Bốn hiểu nhầm với “trường quốc tế”

Người xem: 232

Sự kiện lùm xùm của trường Quốc tế Chồi xanh tại Hội An, Quảng Nam, đang gây bức xúc trong dư luận. Vào năm học mới vào tháng 9/2023, cha mẹ học sinh đã đóng học phí cho nhà trường với số tiền rất lớn (được cho lên đến 14 tỷ đồng), nhưng nay lại bị nhà trường thông báo sẽ chuyển hết con em họ qua một trường khác tại Đà Nẵng. Vì vậy phụ huynh học sinh của trường Chồi Xanh đã đâm đơn kiện chủ trường.

Đây không phải lần đầu tiên các trường quốc tế ở ta xảy ra chuyện tiêu cực và tạo ra sự chú ý của công luận. Trước đó đã có các trường hợp trường quốc tế nâng học phí vô tội vạ, khi phụ huynh và học sinh có ý kiến thì cho con em của họ nghỉ học luôn. Từ đó khiến phụ huynh khiếu nại và dẫn đến những tranh cãi ồn ào giữa các bên liên quan. Hay chuyện có trường quốc tế tuyển giáo viên “Tây Ba lô” không có bằng cấp phù hợp; bữa ăn bị cắt xén, đồ ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm; bỏ quên học sinh lớp một trên xe đưa đón…

Trước hết cần khẳng định rằng tôi cũng như nhiều vị phụ huynh khác đều ủng hộ những nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này và hình thành hệ thống nhà trường có yếu tố nước ngoài, thực sự chất lượng cao ở các tỉnh, thành. Qua đó đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế cho con theo học ở “trường quốc tế”. Ở đây tôi chỉ bàn đến những khía cạnh bất cập của loại hình “trường quốc tế” như đã đề cập ở trên.

Thông thường các trường quốc tế đều thu học phí cực kỳ đắt đỏ so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam ( cao nhất hơn 900 triệu đồng/năm học cho một học sinh, chưa kể chi phí ăn ở đi lại). Nhưng không phải cứ gắn mác “trường quốc tế” là tốt, và thực tế thì hàng loạt cơ sở đã xảy ra chuyện đau đầu với học sinh và phụ huynh.

Vấn đề cần xem lại ở đây, vì sao lại có nhận thức đơn giản rằng hễ gọi là trường quốc tế, đóng thật nhiều tiền, tức là tốt???

Theo ý kiến của một vị đại diện cho Cục hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay ở Việt Nam chỉ có 3 loại hình trường học là trường công lập, trường tư thục và trường dân lập, nghĩa là Luật không có quy định về loại hình trường quốc tế.

Nếu nói về khái niệm trường quốc tế, trên thế giới thường sử dụng loại hình này khi công nhận một trường học mà có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; thường sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh để đào tạo và phải đào tạo theo chương trình quốc tế được nhiều nước công nhận, có thể học trong chương trình phổ thông, rồi có thể thi tuyển vào các đại học quốc tế.

Theo thống kê trên báo chí, ở nước ta hiện nay có cả trăm cơ sở giáo dục tự gọi là “quốc tế”, nhưng thực tế thì nguồn gốc và hoạt động rất khác nhau, dĩ nhiên chất lượng cũng “thượng vàng hạ cám”.

Thời kỳ ban đầu, khi các trường quốc tế mới ra đời, chủ yếu là cơ sở của đại sứ quán một số quốc gia mở ở Việt Nam cho con em công dân nước họ đang làm việc và sinh sống ở Việt Nam đi học; rồi sau đó xuất hiện một số trường được gọi là quốc tế theo hình thức tương tự, nhưng không phải do đại sứ quán mở ra mà từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Khi đó các trường này dạy hoàn toàn chương trình quốc tế, người học cũng đa quốc tịch. Hầu như rất hiếm con em người Việt Nam vào học các trường này vì họ hạn chế theo quy định về tỷ lệ, thường chỉ dưới 10%.

Những năm gần đây mới xuất hiện hàng loạt các trường tự nhận là “quốc tế”, nhưng thực chất là các trường tư thục. Các trường này được một số chuyên gia giáo dục nhận định rằng có các yếu tố nước ngoài. Nghĩa là họ cũng sử dụng một phần chương trình nước ngoài, có giáo viên thuê từ nước ngoài, và có những trường cũng thuê các tổ chức giáo dục quốc tế về kiểm định (trong đó có cả các tổ chức có uy tín và không ít tổ chức theo kiểu thương mại dán nhãn bán tên).

Nghĩa là dù mang tên gọi tự phong “quốc tế”, nhưng các trường này chất lượng rất khác nhau. Điều giống nhau thường là họ tạo cơ sở vật chất có vẻ vượt trội hơn so với các loại hình trường công, hay trường tư thục, dân lập loại trung bình, rồi thu tiền học phí và các thể loại phí khác ở mức cao.

Qua tìm hiểu và trao đổi với nhiều vị phụ huynh, tôi nhận thấy các trường tự nhận là “quốc tế” thường dẫn đến một số hiểu nhầm sau:

Một là, cứ cho con học trường “quốc tế” là các con sau khi tốt nghiệp sẽ đủ sức đi du học ở Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand, châu Âu…

Trong khi thực tế thì học trường kiểu này xong, các con vẫn phải thi đủ mọi tiêu chí và chuẩn bị đủ các loại hồ sơ theo chuẩn đại học của từng quốc gia yêu cầu, sau đó thì mới có thể nạp đơn để mong các trường của họ nhận.

Nhìn chung bằng cấp và bảng điểm từ các trường “quốc tế” kiểu này hoàn toàn bình đẳng với bất cứ trường phổ thông nào tại Việt Nam. Trừ phi các cháu học thêm một số chứng chỉ quốc tế mà các chứng chỉ này lại không liên quan đến trường “quốc tế” các cháu đang theo học, ví dụ như IELTS, Toefl, SAT, AP, ACT, Cambridge…

Hai là, cho con vào trường “quốc tế” là con sẽ học rất giỏi. Trong khi thực tế là trong rất nhiều trường “quốc tế”, học sinh chủ yếu là con em các gia đình có điều kiện kinh tế, học lực rất đa dạng, không thể ở một mặt bằng cao như trường chuyên công lập hoặc trường công lập nhóm trên.

Nhìn vào danh sách thủ khoa đại học, cao học trong nước, hay là danh sách học sinh giỏi quốc gia – quốc tế, hay danh sách học sinh nhận học bổng du học toàn phần, chúng ta sẽ thấy chủ yếu là các bạn đến từ trường chuyên, trường công lập nhóm trên, còn trường “quốc tế” thì rất ít, thậm chí nhiều năm không có.

Ba là, cho con vào trường “quốc tế” thì con không phải đi học thêm.

Trên thực tế, không ít học sinh theo học các trường quốc tế vẫn đi học thêm ngày đêm. Thậm chí các con đi luyện thi để đậu vào trường từ trước bậc tiểu học, sau đó ba mẹ vẫn thuê người dạy kèm, và tiếp đó là học thêm các kiểu để có đủ tiêu chuẩn đi du học. Nếu có khác với một số trường công thì việc học thêm này thường là tự nguyện chứ không phải do thầy cô trong các trường quốc tế ép học.

Bốn là, học ở trường “quốc tế” tốt ngang với cho con đi du học.

Trên thực tế, nhìn chung các trường quốc tế ở Việt Nam chưa từng được thế giới đánh giá chất lượng ngang bằng với các trường học hạng trung trở lên tại các quốc gia phát triển. Là vì về cơ bản các trường này không đồng bộ. Sự không đồng bộ này thể hiện ở diện tích chưa ăn thua gì so với họ, ở cơ sở vật chất còn ở mức ban đầu so với họ, ở triết lý giáo dục, ở chất lượng của giáo viên, ở thành tựu của học sinh, ở khả năng giáo dục toàn diện…

Nhưng về học phí thì quá đắt đỏ nếu so với chất lượng hiện có. Mà thật ra nếu đầu tư gần một tỷ đồng một năm cho con học một trường “quốc tế” kiểu này, thì theo tôi, cho đi du học hiệu quả hơn nhiều lần, với chi phí tương đương hay thậm chí rẻ hơn.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, tôi không phủ nhận toàn bộ các trường “quốc tế”; ở thị phần này có đủ thượng vàng hạ cám. Và với sự phát triển hiện nay của giáo dục trong nước, rõ ràng loại hình này đã sinh ra để đáp ứng nhu cầu của rất nhiều gia đình. Bởi vì không phải ai cũng muốn và đủ điều kiện cho con đi du học, nhiều trường hợp đủ điều kiện kinh tế nhưng không muốn con xa nhà ở độ tuổi vị thành niên. Thêm vào đó, có những cháu không thể đi du học được vì lực học yếu quá, hoặc tính cách tự lập kém.

Điều cần nhất với các bậc phụ huynh trước khi cho con theo học trường “quốc tế”, là phải có đủ kiến thức, thông tin để chọn ra một cơ sở phù hợp với con em mình và túi tiền gia đình. Tìm hiểu kỹ sẽ tránh được những sai lầm dẫn tới “tiền mất, tật mang”.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng địa phương, nhất là cơ quan quản lý giáo dục không thể đứng ngoài cuộc với trách nhiệm quản lý lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.

Nguồn: Nguyễn Thị Bích Hậu

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế…

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *