Đã 3 ngày trôi qua sau vụ cháy đêm 12/9, rạng sáng 13/9 tại chung cư mini phố Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội), anh Phạm Quốc Việt – người tham gia hỗ trợ lực lượng cứu hộ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Nhiều người hỏi anh Việt “có sợ không?”, anh bảo, đối diện với cái chết thường xuyên nhưng anh chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình sẽ phải chạm tay vào nhiều người chết đến như thế chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ.
1h30 phút ngày 13/9, khi ngọn lửa đã được khống chế, lực lượng cứu hộ bắt đầu lên kế hoạch di dời các nạn nhân. Sau khi trao đổi và xin phép lực lượng cứu hoả, nhóm của anh Việt – Đội Sơ cứu nạn nhân tai nạn giao thông FAS Angel được phép vào trong toà nhà, hỗ trợ tìm kiếm và đưa các nạn nhân thoát ra ngoài.
12 thành viên nhóm anh bắt đầu thay phiên nhau vào phía trong toà nhà, những người còn lại hỗ trợ lực lượng cứu hoả ở vòng ngoài. Đã quen với việc tiếp xúc với thương vong, anh yêu cầu các thành viên không sử dụng điện thoại khi bước vào trong, để tôn trọng các nạn nhân tuyệt đối.
Mặc dù ngọn lửa đã tắt, nhưng trời tối, không gian mù mịt khói, đồ đạc ngổn ngang, dây rợ ngang dọc… vẫn khiến cho việc tìm kiếm và đưa người xuống không hề dễ dàng.
Anh Phạm Quốc Việt đã tham gia di dời các nạn nhân ra khỏi hiện trường vào đêm xảy ra hoả hoạn. Ảnh: NVCC
“Toàn bộ tầng 2, tầng 3 không còn ai sống sót, chỉ còn thi thể của những người không thể chạy thoát, mọi thứ cháy đen. Chúng tôi phải trùm chăn lên họ, đánh dấu vị trí có thi thể. Lên đến tầng 4, tầng 5, tôi mới gặp người còn sống. Tôi đưa 3 người đầu tiên xuống, bàn giao cho lực lượng cứu hộ đón sẵn phía dưới, rồi lại tiếp tục quay lên tìm kiếm nạn nhân. Những người sống sót tiếp theo là gia đình 7 người, trong đó có cụ ông 81 tuổi mà báo chí đã nhắc tới nhiều”.
Tại hiện trường, mọi thứ ngổn ngang, đổ nát, không thiếu những vị trí nguy hiểm đến tính mạng. Anh Việt phải dò dẫm và ghi nhớ từng vị trí để hướng dẫn người dân bước xuống sao cho an toàn. Người bị thương, trẻ nhỏ được các anh cõng xuống. Người lớn cũng được dặn dò cẩn thận, hãy cứ đi về hướng có ánh sáng, đừng nhìn ngó xung quanh. “Bàn tay tôi đã chạm vào không biết bao nhiêu người sống, người chết”.
Khi lên tới tầng 6, anh kiểm tra dấu hiệu sống của những người đang nằm trên sàn. Những người đầu tiên không thấy ai còn sống. Bất chợt, một cánh tay túm lấy chân anh, khiến anh giật mình. “Hoá ra là người phụ nữ vẫn còn sống. Tôi nhanh chóng đưa chị xuống cho lực lượng bên dưới. Về sau, khi nhìn thấy chị trong bệnh viện, đang được bác sĩ thăm khám, tôi rất mừng vì biết chị đã ổn” – anh Việt chia sẻ.
Nhưng cảnh tượng đau thương nhất mà anh và lực lượng cứu hộ chứng kiến là khi bước lên đến tầng 8. Anh lặng đi trong giây lát, rồi cất tiếng hỏi “còn ai không?”. Nhưng đáp lại anh, chỉ là sự im lặng đến rợn người.
“Hàng chục người ôm chặt lấy nhau, dường như đang muốn che chắn cho người thân của mình khỏi tử thần… Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh đó. Đó là thảm cảnh mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp phải trong cuộc đời”.
Khi hướng dẫn những người còn sống đi xuống dưới, anh dặn những đứa trẻ hãy nhắm mắt lại vì không muốn chúng bị ám ảnh về những gì mình đã nhìn thấy đêm hôm đó.
50 đôi găng tay chuyên dụng được anh mang theo đã được dùng hết. Bàn tay anh, vì chạm vào quá nhiều thứ hoá chất tại hiện trường, cũng bị ảnh hưởng đến tận hôm nay.
Mỗi lần tiếp cận các nạn nhân, anh đều cố gắng ghi nhớ những đặc điểm nhận dạng của họ. Đến khoảng 5-6h sáng, anh nhận được nhiều cuộc gọi hỏi có thấy người này, người kia không… “Tôi vẫn nhớ hết những đặc điểm ấy, nhưng không dám nói… Tôi chỉ bảo mọi người rằng hãy tìm người thân ở các bệnh viện. Nếu bệnh viện không thấy thì tìm đến các nhà xác”.
Anh Việt tâm sự, có thể những gì anh nói ra quá đau đớn, nhưng anh thực sự mong mỏi rằng, sau vụ cháy này, tất cả chúng ta hãy rút ra cho mình những bài học, hãy củng cố những kỹ năng chưa có.
Có một cảnh tượng mà anh băn khoăn mãi, đó là cảnh 7 thi thể nằm đè lên một chiếc xe đạp trẻ con ở chiếu nghỉ giữa tầng 6 và tầng 7. “Tôi đoán chiếc xe đạp gây vướng chân các nạn nhân, khiến họ ngã đè lên nhau và ngạt khói ngay tại đó. Tôi tự rút ra cho mình bài học không nên để đồ đạc bừa bãi ở lối đi, đề phòng tai nạn xảy ra”.
“Hay có một nạn nhân sau khi chúng tôi tiếp cận được, vẫn cố quay lại lấy tiền tiết kiệm. Tôi phải lớn tiếng để nạn nhân ý thức được rằng mình đang trong tình trạng nguy hiểm”.
“Đôi khi, chúng ta đọc được những vụ tai nạn trên báo đài. Đau thương đấy, nhưng chúng ta vẫn nghĩ nó ở đâu đó ngoài kia, nó sẽ không xảy ra với mình”.
Mấy ngày nay, báo chí và dư luận nhắc nhiều đến nỗi đau của những người trong cuộc, đến trách nhiệm của các bên liên quan. Nhưng với anh Việt – người thường xuyên chứng kiến sự ra đi của những con người mới phút trước còn khoẻ mạnh, anh cho rằng hãy nhìn vào những điều tích cực hơn – đó là những người còn sống.
“Hãy nhìn vào đó để sống tiếp và xem chúng ta đã sai ở đâu, để sửa ở đó. Hãy có trách nhiệm với chính bản thân mình bằng cách trang bị thật tốt những thiết bị và kỹ năng an toàn”.
Nguồn: Nguyễn Thảo/ Báo Vietnamnet
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA