Luận điệu xuyên tạc đề án nhà ở xã hội

Người xem: 389

Điều 59, Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”. Hiện nay, Chính phủ đang tích cực triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tạo điều kiện về nhà ở cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, một số đối tượng xấu lại cố tình xuyên tạc, đưa ra những quan điểm sai trái nhằm mục đích chống phá.

Vừa qua, cái gọi là “Việt Nam thời báo” do “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” (một hội, nhóm “dân chủ” núp danh báo chí để chống phá đất nước) điều hành đã tung ra bài viết “Nhà ở xã hội: ảo tưởng hại dân hại nước”. Ngay từ tiêu đề, chúng ta đã dễ dàng cảm nhận được “mùi dân chủ”. Như thường lệ, nội dung bài viết đầy rẫy các quan điểm, nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện, sai trái, lệch lạc liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Chúng cho rằng “đề án này chỉ là cái cớ để cho quan chức làm giàu”, “dân càng khổ, nước càng nghèo, quan càng giàu nhờ rửa tiền, thổi giá nhà đất”, “khi một triệu căn nhà hoàn thành thì sẽ không thể bán được cho công nhân và cũng rất khó có thể bán được cho ai trong bối cảnh kinh tế hiện nay”… Bằng những luận điệu vô lý và kệch cỡm này, chúng đổ lỗi cho rằng chế độ cộng sản đã “làm nghèo” người dân (?!). Thậm chí, chúng còn cho rằng việc xây dựng nhà ở xã hội là không cần thiết, không hiệu quả, không giúp gì được cho người dân… (?!). Đây là những quan điểm không thể chấp nhận.

Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nhà nước ta khẳng định rõ quan điểm có chỗ ở thích hợp và an toàn là một trong những quyền cơ bản, là điều kiện cần thiết để phát triển con người một cách toàn diện, đồng thời là nhân tố quyết định để phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước. Đồng thời, nhấn mạnh việc phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân. Do đời sống xã hội có sự phân hóa nên Đảng, Nhà nước ta đã triển khai các chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Chính sách này thể hiện rõ bản chất nhân văn của Nhà nước ta và đồng thời cũng góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Dân gian Việt Nam có câu “an cư, lạc nghiệp” với ý nghĩa phải ổn định về nơi ở mới có thể yên ổn để chuyên tâm làm việc, gây dựng sự nghiệp. Trên cơ sở xác định phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là trách nhiệm, nghĩa vụ và đạo đức của người làm quản lý nhà nước, quản lý xã hội, của các doanh nghiệp và người dân, ngày 3-4-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”. Mục tiêu của đề án là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Để đạt mục tiêu đề ra, cùng với việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế, pháp luật, Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai đề án. Theo dự kiến, trước mắt, Nhà nước sẽ triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp hơn khoảng từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung, dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để người dân được sở hữu nhà ở.

Thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội của người dân hiện nay là rất lớn. Tại diễn đàn Người lao động năm 2023 được tổ chức tại Nhà Quốc hội vào ngày 28-7 vừa qua, rất nhiều đại biểu là người lao động đã thể hiện sự quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Chị Đào Thị Loan, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Hài Mỹ, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Gần đây, tôi rất mừng khi được biết Chính phủ có đề án xây 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp. Đặc biệt, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận, đã cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là tin vui đối với công nhân, nhưng tôi vẫn lo lắng các doanh nghiệp chưa mặn mà với nhà ở xã hội”. Nói vậy để thấy, việc xây dựng nhà ở xã hội không chỉ là “ý Đảng” mà còn đáp ứng “lòng dân”. Vậy hà cớ gì các “nhà dân chủ” lại cố tình xuyên tạc?

Bản chất của đề án xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là đúng đắn và vô cùng nhân văn. Tuy nhiên, qua lăng kính của các “nhà dân chủ”, việc tốt đã bị biến thành xấu, việc đúng bị biến thành sai, sự thật bị đảo điên. Dù luôn miệng kêu gào đấu tranh vì sự phát triển của mọi người nhưng những gì đã và đang thể hiện lại cho thấy các “nhà dân chủ” chính là kẻ phá đám, chuyên “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, đi ngược lại lợi ích của mọi người. Thế mới thấy, trong tư duy của những kẻ này không bao giờ có người dân, có cộng đồng. Điều mà chúng hướng đến là chống phá chế độ, chống phá Đảng, chống phá đất nước. Để đạt được mục tiêu này, chúng sẵn sàng bán rẻ nền hòa bình, độc lập của dân tộc; sẵn sàng “nhận giặc làm cha”, a dua theo những thói “dân chủ” kệch cỡm!

Nguồn: Trần Tú
Báo Bình Phước.

 

One thought on “Luận điệu xuyên tạc đề án nhà ở xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *