Nhân quyền kiểu Tây

Người xem: 203

Lâu nay, các nước phương Tây vẫn thường tự hào rằng nền dân chủ ở châu Âu là “mô hình mẫu mực, có tính phổ quát” đối với nhân loại. Trong đó, nước Pháp – quê hương của cách mạng tư sản (1789), được coi là cái nôi sản sinh ra khẩu hiệu “tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái”. Vì thế, các nước phương Tây mà trung tâm là nước Pháp đã cố gắng “xuất khẩu sản phẩm” nêu trên của mình ra khắp thế giới bằng nhiều cách khác nhau nhằm đạt mục đích không phải vì tự do, dân chủ.

 

 

 

 

Minh chứng cho thấy, nền dân chủ phương Tây đang rơi vào khủng hoảng và chính người dân ở đó không tin xã hội của họ có một nền dân chủ lý tưởng, cần được “xuất khẩu”. Và thực tế ở Pháp những ngày giữa tháng 3, cuối tháng 6 vừa qua là một minh chứng không thể phủ nhận.

 
Từ ngày 28 đến 30-6-2023, trên khắp nước Pháp đã xảy ra 3 đêm bạo loạn trước sự bất lực của chính quyền. Tổng thống Emmanuel Macron đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn với các bộ trưởng cấp cao. Nguyên nhân xuất phát từ vụ thiếu niên tên Nahel, 17 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Nanterre. Ngay sau đó, trên mạng xã hội ở Pháp lan truyền một đoạn clip cho thấy, 2 nhân viên cảnh sát đứng bên cạnh chiếc xe đã dừng lại, 1 người chĩa súng vào người ngồi sau tay lái và nói: “Cậu sẽ ăn một viên đạn vào đầu”. Sau đó, viên cảnh sát này đã bắn vào Nahel khi thiếu niên này lái xe phóng đi. Đây không phải lần đầu tiên cảnh sát Pháp bắn chết người tham gia giao thông khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra hoặc xử phạt. Tính từ đầu năm đến nay, ở Pháp đã xảy ra 3 vụ cảnh sát bắn chết người tham gia giao thông. Còn trong năm 2022, con số này là 13 và tăng gấp đôi so với năm 2021.
 
Vụ việc nêu trên ngay lập tức làm dấy lên làn sóng biểu tình bạo loạn lan rộng từ các khu vực quanh Thủ đô Paris đến các thành phố Toulouse, Dijon và Lyon. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức do tình trạng bất ổn này. Cũng từ vụ việc nêu trên, báo Le Figaro số ra ngày 28-6-2023, đã dành trang nhất đăng bài viết về cuộc tuần hành sau cái chết của Nahel. Theo đó, cuộc tuần hành được dẫn đầu bởi mẹ của nạn nhân và không phải là một cuộc tưởng niệm mà là một cuộc biểu tình với những ý đồ nổi loạn. Sau đó, cuộc tuần hành chuyển sang một cuộc đụng độ với cảnh sát bằng những hành động ném đá, đốt xe hơi và đập phá các cơ sở kinh doanh. Đến nay, số người bị bắt trong các cuộc trấn áp đã lên đến con số kỷ lục là 1.300 người.
 
Mặc dù cảnh sát nổ súng đã bị truy tố và bị tạm giam nhưng sau thảm kịch này cho thấy, một “hố sâu” ngăn cách giữa chính quyền với người lao động sống tại những khu bình dân ở khắp nước Pháp. Theo hãng AFP, nguyên nhân là do Luật An ninh của Pháp cho phép cảnh sát sử dụng súng trong 5 tình huống: Khi tính mạng hoặc an toàn về thể chất của họ hoặc tính mạng của một cá nhân khác đứng trước nguy hiểm; khi một địa điểm hoặc người dưới sự bảo vệ của họ bị tấn công; khi họ không thể ngăn chặn người có khả năng đe dọa đến tính mạng của họ hoặc của người khác; khi họ không thể dừng phương tiện mà lái xe đã phớt lờ lệnh dừng…
 
Như vậy, với 5 lý do nêu trên chẳng khác nào việc cảnh sát giao thông có quyền tước đi mạng sống của bất kỳ ai nếu vi phạm luật giao thông mà bỏ trốn. Đó là chuyện ở Pháp, còn ở Mỹ thì tính mạng của người tham gia giao thông còn rẻ rúng hơn. Theo điều tra của báo New York Times, trong 5 năm, từ 2018 đến nay, cảnh sát đã bắn chết hơn 400 người là lái xe hoặc hành khách đi trên xe. Bi kịch thường bắt đầu khi nạn nhân phạm lỗi cơ bản như vượt đèn đỏ hoặc không có đèn chiếu hậu.
 
Đài BBC ngày 15-7-2022 đưa tin, có một thanh niên da màu được xác định danh tính là Jayland Walker đã bị cảnh sát bắn chết tại thành phố Akron, bang Ohio vào ngày 27-6-2022. Cảnh quay từ camera của cảnh sát cho thấy, khi đó Walker nhảy ra khỏi chiếc xe rồi trốn vào một bãi đậu xe bên đường. Vừa nhìn thấy Walker, cảnh sát đã nổ súng vào anh ta từ nhiều hướng. Trên người Walker có hơn 60 vết thương do súng gây ra. Chính vì tính mạng của người tham gia giao thông quá rẻ rúng nên trong 5 năm qua, ở Mỹ chỉ có 5 sĩ quan cảnh sát bị truy tố vì nổ súng bắn chết người. Tuy nhiên, tất cả đều được cho là tự vệ chính đáng trong tình huống nguy hiểm và điều này đã giúp họ không phải đối mặt với các cáo buộc giết người. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cảnh sát lạm dụng quyền lực để giết người một cách vô tội vạ.
 
Vậy thử hỏi, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và bác ái đang ở đâu tại những quốc gia này? Và nếu có chăng thì đó là thứ tự do muốn bắn ai, giết ai cũng đều vô tội. Còn nhân quyền là quyền được tước bỏ mạng sống của người dân. Và dân chủ, bình đẳng, bác ái chỉ là khẩu hiệu suông. Thế mới hay, tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng và bác ái kiểu Tây là vậy. Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân đang sống lưu vong ở hải ngoại lại cố tình che mắt, bịt tai để không nghe, không thấy và không biết gì để rồi tìm mọi cách nói xấu, xuyên tạc, bịa đặt thực tế ở trong nước. Trên trang facebook của Việt Tân ngày 30-6-2023, có đăng bài: Hậu trường clip dàn dựng cảnh sát giao thông chở thí sinh đi thi. Bài viết có đoạn: Ở những quốc gia văn minh, việc giúp đỡ người khác là điều hết sức bình thường. Vậy mà ở Việt Nam lại vô cùng hiếm hoi và phải chuẩn bị thật công phu những vở diễn để cho thiên hạ thấy rằng “tôi là người tốt”, mục đích chính vẫn là mị dân.
 
Thật khôi hài, lố bịch và trơ trẽn hết chỗ nói. Bởi lẽ, phong trào “tiếp sức mùa thi” không chỉ có cảnh sát giao thông, tổ chức đoàn thanh niên… mà được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia từ nhiều năm nay, với những cách làm sáng tạo nhằm hỗ trợ thí sinh an tâm thi tốt. Người Việt Nam từ xưa đã có quan điểm “nói xấu người khác là tự làm hại chính mình”. Bởi lẽ chẳng có ai lại yêu thích kẻ chuyên nói xấu người khác. Vậy nên ai đó hãy tự tạo cho mình một nhân cách tốt đẹp thay vì xây dựng nên một nhân cách mà quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh.
 
Nguồn: Nhật Minh
báo Bình Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *