Theo quan chức ngoại giao Nga thông báo tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi sắp tới, Moscow sẽ công bố thỏa thuận ngũ cốc mới nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho châu lục này.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi diễn ra tuần này, Moscow sẽ công bố thỏa thuận ngũ cốc mới thay thế Sáng kiển ngũ cốc Biển Đen. Ảnh: RT
Ngày 25/7, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Ozerov cho biết, Moscow và các nước tham gia Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi trong tuần này sẽ thảo luận về hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai sẽ diễn ra tại thành phố St.Petersburg từ ngày 27-29/7 tới.
Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các bên tham gia hội nghị sẽ thông qua một gói thỏa thuận, một loạt tuyên bố chung và một tuyên bố toàn diện cũng như Kế hoạch Hành động diễn đàn hợp tác Nga-châu Phi 2026.
Sputnik đưa tin, trong tuần trước, lãnh đạo và đại diện của 49 quốc gia châu Phi đã xác nhận tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai.
Theo Đại sứ Ozerov, tại hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi sắp tới, Nga sẽ thông báo một giải pháp thay thế cho Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo an ninh lương thực của châu lục này.
Ông Ozerov lưu ý thêm, Nga đã hỗ trợ một số quốc gia châu Phi trước đó, bao gồm cả việc vận chuyển phân bón miễn phí tới các nước Malawi và Kenya.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022 do Liên hợp quốc (LHQ) và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian để mở đường cho Kiev nối lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Ở chiều ngược lại, LHQ cam kết vận động phương Tây dỡ bỏ rào cản để Nga cũng được xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.
Ngày 17/7 vừa qua, Nga đã rút khỏi thỏa thuận, với lý do phần thỏa thuận liên quan đến nước này đã không được thực hiện đầy đủ. Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đóng cửa hành lang ngũ cốc ở biển Đen từ 0h sáng 20/7 và “toàn bộ tàu bè hướng đến các cảng của Ukraine ở biển Đen được coi là phương tiện có thể chuyên chở hàng quân sự”.
Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo LHQ hôm 24/7 đã hối thúc Nga nối lại thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.
Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực của LHQ tại Rome, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi Nga quay trở lại Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen dựa trên những đề xuất mà ông nêu ra trong bức thư gửi tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong bức thư gửi Tổng thống Putin ngày 11/7, ông Guterres đề xuất kết nối công ty con của Ngân hàng Rosselkhozbank, chứ không phải chính ngân hàng này với hệ thống thanh toán SWIFT để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
Tổng thư ký LHQ cũng chỉ ra rằng hiện tại, các khoản thanh toán có thể được thực hiện thông qua một cơ chế được thiết lập với sự tham gia của ngân hàng Mỹ JPMorgan.
Về phần mình, Moscow cho rằng không có giải pháp thay thế nào để kết nối lại Rosselkhozbank và các biện pháp do Tổng Thư ký Guterres đề xuất là không đủ.
Phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về hệ thống lương thực của LHQ hôm 24/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Vershinin khẳng định Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sẽ không thể được khôi phục nếu không có sự tham gia của Moscow.
Theo Thứ trưởng Vershinin, hiện tại chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào giữa Nga và các nước liên quan về việc nối lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
“Chúng tôi đã nêu rõ lập trường của mình. Chúng tôi phản đối gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau ngày 17/7” – Tass dẫn tuyên bố của ông Vershinin.
Thứ trưởng Vershinin cũng nhắc lại rằng phần thứ hai của thỏa thuận ngũ cốc – biên bản ghi nhớ với LHQ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu lương thực và ngũ cốc của Nga – đã không được thực thi.
Moscow sẵn sàng “thế chỗ” Kiev cung cấp lương thực cho châu Phi
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nga – châu Phi lần thứ hai, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/7 tuyên bố nước này đủ khả năng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine cho các nước châu Phi.
“Tôi muốn đảm bảo rằng đất nước của chúng tôi (Nga) có đủ khả năng thay thế nguồn cung ngũ cốc từ Ukraine trên cả phương diện thương mại và miễn phí. Đặc biệt, chúng tôi đang kỳ vọng một vụ thu hoạch kỷ lục khác trong năm nay” – đài RT trích dẫn bài viết của Tổng thống Putin được đăng trên trang web của Điện Kremlin.
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định Nga sẽ “tiếp tục nỗ lực hết mình để cung cấp ngũ cốc, thực phẩm, phân bón và các hàng hóa khác cho châu Phi”, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo Tổng thống Nga, việc duy trì các thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là vô nghĩa.
Ông nhấn mạnh, các điều khoản liên quan đến việc dỡ bỏ rào cản xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, như đã nêu trong thỏa thuận, đã không được dỡ bỏ.
Trong bài chia sẻ của mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho “cái gọi là thỏa thuận ngũ cốc” vì mục đích đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm nguy cơ đói kém và giúp đỡ các nước nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã bị phương Tây “lợi dụng” để làm giàu cho các doanh nghiệp lớn của Mỹ và châu Âu.
Theo Tổng thống Putin, trong gần một năm thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, có đến 70% trong tổng số 32,8 triệu tấn hàng hóa từ Ukraine được chuyển tới các quốc gia có thu nhập trung bình cao và cao, bao gồm Liên minh châu Âu (EU).
“Trong khi đó, các nước Ethiopia, Sudan, Somalia, Yemen và Afghanistan chiếm chưa đến 3%” – ông Putin nói, đề cập đến các quốc gia đang đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực. “Thực tế đó cho thấy mục đích nhân đạo của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đã mất đi ý nghĩa”.
Tổng thống Putin cho biết trong năm 2022, Nga đã xuất khẩu 11,5 triệu tấn ngũ cốc sang châu Phi và gần 10 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm nay.
Cũng trong bài viết, ông Putin chỉ trích các nước phương Tây đã tạo rào cản nhằm ngăn chặn việc Nga tiếp tế phân bón miễn phí cho các nước nghèo trên thế giới.
Tin cùng chuyên mục:
Chiến công xuất sắc của công an Hà Nội: Triệt phá đường dây mua bán thận qua mạng xã hội
Vụ cưỡng đoạt tài sản ở Nam Định: 3 cán bộ Báo Giao thông bị khởi tố
Đèn tín hiệu không có lỗi – Ý thức người tham gia giao thông mới là chính
Cảnh giác với tổ chức “Năng lượng gốc Trống đồng Việt Nam”