Tại sao Việt Á?

Người xem: 170

Khoai@
 

Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa có kết luận điều tra vụ kit test Việt Á, đề nghị truy tố nhiều cựu quan chức, cán bộ và cá nhân liên quan, trong đó có cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh… Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, nhân chính dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can là buông lỏng quản lý.

Lừa dối
 
Thật ra, ngay từ khi chưa khởi tố vụ án Việt Á, người ta đã băn khoăn với câu hỏi về một đề tài (nhiệm vụ) khoa học công nghệ cấp quốc gia với tên gọi đầy đủ là “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)” được thực hiện bằng kinh phí nhà nước, nhưng lại được khai thác sử dụng bởi một doanh nghiệp tư nhân, để bán sản phẩm cho nhân dân với giá cắt cổ. Và rằng, Bộ KH&CN chưa nghiệm thu kết quả nghiên cứu, nhưng tại sao Bộ Y tế lại cấp Đăng ký lưu hành.
 
Được biết, đề tài khoa học công nghệ nói trên do Học viện Quân y chủ trì, với 17 thành viên tham gia. Trong đó, PGS.TS Hồ Anh Sơn, Học viện Quân y làm Chủ nhiệm nhiệm vụ, cùng 12 người khác là cán bộ thuộc Học viện Quân y là thành viên. Đáng chú ý, cả 4 thành viên còn lại đều thuộc Công ty Việt Á, trong đó duy nhất Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á là cử nhân, còn lại đều là thạc sĩ, tiến sĩ, GS, hoặc PGS.
 
Tổng kinh phí để thực hiện nhiệm vụ khoa học này là 18,98 tỉ đồng, được chi từ ngân sách sự nghiệp khoa học. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bất cứ thông tin nào về việc Bộ KH& CN đánh giá, nghiệm thu.
 
Đáng nói, dù chưa được nghiệm thu nhưng vào ngày 26/4/2020,  Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN đã công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty Việt Á. Trong đó nêu rõ: “Ngày 24/4, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00”.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted – Không được chấp nhận.
 

Như vậy, bằng cách nào đó, Bộ KH&CN đã lừa dối nhân dân để bán bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á, giúp Công ty Việt Á có doanh thu 4.000 tỉ đồng trong 2 năm đại dịch. 

Mất tiền là một chuyện nhưng sức khỏe, tính mạng của người dân đã bị gác sang một bên.

Nguyên nhân
 
Trong vụ việc này, người dân đã đặt câu hỏi, vì sao lại để Việt Á tung hoành ngang dọc, hút máu nhân dân, bòn rút ngân sách nhà nước nhiều đến mức như thế. Đã có nhiều người lý giải và ngay trong Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có đánh giá. Theo đó, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can là do công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực KH&CN và lĩnh vực Y tế đã bị buông lỏng. 
 
Buông lỏng quản lý diễn ra cả chiều rộng và bề sâu, từ lựa chọn, phê duyệt, giao nhiệm vụ cho người/cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp giao, phê duyệt kinh phí thực hiện.. cho đến kiểm tra giám sát trong việc thực hiện, theo dõi sử dụng và thanh toán kinh phí; quản lý việc khai thác sử dụng kết quả nghiên cứu… Cơ quan điều tra còn phát hiện, ngay trong nội dung thuyết minh đề tài đã thiếu đi những nội dung quan trọng, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KH&CN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương pháp phối hợp; phương pháp chuyển giao kết quả nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ.
 
Trong khi đó, Bộ Y tế thiếu kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý Nhà nước về sinh phẩm y tế, hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương; không quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các cá nhân trong hiệp thương giá, thời hạn ban hành kết luận kiểm tra giá và thậm chí, rất liều lĩnh cấp đăng ký lưu hành cho sản phẩm nghiên cứu, dù chưa nghiệm thu và sau này Tổ chức Y tế thế giới đã kết luận là “Không được chấp nhận“.
 
Việc buông lỏng quản lý của 2 Bộ nói trên dẫn đến Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiểm TGĐ Công ty Việt Á lợi dụng, thông đồng móc ngoặc với lãnh đạo, cán bộ để Công ty này được tham gia nghiên cứu Đề tài, sử dụng kết quả nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký, được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức Test xét nghiệm. Từ đó, biến Test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KH&CN quản lý thành tài sản thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, trái quy định pháp luật.
 
Khi Công ty Việt Á sản xuất thương mại, bản Test xét nghiệm cho Bộ Y tế, Phan Quốc Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/Test không có căn cứ.
 
Bộ Y tế kiểm tra giá hiệp thương, xác định Công ty Việt Á thay đổi nguyên vật liệu sản xuất so với hồ sơ đăng ký lưu hành nhưng lại không ra kết luận kiểm tra, không kiến nghị biện pháp xử lý. Do đó, Công ty Việt Á tiếp tục sử dụng giá hiệp thương vốn được nâng khống, tạo mặt bằng giá để bán cho các đơn vị, địa phương, thu lời bất chính, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
 

Tại các đơn vị, địa phương để xảy ra sai phạm trong quá trình Công ty Việt Á tiêu thụ Test xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế, CQĐT nhận thấy các đơn vị chưa kịp thời phân bố dự toán thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, ngân sách thực hiện; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư sinh phẩm y tế còn hạn chế, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, địch họa.

Ngoài ra, các bộ liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương cũng ít nhiều liên quan.

Công tác cán bộ
 

Ngoài các nguyên nhân về quản lý nhà nước trên lĩnh vực KH&CN và lĩnh vực Y tế như đã nói ở trên, thì công tác cán bộ cũng là một trong số các nguyên nhân dẫn đến Đại án Việt Á. 

Dù muốn hay không, công tác cán bộ chắc chắn phải xem lại, từ khâu tuyển dụng, lựa chọn, quy hoạch, đề bạt cán bộ đang có vấn đề.

Tại sao Phan Quốc Việt dễ dàng “hạ gục” được các Bộ trưởng, Thư ký của Phó thủ tướng, Thư ký của Thứ trưởng đến thế?

Tại sao tầm cỡ như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lại yêu cầu Phan Quốc Việt đưa 1 triệu USD để “Giải quyết công việc”?

Tại sao Thư ký của thứ trưởng lại yêu cầu Phan Quốc Việt “hỗ trợ” trả tiền mua xe Volvo trả góp?

Tại sao Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng lại dễ dàng làm sai quy định, chỉ đạo cho các cấp phải cho Việt Á vào xét nghiệm gần như độc quyền tại Hải Dương?
 

Và còn nhiều câu hỏi khác nữa… Nhưng câu trả lời sẽ là: Vì chúng ta đã chọn nhầm người làm lãnh đạo.

Không lâu nữa, Đại án Việt Á sẽ được xét xử công khai, những kẻ phạm tội sẽ bị trừng trị thích đáng bởi pháp luật, dư luận và lương tâm. Nhưng gốc rễ của vấn đề sẽ còn được nhắc tới nhiều. Đừng vội quy chụp người viết bài này là phản động hay chống phá, bởi trước hết đó là sự thật và cũng là những gợi ý, ít nhiều có tác dụng cho các cơ quan quản lý xã hội.


P/s: Ảnh của Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *