Ngành y là ngành nhạy cảm, theo nghĩa bóng vì đang được xã hội quan tâm nhiều, nhưng còn cả theo nghĩa đen, vì có nhiều tình huống tiếp xúc với người bệnh thật khác thường.
Thầy thuốc, do yêu cầu nghề nghiệp đòi hỏi, phải tiếp xúc cơ thể của người bệnh nhiều hơn bất kỳ nghề nghiệp nào khác. Người bệnh nằm trong phòng hồi sức hoàn toàn không mặc quần áo gì, trên người chỉ che bằng một tấm vải mỏng, vì dây dợ gắn đầy người, rồi còn phải thăm khám làm thủ thuật bất kỳ lúc nào. Người bệnh nhẹ hơn thì cũng mặc quần áo bệnh viện rộng rãi để dễ dàng bộc lộ khám bệnh khi cần.
Người bệnh khám ngoại trú cũng nhiều khi cần phải bộc lộ cơ thể khi khám bệnh, khi chụp chiếu. Nhiều khi người bệnh được yêu cầu phải cởi bỏ toàn bộ quần áo để bác sĩ quan sát đánh giá những bất thường nào đó.
Chính vì công việc khác thường như vậy nên dễ xảy ra hiểu nhầm. Gần như năm nào cũng nghe vài vụ như vậy trên truyền thông. Mới đây là vụ nhân viên bị tố sàm sỡ thiếu nữ ở Bệnh viện Việt Đức, thực hư như thế nào xin chờ nhà chức trách kết luận, nhưng tại sao lại có những thông tin liên quan đến bác sĩ, nhân viên ngành y như vậy?
Bệnh viện Việt Đức cho biết, đã nộp toàn bộ thông tin liên quan tới công an, đề nghị phía công an điều tra làm rõ. Trong bản tường trình, cả sinh viên, ekip trực đều khẳng định không có hành vi sàm sỡ như tố cáo (Ảnh chụp màn hình clip tố cáo).
Vì đặc điểm của nghề nghiệp, nên nếu không giải thích kỹ, dễ gây ra hiểu lầm là người thầy thuốc lạm dụng. Chưa kể môi trường bệnh viện, khung cảnh của buồng chụp chiếu biệt lập, làm tăng cảm giác lo sợ của người bệnh, tăng tính nhạy cảm lên…
Không phải tôi bao che cho đồng nghiệp nhưng thật sự đại đa số các vụ ầm ĩ những năm qua là do hiểu nhầm. Vì người làm trong ngành y được giáo dục rất kỹ về việc tôn trọng nhân phẩm của người bệnh; và ai cũng hiểu nếu vi phạm dễ “mất nghề” như chơi. Tất nhiên không loại trừ có thể có một số rất ít có hành vi không đúng mực với người bệnh. Điều này có gặp ở cả Việt Nam lẫn trên thế giới.
Vấn đề là thiểu số rất nhỏ này làm vấy bẩn ngành y, làm cho sự lo lắng của người bệnh có cơ sở. Làm sao để phân biệt được người ngay và kẻ gian. Rõ ràng là không thể chỉ bằng lời nói, mà phải bằng các quy trình làm việc cụ thể cùng các thiết bị vật dụng hỗ trợ. Các quy trình này cũng không thể ngay một lúc mà đầy đủ được, mà cần bổ sung liên tục theo thực tế công việc.
Ở Việt Nam, việc tôn trọng sự riêng tư của người bệnh đã có nhiều tiến bộ rõ rệt trong thời gian qua. Ban đầu là phòng khám cấp cứu cứ thông thống, giường bệnh nọ nhìn thấy hết giường bệnh kia. Ai cũng thấy là không tôn trọng riêng tư gì cả, nhưng được cái là thầy thuốc dễ quan sát bao quát chung, có gì bất thường là biết ngay. Nhưng rồi yêu cầu của người bệnh được nâng lên, bây giờ hầu hết các phòng khám đều có rèm che chắn riêng cho từng giường bệnh.
Nhưng khi có rèm che riêng từng giường lại nẩy sinh vấn đề mới. Ở bệnh viện tôi làm trước kia, có bác sĩ đang khám cho một người bệnh nữ thì bị la toáng lên là sàm sỡ. Vụ việc ầm ĩ lên cả báo chí nhưng cũng không đi đến kết luận được gì vì trong rèm khám đó chỉ có bác sĩ và bệnh nhân. Sau vụ đó bệnh viện bổ sung quy định là khi khám bệnh phải có thêm một điều dưỡng đứng chứng kiến. Thế là lại tăng số điều dưỡng lên. Số nhân viên tăng thêm đó ai trả lương?
Đến khi công nghệ camera phổ biến thì đúng là một giải pháp mà nhiều bác sĩ, nhân viên ngành y chờ đợi. Tất cả khu vực nhạy cảm của bệnh viện được gắn camera, khi có vụ việc gì thì chỉ cần kiểm tra (check cam) là rõ trắng đen.
Camera đã cứu cho nhiều đồng nghiệp. Bản thân tôi cũng nhờ camera mà thanh minh được nhiều vụ việc. Có một bệnh nhân bị bệnh tim, một hôm đang ngồi trên giường thì đột tử. Chúng tôi cấp cứu ngay nhưng không được vì người bệnh tuổi cao. Tuy nhiên người nhà bắt đền là do bệnh viện tiêm thuốc bị sốc thuốc. Nhờ có camera mà người nhà thấy rõ lúc đó không hề có tiêm hay truyền gì, người bệnh đang ngồi nói chuyện thì đột nhiên gục xuống. Và cũng nhờ có camera mà người nhà còn thấy chúng tôi đã cấp cứu nhanh và tận tình như thế nào, nên đã hóa giải được thắc mắc.
Camera gắn ở phòng cấp cứu, phòng khám, phòng chụp chiếu cũng giúp bảo vệ cho thầy thuốc khỏi hiểu lầm hoặc thậm chí là bạo lực. Thật vậy, chỉ cần nói “phòng có gắn cam đấy”, là các đối tượng hung hãn đã phải suy nghĩ lại trước khi để cảm xúc tiêu cực dẫn lối. Camera gắn trong phòng bệnh còn giúp thầy thuốc kiểm soát sự chăm sóc người bệnh chu đáo hơn.
Có một hôm, một ông chồng đi theo chăm nuôi vợ nằm viện bỗng chửi té tát một điều dưỡng viên là “mày ăn cắp thuốc của vợ tao”. Hỏi kỹ ra thì ông chồng này cho biết là vợ mình hôm nay không được tiêm kháng sinh. Điều dưỡng kia thì bảo cháu vừa tiêm rồi, còn ông kia bảo “tao không nhìn thấy”. Cuối cùng phải mời ông ấy xuống phòng đặt máy chủ để “check cam”, thì thấy rõ điều dưỡng kéo xe tiêm đến đầu giường, lấy lọ thuốc ra pha rồi tiêm tĩnh mạch. Tất cả các thao tác ấy rất nhanh gọn, đến nỗi ông chồng chỉ quay đi làm việc gì đó thì khi quay lại đã tiêm xong rồi!
Tất nhiên điều dưỡng ấy cũng bị phê bình vì trước khi tiêm không trao đổi với người bệnh theo đúng quy trình tiêm truyền.
Tuy nhiên, gắn camera trong phòng chụp chiếu chưa chắc đã là giải pháp tối ưu. Những hình ảnh nhạy cảm mà camera ghi lại khi đó, nếu bị phát tán ra ngoài còn nguy hiểm hơn. Lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Gắn camera thì làm yên tâm ban đầu cho người bệnh, nhưng lại gieo cho họ nỗi lo lâu dài, là hình ảnh nhạy cảm của mình đó giờ đang nằm trong tay ai, có nguy cơ lọt ra ngoài không?
Để giải quyết tình trạng này, có bệnh viện đưa ra giải pháp là mời người nhà cùng vào chứng kiến khi chiếu chụp. Đây cũng chưa hẳn là cách hay, vì làm phức tạp thêm quá trình chụp chiếu. Chưa kể nếu phương pháp này mà phổ biến, thì đến một lúc nào đó, người nhà sẽ đòi vào xem tất cả thủ thuật phẫu thuật. Tôi đã thấy ớn lạnh khi tưởng tượng ra cảnh mình “vừa đặt nội khí quản cho bệnh nhân vừa canh chừng người nhà đang đứng bên cạnh, không biết sẽ nện mình lúc nào”. Vì ai làm trong cấp cứu thì biết, thủ thuật đặt nội khí quản nhiều khi nhìn khá là thô bạo. Rồi còn biết bao thủ thuật khác nữa…
Trong khi chờ có giải pháp kỹ thuật nào hoàn hảo hơn, tôi thấy trước mắt các bệnh viện cần tuyệt đối tuân thủ các quy trình thăm khám đang có. Chỉ như vậy thôi cũng đã hạn chế được khá nhiều vụ việc. Tiếp đến là các trừng phạt thật nghiêm khắc, không bao che, nếu như có vi phạm thật đã xảy ra. Cuối cùng là quy luật đào thải của thị trường với những cá nhân hay tập thể nào vướng vào các vi phạm. Tất cả những điều đó sẽ mang lại cho người bệnh sự an tâm khi đến cơ sở y tế.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục Tình yêu và Cuộc sống mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Liên quan vụ người nhà bệnh nhân tố cáo bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sàm sỡ trong lúc khám bệnh, mạng xã hội những ngày qua lan truyền hình ảnh được cho là nội dung tin nhắn giữa gia đình bệnh nhân và bác sĩ bị tố cáo.
Theo đó, người bị tố cáo trình bày bản thân là sinh viên thực tập tại bệnh viện. Quá trình thăm khám cho bệnh nhân, sinh viên này thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên bệnh viện, theo đúng quy trình chuyên môn…
Ở phía đối diện, người nhà bệnh nhân yêu cầu phải đưa 30 triệu đồng. Nếu không, “tao sẽ cho mày ra pháp luật về tội sàm sỡ bệnh nhân chưa đủ tuổi vị thành niên”, nội dung hình ảnh thể hiện.
Những nội dung trên, nguồn tin của phóng viên Dân trí cho biết, Công an phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã tiếp nhận và chuyển lên Công an quận Hoàn Kiếm để điều tra.