Bị cáo Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP sách và thiết bị trường học Thanh Hóa, khai nhận 6 tỉ đồng đưa cho các lãnh đạo, cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa để “cảm ơn” khi trúng 2 gói thầu là tiền cá nhân
Sáng 16-8, phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng và 11 đồng phạm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở GD-ĐT Thanh Hóa bước sang ngày làm việc thứ 2.
Hội đồng xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi các bị cáo còn lại (6/12 bị cáo đã được xét hỏi xong chiều ngày 15-8). Trả lời trước tòa, tất cả 12 bị cáo đều khẳng định cáo trạng truy tố là đúng sự việc, không có bị cáo nào kêu oan.
Trong số những người được xét hỏi, đáng chú ý là lời khai của bị cáo Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty CP sách và thiết bị trường học Thanh Hóa. Bị cáo Sơn khai nhận toàn bộ 6 tỉ đồng đưa cho Nguyễn Văn Phụng, cựu Phó phòng Phòng Tài chính, Kế hoạch thuộc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, là để “cảm ơn” các lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT Thanh Hóa. 6 tỉ đồng này đều là tiền cá nhân của bị cáo Sơn, do kinh doanh bất động sản và chứng khoán mà có, không phải tiền của công ty.
Bị cáo Nguyễn Văn Phụng, người trực tiếp nhận tiền từ bị cáo Sơn, khai nhận khi nhà thầu đưa tiền, nhà thầu không nói về đưa cho mỗi người bao nhiêu tiền, mà Sơn nhận rồi tự phân chia cho từng người.
Cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Hằng được chia 3 tỉ đồng trong khoản tiền 6 tỉ đồng mà nhà thầu “cảm ơn” sau khi trúng thầu
Cáo trạng truy tố thể hiện sau khi “thông thầu” thổi giá các thiết bị đồ dùng dạy học lớp 1 gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 21 tỉ đồng, Lê Thế Sơn, Giám đốc Công ty Sách Thanh Hóa, đã đến phòng làm việc “lại quả” cho Nguyễn Văn Phụng tổng cộng 6 tỉ đồng.
Nhận tiền xong, Phụng đã chia cho Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, 3 tỉ đồng; Trịnh Hữu Nghĩa 1,65 tỉ đồng; Lê Văn Cương 250 triệu đồng; Nguyễn Văn Phụng 700 triệu đồng; Bùi Trí Thức 300 triệu đồng. Số tiền còn lại 300 triệu đồng, Phụng khai giữ lại cho Phòng Tài chính, Kế hoạch thuộc Sở GD-ĐT Thanh Hóa chi vào việc chung.
Sau khi vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vào cuộc điều tra, các bị cáo và những người liên quan đã nộp lại 10,6 tỉ đồng, trong đó bị cáo Phạm Thị Hằng nộp khắc phục hậu quả 5 tỉ đồng; Trịnh Hữu Nghĩa nộp lại 1,65 tỉ đồng; Lê Văn Cương 550 triệu đồng; Nguyễn Văn Phụng 700 triệu đồng; Bùi Trí Thức 300 triệu đồng; Lê Thế Sơn 2 tỉ đồng.
Theo cáo trạng truy tố, các bị cáo Phạm Thị Hằng, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa; Lê Văn Cương, Trưởng phòng Tài chính, Kế hoạch; Trịnh Hữu Nghĩa và Nguyễn Văn Phụng, cùng là Phó phòng Tài chính, Kế hoạch; Bùi Trí Thức, chuyên viên Phòng Tài chính, Kế hoạch; Lê Thế Sơn, Vũ Thị Ninh, Đặng Xuân Minh, Nguyễn Quốc Việt, Hồ Thị Sáu, Nguyễn Duy Linh, Bùi Việt Long đã có hành vi thông thầu, không đảm bảo công bằng minh bạch, tiết lộ tiếp nhận những tài liệu, thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu vi phạm quy định về đấu thầu theo Điều 89, Luật Đấu thầu 2013, gây thiệt hại ngân sách nhà nước 20,8 tỉ đồng tại 2 gói thầu mua đồ dùng dạy học lớp 1 thực hiện chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2020-2021 cho các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn: Tuấn Minh
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố