Sim rác, tài khoản rác và “vòi bạch tuộc” của tội phạm công nghệ cao

Người xem: 229

Mua bán dữ liệu cá nhân, sim rác, kẽ hở trong mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, và sự thiếu cảnh giác của người dân đã “tiếp tay” cho tội phạm công nghệ cao.
 
“Vòi bạch tuộc” tội phạm công nghệ cao vươn dài, lan rộng
 



Công an tỉnh Quảng Bình vừa triệt phá một đường dây tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính. Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Đại tá Nguyễn Hữu Hợp cho hay, đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài và xuyên quốc gia. Tổ chức tội phạm này do nhóm đối tượng người Trung Quốc lập ra, các đối tượng người Việt Nam giúp sức để tuyển dụng, quản lý, chỉ đạo hàng trăm nhân viên người Việt Nam làm việc tại Camphuchia để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ yếu là người Việt.

 
Theo đó, các đối tượng quản lý cung cấp cho những đối tượng được thuê, là người Việt Nam máy tính, sim rác, tài khoản mạng xã hội và lừa đảo khách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng Việt Nam do đối tượng người Trung Quốc chỉ định.
 
Với chiêu thức giả danh nhân viên công ty tài chính một cách bài bản, đường dây này đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân cả tin.
 
Trong thời gian qua, số vụ lừa đảo trên không gian mạng liên tục tăng cả về số lượng và quy mô vụ việc.
 
Các nhóm tội phạm công nghệ cao ngoài lợi dụng sự “tiếp tay” vô tình của người dân qua sự thiếu cảnh giác, thiếu hiểu biết về công nghệ; thì còn có sự “tiếp tay” cố ý của những nhóm đối tượng mua bán dữ liệu cá nhân, kẽ hở trong mở tài khoản ngân hàng để thực hiện trót lọt hàng nghìn vụ lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của người dân.
 
Chị Th. (trú tại quận Hải Châu, Đà Nẵng) bùi ngùi kể lại giây phút “thoáng qua” nhưng khiến chị “bay” mất trên 2 tỷ đồng. Cách đây không lâu, zalo của một người chị ở bên Mỹ gọi về bằng hình ảnh, bảo là có mối làm ăn, đầu tư này rất có lãi, giờ cần chuyển tiền để trả bảo hiểm trước. Chỉ vài giây nói xong thì tắt máy, sau đó chát qua zalo. Là chỗ thân thiết làm ăn thân thiết lâu nay, cũng có một số lần tham gia đầu tư có lãi, nên chị Th. tin tưởng. Sau nhiều lần chuyển tiền với tổng số liền lên đến hơn 2 tỷ đồng, chị Th. mới thấy khả nghi và biết mình bị lừa. Trình báo cơ quan công an TP. Đà Nẵng, bước đầu xác minh số tài khoản chị chuyển tiền vào của đối tượng lừa đảo mua tài khoản của các đối tượng khác, nhưng các đối tượng lừa đảo đều ở nước ngoài.
 
Sim rác, tài khoản rác và “vòi bạch tuộc” của tội phạm công nghệ cao
 
Những kẽ hở “tiếp tay” cho tội phạm công nghệ cao
 
Các vụ lừa đảo trên đều có đặc điểm: Số điện thoại gọi điện là sim rác, tài khoản ngân hàng là tài khoản thực của người Việt Nam nhưng khi điều tra ra thì người đứng tên tài khoản không đề hay biết mình có tài khoản ngân hàng.
 
Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều biện pháp, chế tài để xử lý sim rác, ngân hàng cũng đã có nhiều biện pháp tăng cường quản lý tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục nghìn sim rác và tài khoản rác được tạo ra.
 
Ngày 31/8, Công an TP. Đà Nẵng cho biết Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Đà Nẵng phối hợp với công an quận Liên Chiểu vừa triệt phá thành công 2 đường dây mua bán dữ liệu cá nhân của hơn 30.000 người (2 đường dây lần lượt do Phan Văn Luân (SN 1997) và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1993), cùng quê quán tại Thừa Thiên Huế cầm đầu). Tại thời điểm bắt quả tang, đã có hơn 30.000 sim rác, tài khoản ngân hàng khác nhau được 2 nhóm tội phạm này tạo ra và có thể giao dịch bình thường. Các nhóm đối tượng này sau khi tạo sim rác, tài khoản ngân hàng thì bán lại để thu lợi bất chính. Chính đây là những đầu mối cung ứng “vật tư, thiết bị” sim rác, tài khoản ngân hàng cho tội phạm công nghệ cao lừa đảo.
 
Theo Công an TP. Đà Nẵng, qua điều tra cho thấy, phần lớn các ảnh chân dung các cá nhân có hậu cảnh là các siêu thị điện máy của các thương hiệu lớn. Khả năng cao do các tổ chức hoặc cá nhân của tổ chức tín dụng cho vay trả góp tại các siêu thị điện máy bán thông tin cá nhân của công dân khi các cá nhân này có hoạt động vay hoặc mua thiết bị điện tử trả góp.
 
Câu hỏi đặt ra là: Vậy thông tin ở đây sao lại đến tay các nhóm đối tượng như nhóm của Luân, Hiếu? Do công tác bảo vệ dữ liệu của các tổ chức tín dụng cho vay trả góp, các tổ chức có hoạt động thu thập xử lý dữ liệu cá nhân chưa cao hay có hành vi mua bán, tiếp tay của những người trong hoạt động cho vay trả góp cho các đối tượng trên.
 
Bên cạnh đó, trong bối cảnh công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ (Fintech), các ngân hàng đều đồng loạt cho mở tài khoản trực tuyến. Đây là “miếng bánh” để các ngân hàng cạnh tranh khách hàng mới khi người dùng có thể dễ dàng mở tài khoản mà không phải đến ngân hàng. Mặc dù các ngân hàng đã có nhiều bước để xác minh khi mở tài khoản mới, nhưng cũng chính sự dễ dàng thuận lợi khi không có biện pháp kiểm tra đối chứng và xác thực việc mở tài khoản đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng lợi dụng đăng ký hàng loạt tài khoản ngân hàng một cách dễ dàng.
 
Ngoài ra, việc nhà mạng bán thẻ sim đã kích hoạt với thông tin không đúng và không chính chủ đã giúp các đối tượng lợi dụng mua bán, cho thuê sim số lượng lớn để nhận mã OTP và đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử.
 
Hiện công nghệ đang phát triển từng phút, từng giây phục vụ cuộc sống người dân tiện ích hơn, các giao dịch trực tuyến cũng hỗ trợ người dân thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên, biên cạnh mặt tích cực, cần thiết có những biện pháp, chế tài xử lý nghiêm hơn đối với những vụ rò rỉ, mua bán dữ liệu cá nhân trục lợi; lực lượng công an cần có những biện pháp nghiệp vụ sâu hơn để nhanh chóng hơn triệt phá các vụ lừa đảo trên không gian mạng. Trên hết, cần có những những biện pháp để siết chặt hơn quản lý tài khoản sim điện thoại; tăng tính xác thực khi mở tài khoản ngân hàng trực tuyến và người dân cần tăng cường cảnh giác hơn, có như vậy mới có thể “chặt dứt” các “vòi bạch tuộc” của tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng.
 
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn- Công ty Luật TNHH ATG, Đoàn luật sư Đà Nẵng cho rằng, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng thường đi theo nhóm cụ thể và có kế hoạch bài bản từ trước. Các thủ đoạn mà đối tượng hay sử dụng để lừa đảo như: Gọi điện báo vi phạm giao thông, báo tài khoản ngân hàng bị phong toả, đang nợ thuế, đang liên quan đến một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được nhận một món quà từ nước ngoài, tài khoản đầu tư sinh lợi lớn… khiến nạn nhân hoảng sợ hoặc vui mừng, tin tưởng mà làm theo. Sau đó, các đối tượng đưa nạn nhân vào bẫy, buộc chuyển tiền hoặc đưa thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tài để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, nhất là có yếu tố nước ngoài như đối tượng cầm đầu ở nước ngoài, máy chủ ở nước ngoài… gây khó khăn cho quá trình điều tra.
 
Thành Long – Bình An

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *