Chiều 4/7, HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận Đông Anh.
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội Vụ Trần Đình Cảnh cho biết, huyện Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội có diện tích tự nhiên 185.08km2, quy mô dân số đạt hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch.
Huyện có 2 tuyến đường sắt chạy qua là các tuyến nối trung tâm Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Lào Cai; đặc biệt địa bàn huyện cách sân bay quốc tế Nội Bài 13km – cửa ngõ thông thương với quốc tế đã tạo cho Đông Anh nhiều lợi thể phát triển mọi mặt về kinh tế – xã hội.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 xác định Đông Anh là khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Bắc thành phố Hà Nội với chức năng phát triển thương mại, giao dịch quốc tế, công nghiệp kỹ thuật cao, du lịch sinh thái, giải trí gắn với bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khu di tích Cổ Loa, khai thác cảnh quan sông Thiếp và đầm Vân Trì; trung tâm triển lãm, thương mại Hà Nội (EXPO) và vui chơi giải trí của Thành phố.
Những năm trở lại đây, huyện Đông Anh đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô.
Từ thực tế đó, để đảm bảo cho mục tiêu, định hướng phát triển và mang lại nhiều lợi ích cho huyện Đông Anh nói riêng cũng như lợi ích của thành phố Hà Nội, cần có một giải pháp quản lý phù hợp hơn nữa trong công tác chính quyền địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền trong quản lý tổng thể xã hội.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ, việc thành lập quận Đông Anh là phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp, tạo tiền để cho Đông Anh hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước; phù hợp với các quy hoạch đang được các cấp có thẩm quyền phê duyệt”, Giám đốc Sở Nội vụ khẳng định.
Quận Đông Anh sau khi thành lập có 185.68km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số hơn 400.000 người, có 24 đơn vị hành chính cấp phường trực thuộc, bao gồm: Đông Anh; Bắc Hồng, Cổ Loa, Đại Mạch, Đông Hội, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Kim Nỗ, Liên Hà, Mai Lâm, Nam Hồng, Nguyên Khê, Tàm Xá, Thụy Lâm, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vân Hà, Vân Nội, Việt Hùng, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Canh và Xuân Nộn.
Việc thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận Đông Anh đã cơ bản đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thành phố Hà Nội cũng đang triển khai lập Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo phù hợp việc thành lập quận Đông Anh và các phường.
Tại phiên họp, Ban Pháp chế (HĐND TP. Hà Nội) đề nghị UBND thành phố chỉ đào rà soát các quy trình thủ tục cần tiếp tục hoàn thiện, thống nhất để đủ điều kiện trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập quận Đông Anh. Trong đó đặc biệt quan tâm, chỉ đạo hoàn thành việc lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 tầm nhìn đến năm 2065 để trình Chính phủ phê duyệt, đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp quy hoạch đối với việc thành lập quận Đông Anh và 4 huyện còn lại theo kế hoạch; hoàn thiện hồ sơ báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị đặc biệt đối với thành phố Hà Nội.
Đối với UBND huyện Đông Anh, trong quá trình xây dựng huyện thành quận cần tập trung phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, thực chất và bền vững, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân; tiếp tục phát huy tối đa các lợi thế, tiềm năng vốn có về vị trí địa lý, là đầu mối giao thông quan trọng với các tuyến đường giao thông huyết mạch, có tính kết nối vùng để tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ gắn với khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế về du lịch…
Theo thanglong.chinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố