Đừng bôi đen sự thật

Người xem: 194

Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở đặt tại Washington, Hoa Kỳ mới đây đã đưa ra báo cáo khảo sát về tình trạng người gốc Việt ở Mỹ. Bản báo cáo có phần phiến diện nói về việc người gốc Việt đang sinh sống ở Mỹ không muốn quay về Việt Nam, chỉ thích sống ở Mỹ với lý do ở Mỹ có tự do, Việt Nam thì không, đặc biệt là tự do tôn giáo.
 

Trong bản báo cáo, trung tâm này đưa ra lý do: “bất chấp từ hơn hai thập niên quaa, nhà nước mới Cộng sản vẫn ra sức kêu gọi và bày tỏ thái độ muốn thu hút người Việt ở Mỹ trở về tham gia việc xây dựng kinh tế, sinh sống… tại Việt Nam. Nhưng đa số người được tham khảo nói Việt Nam nếu có quay về thì chỉ là tạm thời, họ chỉ muốn sống ở một đất nước tự do như Mỹ”.

Không hiểu Trung tâm nghiên cứu Pew khảo sát kiểu gì lại cho ra kết quả như vậy. Theo như họ nói trong báo cáo thì hỏi 10 người Việt sinh sống ở Mỹ có đến 8 người trong số đó nói mình sẽ không quay về Việt Nam. Chưa thấy tổ chức nào khảo sát mà chỉ hỏi 10 người đại diện rồi cho ra kết quả của số đông hàng vạn người. Cũng chưa từng thấy ai đang sinh sống yên ổn mà lại muốn chuyển đến sống ở một môi trường khác hoàn toàn xa lạ. Chắc chỉ có mấy ngài ở trung tâm Pew này mới nghĩ ra câu hỏi khó đến như vậy. Thứ nhất, những người Việt ở Mỹ đã định cư lâu dài rồi, việc gì họ phải một lần nữa chuyển môi trường sống khác cho vất vả. Nếu có về Việt Nam thì cũng là về thăm người thân, du lịch… chứ hiếm người ở lại sinh sống lâu dài. Thứ hai, tình hình tự do, tín ngưỡng ở Việt Nam nay đã khác, không như kiểu mấy ngài ở trung tâm Pew tự ngồi nghĩ ra rồi nói này nói nọ, phán như đúng rồi.
 
Trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đã, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc. Đối với khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng. Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc và nghiêm cấm phân biệt đối xử công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta cũng luôn chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Mới đây, Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ biên soạn, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, ra mắt. Những thông tin cơ bản về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt Nam; thành tựu cũng như thách thức của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những nội dung quan trọng mà Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam mang đến cho bạn đọc. Qua đó khẳng định chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo là nhất quán, phù hợp với các công ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết.
 
Tuy nhiên, với mưu đồ đen tối nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, thời gian gần đây, trên một số trang báo điện tử, hải ngoại thường đăng tải các bài viết xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chúng trắng trợn xuyên tạc rằng việc cho ra đời cuốn sách này là bức bình phong nhằm che đậy các vi phạm kéo dài tại Việt Nam, nguyên nhân đã khiến Washington đưa Hà Nội vào danh sách theo dõi đặc biệt về tôn giáo.
 
Rõ ràng, đây là những luận điệu sai trái, xuyên tạc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, chúng xuyên tạc, đánh giá phiến diện, thiếu khách quan về Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Đây là chiêu trò nhằm chính trị hóa, quốc tế hóa vấn đề tôn giáo ở Việt Nam của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta. Những thành quả từ các chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã bị chúng phủ nhận sạch trơn. Qua đó trực tiếp hoặc gián tiếp phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng thực tế thì lại khác quá xa với bức tranh mà các thế lực thù địch đã tô vẽ lên. Từ khi giành được độc lập, nhất là thời điểm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới các bản Hiến pháp sau này đều khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người. Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 2013 có nhiều nội dung mới về quyền con người, phù hợp với các chuẩn mực được nêu trong các công ước quốc tế về quyền con người.
 
Với mục đích xây dựng một đất nước ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo Hiến chương, Công ước của Liên hợp quốc và các quy định của pháp luật. Gần đây, ngày 10-1-2018, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 18 về công tác tôn giáo trong tình hình mới. Chỉ thị số 18 cùng với hệ thống văn bản pháp luật liên quan đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đến nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân. Chính việc ban hành các quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và mới đây là Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam đã giúp số lượng chức sắc, tín đồ, cơ sở thờ tự ngày càng tăng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được đảm bảo tốt hơn, quan hệ quốc tế của các tôn giáo được mở rộng. Người nước ngoài tại Việt Nam được công khai sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Theo thống kê, Việt Nam hiện có trên 26 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước. Trong đó, Phật giáo và Công giáo chiếm tỷ lệ cao về cả tín đồ và cơ sở thờ tự. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo cho đến thời điểm hiện tại. Các hoạt động xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, đào tạo chức sắc, chức việc và quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo đều diễn ra bình thường đã góp phần đáp ứng nhu cầu tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh nội sinh trong việc hướng tới các mục tiêu chiến lược. Trong đó, quá trình xây dựng, phát triển đất nước, đồng bào các tôn giáo được khẳng định là một trong những nguồn lực to lớn. Chính sách nhất quán thực hiện tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định rõ ràng. Việt Nam cũng luôn chủ động cung cấp các thông tin về tình hình tự do tôn giáo và chính sách, pháp luật của tín ngưỡng, tôn giáo. Chúng ta cũng thẳng thắn trao đổi các vấn đề mà dư luận quốc tế quan tâm. Mong rằng, tổ chức hay cá nhân nào muốn phán xét thì đừng đứng ngoài bôi đen hiện thực, hãy về Việt Nam, đến tận nơi để cảm nhận thực tế.
 
Nguồn: Đỗ Thành
Báo Bình Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *