Lâm Trực@
Vào tháng 8/2022, khi nói về tham nhũng ở Việt Nam, một giáo sư tâm lý họ Mạc, một tiến sĩ ngôn ngữ họ Châu, một võ sư họ Đoàn đã phát biểu rằng “Ukraine là một thể chế chính trị trong sạch, không thể tạo ra tội phạm tham nhũng như ở Việt Nam” và rằng, “chỉ khi Việt nam chuyển sang chế độ đa đảng thì mới hết tham nhũng”. Rất tiếc, dù biết những luận điệu nói trên là xảo trá, lừa bịp, nhưng vẫn dắt mũi được nhiều người.
Có đúng là ở Ukraine không có tham nhũng?
Sáng nay 14/8/2023, dẫn lời tờ New York Times, báo Vietnamnet có bài viết “Cựu quan chức Ukraine tham nhũng hàng triệu USD nhờ buôn bán vũ khí”. Theo đó, “Dù đang bị điều tra tham nhũng, cựu nghị sĩ Ukraine Sergey Pashinsky vẫn bỏ túi hàng triệu USD nhờ các giao dịch buôn bán vũ khí, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
New York Times nhấn mạnh rằng, vào năm 2019, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ đích danh cựu nghị sĩ Pashinsky là “tội phạm”. Sau đó, vào năm 2020, cơ quan chống tham nhũng Ukraine đã tiến hành lục soát nhà riêng và văn phòng của ông này. Nhưng sau khi xung đột nổ ra, ông này vẫn được chính phủ Ukraine sử dụng (dù đang là đối tượng bị điều tra tham nhũng) để tìm kiếm nguồn vũ khí cho quân đội. Vì thế, giá cả bị đội lên nhiều lần qua các bước trung gian, và quân đội Ukraine phải chi trả số tiền này. Tuy nhiên, chi phí phần lớn lại được trả bằng khoản viện trợ của châu Âu.
Trước đó, hôm 11/8/2023, Reuters dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã ra quyết định cách chức tất cả quan chức đứng đầu các cơ quan tuyển quân ở nước này. Tuyên bố này được đưa ra sau khi cơ quan tuyển quân Ukraine đứng trước các cáo buộc tham nhũng chưa từng có.
Zelensky cho biết, một cuộc điều tra liên quan tới các cơ quan tuyển quân cho thấy dấu hiệu của hành vi lạm dụng chức quyền, làm giàu bất hợp pháp và đưa những người đủ điều kiện nhập ngũ vượt biên bất chấp lệnh cấm thời chiến. Rất nhiều trường hợp, nam giới Ukraine đã phải chi số tiền lên đến 10.000 usd để không phải nhập ngũ.
Qua báo chí phương Tây, được biết tham nhũng ở Ukraine không chỉ xảy ra trong những lĩnh vực liên quan đến xung đột Nga – Ukraine mà đã tồn tại khá lâu ở nước này.
Hôm 26/6/2023, dẫn lời Nghị sĩ Châu Âu Mick Wallace, báo Nghệ An đăng tải bài viết có tự “Châu Âu tiết lộ thông tin khủng khiếp về Tổng thống Zelensky?” theo đó, Nghị viện châu Âu cáo buộc Tổng thống Volodymyr Zelensky đang bán đất của Nhà nước Ukraine. Theo bài báo, Nghị sĩ của Ireland Mick Wallace cho biết, trong khi những binh lính của Ukraine đang chiến đấu khốc liệt trên chiến trường, thì Tổng thống Zelensky đang bán đất của Nhà nước. “Thiệt hại gây ra cho Ukraine là rất lớn, và thật không may, ông Zelensky đã tận dụng cơ hội trong xung đột để bán đất. Tầng lớp nhân dân lao động Ukraine đang phải chịu đựng điều gì?”.
Sơ sơ với 3 ví dụ về vấn nạn tham nhũng ở Ukraine để thấy tham nhũng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ thể chế chính trị nào. Điều này khác hẳn với phát ngôn của giáo sư tâm lý họ Mạc, tiến sĩ ngôn ngữ họ Châu hay của võ sư họ Đoàn, rằng “Ukraine là một thể chế chính trị trong sạch, không thể tạo ra tội phạm tham nhũng như ở Việt Nam”.
Thật ra, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Ở đâu có quyền lực, ở đó có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Tham nhũng là căn bệnh của nhà nước, do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra, có nhà nước là có tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Nếu như quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng, người có quyền lực sẽ không thể tham nhũng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa.
Phát biểu kiểu như giáo sư họ Mạc, tiến sĩ họ Châu hay võ sư họ Đoàn, rằng “Ukraine là một thể chế chính trị trong sạch, không thể tạo ra tội phạm tham nhũng như ở Việt Nam” là thể hiện não trạng hằn học với thể chế chính trị của đất nước mà thôi. Nó hệt như cách các thế lực thù địch cố tình bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam. Kiểu như: “đấu tranh, phòng chống tham nhũng của đảng, nhà nước về bản chất là đấu đá, tranh giành quyền lực, là thanh trừng nội bộ”; hoặc “giả sử có vì mục đích cao đẹp đi nữa chống tham nhũng ở Việt Nam thì cũng bất khả thi, như đánh nhau với cối xay gió, là ảo tưởng, là phi thực tế vì Việt Nam chỉ có một đảng”; và rằng, muốn hết tham nhũng thì phải thay đổi chế độ, xây dựng chế độ đa đảng, mà cách đơn giản nhất là người dân cùng đứng lên lật đổ chế độ này. Thậm chí RFA trơ tráo đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế”.
Lạ lùng, tự xưng là những người đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhưng lại im bặt trước hiện tượng tham nhũng ở Ukraine. Sự im lặng của họ đã phần nào nói lên thái độ chính trị của họ đối với đất nước.
Thực tế, ở các nước theo chế độ TBCN, duy trì chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn tồn tại, thậm chí một số nguyên thủ quốc gia ở Tunisia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippin, Indonesia, Pakixtan, Brazil,… cũng dính vào tội tham nhũng. Mới đây, Phó Tổng thống Argentina, 1 Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu cũng bị cáo buộc dính vào tham nhũng. Chẳng thế mà Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) hằng năm đều công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) trong khu vực công, để cung cấp cái nhìn tổng quát về mức độ tham nhũng tương đối của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ đi theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa, thực hiện chế độ đa đảng.
Nhìn vào bảng xếp hạng CPI năm 2021 được công bố đầu năm 2022 có thể thấy rất rõ quốc gia nào cũng có tham nhũng, khác nhau chỉ ở mức độ nghiêm trọng, bởi không có quốc gia nào đạt được điểm 100 (tức là không có tham nhũng). Những nước đứng đầu bảng xếp hạng CPI là Đan Mạch, Phần Lan và New Zealand, cũng chỉ đạt 88 điểm, nghĩa là vẫn có tham nhũng. Còn những nước đứng cuối bảng là Somalia, Syria và Nam Sudan chỉ đạt từ 11 đến 13 điểm, đều là các nước theo thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Bảng xếp hạng còn cho biết kể từ năm 2012 đến nay, 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã giảm đáng kể về chỉ số CPI, trong đó có các nước như Australia, Canada và Mỹ. Điều đó cho thấy tham nhũng ở những nước này trong 10 năm qua có xu hướng gia tăng.
Dài dòng như thế để thấy, tham nhũng không phải là đặc sản của Việt Nam như các thế lực thù địch rêu rao và tham nhũng hoàn toàn có thể phòng ngừa, loại bỏ được.
Tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong giai đoạn 2012 – 2022 cho thấy, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 6/2022, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII); trong đó, có 08 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Hoạt động phòng, chống tham nhũng từng bước được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước và sang cả lĩnh vực chống tiêu cực. Đó là bằng chứng bác bỏ mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Con số 93% người dân được hỏi trong cuộc điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành thời gian qua, bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã nói lên điều đó.
***
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố