái là, “Muốn làm giàu, làm đường trước.” Nó là câu thành ngữ thiên cổ của người Trung Hoa – dân tộc xây đường cao tốc đầu tiên trên thế giới, chính là tuyến Hàm Dương – Lạc Dương từ thời Tần, mà tới hơn 2000 năm sau, cỏ vẫn không thể mọc được.
Các nền văn minh lớn đều nằm cạnh các con sông, ngoài lợi ích tưới tiêu thủy lợi cho nông nghiệp để có dân số đông đúc, thì nó còn chính là tuyến đường thủy quan trọng để phát triển kinh tế. Tương tự, cùng nằm trên một lục địa, nhưng Tây Âu phát triển hơn Đông Âu, do có biển, phát sinh các tuyến đường biển phục vụ thương mại viễn dương và xâm chiếm thuộc địa.
Đến thời hiện đại, khi máy bay được phát minh, thì tới lượt các thành phố, quốc gia may mắn nằm trên tuyến đường hàng không kết nối giữa 3 trung tâm kinh tế lớn là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á, đều dần dần quật khởi và ăn theo, trong khi bọn nằm quá xa các tuyến chính này từ từ lụn đi và chìm vào quên lãng.
Sự tụt lại phía sau của Nam Mỹ từ đầu thế kỷ 20, dù trước đó nhiều thời điểm giàu ngang Bắc Mỹ, một phần chính là vì lời nguyền địa lý của lục địa này, khi cho tới hiện tại, không có cách nào bay từ Trung Quốc, Nhật hay Hàn Quốc tới Nam Mỹ bằng một đường bay thẳng. Các doanh nhân Đông Á muốn di chuyển tới để làm ăn với khu vực này, thì cũng khó ngang với thuê được Messi đóng MV của Jack.
Quay lại vấn đề các đường bay ngách, việc các địa phương ồ ạt xây dựng sân bay trong các năm gần đây là điều tốt, tuy nhiên, để hình thành một mạng lưới đường không như xương cá trên một dải đất dài gần 3000km nhưng có nơi chiều rộng chỉ 50km, thì lại không đơn giản. Đối với hàng không mà nói, thì nó chỉ có ý nghĩa kinh tế khi khoảng cách đủ xa.
Ví dụ như bay Hà Nội – Hải Phòng sẽ không thể kinh tế bằng lái xe, thậm chí book taxi phi đường cao tốc, chưa kể tốn thời gian hơn do thủ tục tại sân bay. Tuy nhiên, đặc thù dài và hẹp của Đông Lào cũng lại là một lợi thế, khi số lượng cặp sân bay cách nhau trên 500km theo trục Bắc – Nam (khoảng cách phù hợp tối thiểu để bay có hiệu quả), là vô cùng lớn. Rất có tiềm năng phát triển các đường bay ngách nội địa.
Lợi ích kinh tế của các tuyến bay ngách có thể nói là vô cùng khủng khiếp đối với các địa phương. Khi tuyến bay thẳng Hà Nội – Cà Mau được Bamboo Airways thí điểm vào trước dịp 30/4, hàng trăm nghìn du khách Hanoi đã tràn xuống tỉnh cực Nam này để du lịch kỳ nghỉ lễ. Anh em Cà Mau chồng hấp cua Năm Căn, vợ nướng cá Thòi Lòi, bán như phá mả từ tinh mơ đến nửa đêm chưa kịp đếm tiền. Lượng du khách đến Cà Mau dịp lễ này tăng trưởng 267%, doanh thu du lịch tăng từ 77 tỉ lên 163 tỉ so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, thực tế đây là một đường bay không hiệu quả về kinh tế, thậm chí lỗ vốn, khi sân bay Cà Mau không đủ tiêu chuẩn để bay đủ tải, khiến Bamboo Airways phải bay với non nửa là ghế trống để đảm bảo chịu tải của đường băng và chịu bù lỗ. Kế hoạch nâng cấp đường băng đã được phê duyệt, tuy nhiên tới thời điểm này, vẫn chưa được tiến hành sửa chữa xong xuôi. Đầu tháng 8/2023, quá trình thí điểm tuyến bay này đã bị dừng lại, khiến anh em làm du lịch Cà Mau khóc lụt cả ủy ban Tỉnh. Cả chính quyền Cà Mau lẫn ACV đều viết huyết-thư gửi lên bộ GTVT xin cho phép tiếp tục khai thác thí điểm tuyến bay này nhưng chưa được reply, dù trước đó các chuyên gia đã soi từng mét asphalt trên đường băng, và kết luận, quá trình khai thác tuyến bay bằng máy bay E1190 của Bamboo không gây hư hại bất thường gì cho đường băng cả.
Hiện giờ du khách Hanoi muốn tới Cà Mau, thay vì bay thẳng hơn 2 tiếng như trước, thì lại quay về đáp tàu bay ở Cần Thơ, rồi ngồi xe đò thêm 6 tiếng mới được nhìn thấy chim tung cánh trên rừng U Minh Hạ, khiến nhiều người say no không cần suy nghĩ. 6 tiếng ngồi xe nếu ở Hanoi thì đủ làm một quick tour tới Sầm Sơn nhúng nước, ngắm biển, ăn 3 con ghẹ rồi vẫn kịp lên xe về bằng đường cao tốc, chưa kể không phải bay đi đâu. Thay đổi nhỏ về lượng này, dẫn tới thay đổi lớn về chất, chắc chắn nếu tuyến bay thẳng này bị hủy vĩnh viễn, thì hầu hết du khách Hanoi sẽ không đến Cà Mau nữa mà sẽ chọn một điểm đến khác hợp lý hơn.
Nhìn chung, giao thông luôn là mạch máu, và giao thông đường không thì là máu xịn nhóm O, vì nó chuyên chở những người có khả năng chi tiêu nhất định. Địa phương nào không khai thác được các đường bay ngách, thì cũng như thằng bệnh thiếu hemoglobin mãn tính, không chết nhưng dặt dẹo, không cách nào phát triển được du lịch, kinh tế, và đầu tư. Sẽ luôn có ai đó có nhu cầu bay đi đâu đó, nhưng để biến nhu cầu thành chốt hạ, thì lại phụ thuộc vào khi tra cíu trên trang đặt vé, có tìm được đường bay thẳng đến đó hay không, mà thôi.
Quả là:
Bay thẳng tuyến, trăm đường tiện lợi
Giờ ngồi xe, chờ đợi mỏi mòn,
Giàu hay khố rách áo ôm,
Không đường bay thẳng, dí lon họ đi.
Nguồn: Phú Ngẫn Phố Cổ
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả