Chuyện không nhỏ với chung cư mini

Người xem: 1083

Cách đây gần nửa tháng, vợ chồng tôi đến thăm đứa cháu mới ở quê ra học đại học tại Hà Nội. Sau một hồi vòng vèo, chạy vào một con ngõ chỉ đi được xe máy thì đến chỗ cháu tôi đang thuê trọ.

Được gọi là “chung cư mini”, nơi cháu tôi ở cùng với khoảng hơn 100 sinh viên, nhân viên văn phòng và một số gia đình trẻ khác là khu nhà 8 tầng với diện tích mỗi sàn khoảng 250m2. Trên diện tích sàn như vậy, chủ đầu tư “khéo léo” thiết kế được 11 phòng trọ khép kín, mỗi phòng dành cho 2-3 người thuê.

Trò chuyện những người thuê nhà và qua tìm hiểu thực tế, tôi được biết các “chung cư mini” đã và đang được xây dựng khắp ngõ ngách các quận trung tâm của Thủ đô.

Căn chung cư mini xảy ra vụ hỏa hoạn đã xây sai phép 3 tầng (Ảnh: Ngọc Tân).

Với mảnh đất chỉ đủ diện tích xây một công trình nhà ở hoặc biệt thự đơn lập, song chủ đầu tư đã xây lên khu trọ có hàng chục căn hộ để tối ưu hóa lợi nhuận và dòng tiền. Đây thường là nơi sinh sống của hàng trăm người. Và đương nhiên, không nói thì chúng ta cũng đều hiểu việc bảo đảm phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ở những khu nhà này là như thế nào.

Hôm qua (13/9) là một ngày đau buồn khi báo chí và vào mạng xã hội tràn ngập những thông tin khủng khiếp về vụ cháy “chung cư mini” ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Xem hình ảnh hiện trường, tôi phần nào hình dung được việc thiết kế và sử dụng tòa nhà bị cháy đó giống hệt như tòa nhà cháu tôi đang thuê và cũng giống các khu “chung cư mini” khác đang là nơi sinh sống của biết bao hộ gia đình trẻ, sinh viên, người lao động thu nhập thấp…

Ai đó sẽ nói rằng “biết nguy hiểm sao vẫn ở”? Nhưng xin thưa, không có những khu “chung cư mini” đó thì các bạn sinh viên từ quê lên, không có suất ở ký túc xá và không có người thân tại Hà Nội sẽ ở đâu? Các lao động trẻ, thu nhập và tích lũy chưa đủ mua nhà ở các khu chung cư cũ hoặc chung cư thương mại sẽ ở đâu? Đặc biệt trong bối cảnh bất động sản đắt đỏ khu vực trung tâm thủ đô.

Sự phát triển đô thị trong những năm qua kéo theo hàng triệu người di cư đến sinh sống và làm việc, đa phần có xu hướng bám trụ vùng lõi đô thị vì tiện cho việc đến trường học, công sở, cửa hàng, công ty… và cũng tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Họ không thể thuê nhà ở ngoại thành để rồi hàng ngày mất nhiều tiếng đồng hồ đi học, đi làm vì khoảng cách xa và vì tắc đường.

Các kế hoạch giãn dân ở khu vực trung tâm, di dời trường học, công sở, bệnh viện… ra ngoại thành đã được nói đến hàng chục năm nay, có một chút “nhúc nhích” nhưng về cơ bản thì các cơ sở đó vẫn tập trung ở một số quận trung tâm.

Áp lực dân số lên nội đô chưa được giải tỏa đáng kể. Đơn cử việc bàn thảo di chuyển các đại học ra khỏi trung tâm thành phố từ khi tôi vào học đại học đến nay (cách đây hơn 20 năm) vẫn chỉ “quyết liệt” trên bàn hội nghị. Trong khi đó, chúng ta đã chứng kiến cứ mỗi nhà máy rời khỏi khu trung tâm là một khu đô thị mới với các tòa nhà cao tầng mọc lên.

Vùng lõi Hà Nội đã hầu như không còn đất trống. Các ngõ nhỏ Hà Nội hầu như không có lối đi đủ rộng cho xe cứu hỏa. Trong khi đó, rất nhiều chung cư mini tiềm ẩn nguy cơ và tồn tại vấn đề pháp lý. Đây rõ ràng không phải là những dự án chung cư thương mại theo quy trình thông thường của Luật Nhà ở, vậy thì các cá nhân, chủ đầu tư được phép xây dựng, vận hành chung cư mini như thế nào? Cơ quan nào quản lý và ai chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề.

Qua vụ cháy với hậu quả vô cùng tang thương, người ta lại dấy lên lo lắng về thực trạng cấp phép, quản lý và sử dụng các khu “chung cư mini”. Việc rà soát và xử lý vi phạm rất cần thiết, nhưng đó chỉ là biện pháp trước mắt. Hơn nữa khi phát hiện trường hợp vi phạm thì xử phạt chủ đầu tư là việc dễ với cơ quan chức năng, giải quyết chỗ ở cho những người đang sinh sống ở đó mới khó. Không lẽ đẩy họ ra đường? Và nếu họ đi thuê trọ chỗ khác thì sẽ là chỗ nào, làm sao để không bị “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”?.

Biện pháp căn cơ là giảm tải độ nén dân số của đô thị, di chuyển các trường học, bệnh viện, công sở… ra ngoại thành và thành lập các đô thị vệ tinh. Nhưng đây lại là việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” và không thể trong ngày một ngày hai, càng không thể nếu thiếu quyết tâm của các nhà lãnh đạo và cơ quan quản lý.

Nhưng nếu không bắt tay vào những việc căn cơ, thì với cảnh đất chật người đông, bất động sản đắt đỏ như hiện nay, hàng triệu người đến Thủ đô học tập, lập nghiệp vẫn phải đi thuê nhà hoặc mua nhà giá rẻ ở khu trung tâm, và chung cư mini là sự lựa chọn khả dĩ nhất trong điều kiện của họ.

Có lẽ nào những người đó cũng như cháu tôi, sẽ nói “sống chết có số” khi được hỏi “ở đây nhỡ cháy thì sao?”

Tác giả: Anh Lê Xuân Lục là giảng viên đại học Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giảng dạy lĩnh vực pháp luật, quản trị nhà nước. Anh cũng là chuyên gia tư vấn cho một số tổ chức hành nghề luật sư.

Chuyên mục Tình yêu – Cuộc sống mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

4 thoughts on “Chuyện không nhỏ với chung cư mini

  1. admin says:

    Trích từ báo Gai đình&Xã hội:
    Dưới góc nhìn của kiến trúc sư, người sử dụng chung cư mini nên biết những điều gì để có môi trường sống an toàn?
    Có rất nhiều vấn đề cần cân nhắc trước khi xuống tiền mua hay thuê một căn nhà/ căn hộ. Điều đó bao gồm: Vị trí ở có thuận tiện cho công việc thường ngày? Mức giá ra sao, cao hay thấp? Tiếp đến là tính thẩm mỹ, môi trường sống xung quanh. Và điều cực kỳ quan trọng là mức độ an toàn của căn nhà, tuy nhiên không phải ai cũng đủ kinh nghiệm hay dành nhiều thời gian để kiểm tra, suy xét yếu tố này.

    Vài năm trở lại đây, với mật độ dân cư đông đúc tập trung ở các thành phố lớn, loại hình chung cư mini xuất hiện nở rộ. Bởi việc xây dựng chung cư mini giúp giải quyết bài toán về nhu cầu nhà ở cho phần lớn sinh viên, người lao động, các gia đình có mức thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, chung cư mini được nhiều người ưa chuộng tại các đô thị lớn vì có diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền và có vị trí thuận lợi cho sinh hoạt thường ngày, gần công ty, trường học, chợ dân sinh,..

  2. admin says:

    Theo KTS Đoàn Mạnh – Founder Combo Home, vì mọi người quá quan tâm đến những yếu tố phù hợp với cuộc sống cá nhân như gần nhà, tiết kiệm,… nên giảm sự tập trung cho việc kiểm tra chung cư mini đang ở có đáp ứng đủ yêu cầu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cơ bản như bình cứu hỏa, lối thoát hiểm, thang thoát hiểm,…

    Dưới góc nhìn của KTS, anh Đoàn Mạnh chia sẻ: “Để hạn chế tình trạng cháy nổ, ngay từ đầu các chủ khu chung cư mini nên thiết kế xây dựng bằng các vật liệu chống cháy hiện có trên thị trường như: gỗ chống cháy, sơn chống cháy, cửa kính, bê tông, tấm thạch cao chống cháy,… Mặc dù giá thành của các loại vật liệu này khá cao nhưng về độ an toàn sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra cháy, nổ”.

  3. admin says:

    Bên cạnh đó, có một kiểu thiết kế quen thuộc với đa số các chung cư mini hay thậm chí là nhà đất bình thường – đó chính là nhà “chuồng cọp”. Nói về điều này, KTS Đoàn Mạnh cho biết nếu không thay đổi “chuồng cọp”, vẫn có cách để giúp môi trường sống an toàn trong thời gian sử dụng và ứng biến được khi có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra.

    “Để vẫn an toàn khi sử dụng và có lối thoát hiểm khi cháy nổ thì đối với chuồng cọp nên làm thành cửa mở có khóa thay vì hàn cố định. Ngoài thang bộ thoát hiểm trong tòa nhà nên bố trí thêm thang thoát hiểm ngoài trời bên hông nhà”, KTS Đoàn Mạnh nói.

    Tuy nhiên, khi đi mua hay thuê ở chung cư mini, không nên phụ thuộc toàn bộ vào chủ đầu tư mà bản thân mỗi người cũng cần phòng bị những vật dụng cơ bản để bảo vệ chính mình. Theo KTS Đoàn Mạnh, mỗi phòng trong các chung cư mini thường có diện tích không quá lớn, do vậy nên cân nhắc việc lựa chọn nội thất, đồ đạc trong gia đình.

  4. admin says:

    Có thể khi đi thuê chung cư mini, họ không mang quá nhiều đồ đạc nhưng đều là những đồ nhỏ, dễ gây bén lửa và cháy nổ ví dụ như bếp ga, xe đạp điện… Do vậy nên tự trang bị cho mình các kiến thức và các đồ dùng cần thiết khi có cháy nổ xảy ra. Đặc biệt, với các chung cư mini chưa có cơ chế PCCC nữa nên phải tự lo cho gia đình mình nhiều hơn bằng các thiết bị phòng tránh thoát nạn, cứu hộ như thang dây, mặt nạ chống khói,… và chuẩn bị kỹ năng sinh tồn, tính toán trước những trường hợp rủi ro nhất.”, KTS Đoàn Mạnh chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *