Nước Nga và những màu sắc khác nhau của thế giới đương đại

Người xem: 163

Một buổi trưa nằm nghe anh Tổng thống Nga nói chuyện với số lính Nga mới tốt nghiệp trường sĩ quan, tự nhiên trong đầu tôi lại nghĩ về những màu sắc khác nhau của thế giới đương đại.

Anh Putin mở đầu bằng lời chào, “thưa các đồng chí sĩ quan”! Cái từ “to-va-rish” (товарищ) nghe quen thuộc lắm. Chả biết người khác thế nào chứ tôi bắt đầu nghe tiếng này từ năm 1958, ngày đó mình cũng chỉ hiểu đó là lời chào của “các đồng chí Liên Xô”. Còn nhớ có lần tôi nhận được một tấm thiệp từ một cô gái ở Za-po-ro-zhia gởi cho cũng gọi tôi là “to-va-rish Xoa” (đồng chí Khoa).

Ngày nay anh Putin lại cũng gọi các sĩ quan của mình là “to-va-rish”, vậy nước Nga ngày nay là Cộng sản hay là quốc gia “dân chủ” theo kiểu phương tây? Cũng đa đảng, cũng thượng viện, hạ viện, cũng tam quyền phân lập, song có lẽ tất cả những người làm việc trong các cơ quan ấy gọi nhau là “to-va-rish” cũng nên.
 
Thế giới hiện nay, theo tôi nghĩ có những quốc gia mang màu đỏ đậm như Cuba, như Việt Nam; có anh thì mang màu đỏ “nhờ nhờ”, lúc thì đỏ, lúc lại đen, lúc lại vàng, pha trộn với nhau thành ra cái màu đỏ không ra đỏ, vàng không ra vàng, đen không ra đen, như anh Trung quốc ấy. Tôi ví dụ, trong cả một bức tranh, ở đó màu lạnh chiếm phần lớn diện tích (như cây xanh trên đường chằng hạn), song nếu như ở đó có một lá cờ đỏ, hay một cô gái mặc chiếc áo màu đỏ, thì cái điểm đỏ đó sẽ làm cho bức tranh ấm lên và nó trở nên rất quý. Ngày tết, dân tộc chúng ta thường chuộng màu đỏ (câu đối đỏ, phong pháo đỏ, bao lì xì màu đỏ), chẳng qua đó là màu của sự đam mê, của quyền lực, của tình yêu và sự may mắn.
 
Vậy màu nào cho nước Nga? Tôi cho rằng màu của nước Nga là màu xanh da trời. Một màu xanh, có khi lại hồng lên như lúc mặt trời lên, lúc lại đỏ vàng như lúc hoàng hôn, song không có màu đen. Trong hội họa hay chụp ảnh cũng thế, màu xanh thể hiện cho trí tuệ, hy vọng, lý trí và hòa bình. Nếu xem xét sự ảnh hưởng của nước Nga từ thế chiến thứ II đến nay, thì nó xứng đáng là màu xanh da trời.
 
Còn nước Mỹ, cho họ màu gì bây giờ? Màu đen, chỉ có màu đen là hợp với họ. Nó là một màu đại diện cho sự ma mị. Chính quyền Mỹ hiện tại là đại diện cho tính ích kỷ, dối trá và lừa lọc. Nó đen từ trong lòng, trong suy nghĩ đến cách hành xử, toàn một màu đen.
 
Chính quyền Mỹ không thích ai thì đem màu đen phủ lên quốc gia của họ, làm như quốc gia ấy không có một chút sáng sủa nào. Chính quyền Mỹ đặc biệt ghét màu đỏ, dù chỉ đỏ “nhờ nhờ” cũng không vừa mắt Mỹ, vì đỏ thuộc hệ màu nóng, còn đen thuộc hệ màu lạnh (quy định trong hội họa), nóng và lạnh giống như nước với lửa, luôn đối chọi nhau, không thể hòa hợp với nhau được.
 
Có những quốc gia là màu xanh, tuy sáng sủa đấy, tuy là màu của bầu trời đấy, song không thuần nhất một màu, đôi khi bị những đám mây mù che phủ. Ấy thế mà chính quyền Mỹ cũng không thích. Tôi tạm kể mấy nước có màu sắc như vậy, như nước Lào, Campuchia cạnh ta; xa xa một chút như Ấn độ, Myanmar chẳng hạn.
 
Màu vàng (hoàng) dành cho mấy nước quân chủ lập hiến. Chắc mọi người đều biết, quần áo vua mặc gọi là “hoàng bào”, nơi vua ở gọi là “hoàng cung”, họ hàng nhà vua gọi là “hoàng tộc”. Theo quan niệm xưa nay, màu vàng vừa đại diện cho niềm hy vọng, niềm vui, song lại vừa cảnh báo về sự nguy hiểm, như biển báo giao thông, và đặc biệt là, người xưa nói, “làm bạn với vua như chơi với hổ”. Điều này đúng, nếu như khi bạn đến Thailand, bạn lỡ lời xúc phạm vua Thái, thì cứ liệu hồn đó. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thuộc loại này đôi khi bị chính quyền Mỹ bôi đen làm cho nó chuyển sang màu máu bầm (màu mahogany), như vậy đang từ hệ màu nóng (vàng) lại chuyển sang hệ màu lạnh (mahogany). Lắm lúc cũng muốn đỏ, muốn xanh đấy, song vì cái màu đen nó đậm quá nên khó tẩy. Kiểu như mấy nước vùng Vịnh, chao đảo lúc vàng rồi lại chuyển sang màu máu bầm (mahogany).
 
Thôi, nói sơ qua vậy thôi. Tôi muốn quay lại với nước Nga. Khi đứng trước những sĩ quan Nga mới ra trường, người đứng đầu nước Nga không nói với họ về số thu nhập bằng tiền, về khả năng làm bá chủ thế giới mà anh ấy nói về lòng yêu nước Nga, lòng tự hào về dân tộc Nga, quân đội Nga đã đánh bại quân phát-xít như thế nào. Thông qua bài nói trước binh lính Nga, tôi lại liên hệ đến quân đội nhân dân Việt Nam, những con ngưuời luôn thể hiện lòng yêu nước, lòng dũng cảm và niềm tự hào về lịch sử dân tộc. Một quốc gia biểu tượng của màu xanh, sao lại có những tính cách của quân đội một quốc gia màu đỏ như vậy nhỉ?
 
Không một quân đội nước nào có được bản chất như vậy. Tôi lấy ví dụ, quân đội Mỹ – quốc gia mang biểu tượng màu đen, họ chiến đấu vì gì? Họ được trả tiền cả đấy. Một bức tường đá màu đen lạnh lẽo, ghi tên những thanh niên đã chết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đâu phải họ vì nước Mỹ, họ được đám tài phiệt trả tiền cả thôi. Đám tài phiệt ấy cũng trả tiền cho các đội quân đánh thuê người Việt, người Hàn, người Úc, người Tân-tây-lan, người Thái lan, người Phi-lip-pin… chẳng một ai chiến đấu vì danh dự của dân tộc họ.
 
Tháng Năm, 2018 tôi đã có dịp đến Seoul của Hàn quốc, xe đi trên con đường cao tốc, những khách du lịch được giới thiệu về lịch sử con đường, đó là công trình được làm bằng tiền do chính quyền Mỹ trả cho chính quyền Hàn quốc thời đó vì đã có công tham chiến ở Việt Nam. Trong đầu tôi chợt nghĩ, thì ra con đường được xây dựng bằng máu của người Việt. Chỉ từ 1964 đến 1973, đám lính Đại Hàn đã gây ra trên một chục vụ thảm sát đồng bào ta ở miền Trung, số người bị chúng giết tổng cộng trên hai ngàn người, kể cả người già, phụ nữ và trẻ em. Thì ra một trong những nhân tố đóng góp cho sự giàu mạnh của Hàn quốc ngày nay là vậy.
 
Đó là những cảm nghĩ của tôi sau khi nghe bài nói chuyện của Putin với các sĩ quan nước Nga. Có điều gì đó, hai chúng ta là một./.
 

Hình trong bài: Tổng thống Nga Putin có bài phát biểu trước các quân nhân tại Quảng trường Nhà thờ Kremlin. Ảnh: Sputnik

***
Ngày 19/07/2023
Ngã Thị Dã

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *